.

Vụ tàu biển đâm nhau qua lời kể của người sống sót

.

(ĐNĐT) - 6 thuyền viên được cứu sống trong vụ hai tàu đâm nhau trên biển Cù Lao Chàm (cách Đà Nẵng khoảng 25 hải lý) khiến 3 người chết, 2 người mất tích vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về những phút giây sinh tử.

>> Hai tàu đâm nhau trên biển, 5 thuyền viên chết và mất tích

anh 1. Nguyen Van Bang.JPG
Thủy thủ Nguyễn Văn Bằng vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi được đưa vào bờ
Thủy thủ Nguyễn Văn Bằng (sinh năm 1985, quê Thái Thụy, Thái Bình) sau khi được đưa vào bờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết mình may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Khi được hỏi về sự cố lúc tàu bị nạn, Bằng chỉ nói mỗi một câu duy nhất: “Các anh cứ hỏi thuyền trưởng Thắng là rõ nhất”, rồi lại quay mặt trông xa xăm ra hướng biển khơi.

Lúc này, thuyền trưởng tàu Bình Minh 28 Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1952, quê Diễn Châu, Nghệ An) đang cố gắng trấn tĩnh khi nói chuyện cùng các thuyền viên tàu SAR 412 đã cứu các thuyền viên của tàu mình.

Không giấu nổi sự đau buồn trên gương mặt khi chiếc tàu bị nằm lại ngoài biển khơi, người còn, người mất, thuyền trưởng Thắng cho biết,: tàu Bình Minh 28 gồm 11 thuyền viên, đang trên đường từ huyện Nghi Sơn (Thanh Hóa) chở khoảng 1 tấn clanhke vào An Giang. Khi đến vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), trong khi một một số thuyền viên đang ngủ, một số khác đang trực thì bỗng nghe một tiếng ầm, mọi người chạy lên boong thì phát hiện tàu bị đâm.

“Lúc đó tôi cố gắng bình tĩnh và ra lệnh cho anh em mang áo phao vào. Tuy nhiên, do cú đâm khá mạnh nên tàu chìm rất nhanh, anh em vội lao xuống biển”, ông Thắng kể.

Thợ máy Nguyễn Văn Điển, năm nay đã gần 60 tuổi, người nhỏ, mái tóc đã bạc gần hết, tỏ ra bình tĩnh hơn sau khi đã được đưa lên bờ. Theo lời ông Điển, thời tiết lúc tàu bị đâm có nhiều sương mù, tầm nhìn xa khoảng chưa đến 1km.

Sau khi tàu Bình Minh 28 bị đâm chìm, các thuyền viên đã cố gắng bám lấy phao cứu sinh của tàu rồi mỗi người trôi dạt một nơi. Có 6 thuyền viên kết được hai phao bè và bấu víu vào đó, rồi chơi vơi giữa sóng biển; các thuyền viên còn lại bị trôi dạt. Lúc đó trời dày đặt sương mù, việc liên lạc giữa các thuyền viên rất khó khăn.

Cũng với khuôn mặt thất thần sau khi lênh đênh gần 4 giờ trên biển trước khi được cứu nạn, Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1985, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại sự việc. Hải kể: Sau khi biết tàu bị đâm, mọi người cố gắng bám lấy phao rồi nhảy ra. Lúc này tàu Minh Hải kịp thời đến ứng cứu và vớt được anh Hải cùng với 5 người khác.

Là người trẻ nhất trên tàu, Nguyễn Văn Duy (sinh năm 1991, cũng quê Thái Thụy, Thái Bình) nghẹn ngào: có tới 8 người trên tàu cùng quê với em, nhưng còn 2 người chưa biết bây giờ còn sống hay đã chết.

Vụ tai nạn khiến tàu Bình Minh 28 bị chìm, 3 người thiệt mạng là Lê Ngọc Kiên (thợ máy, quê Thái Thụy, Thái Bình), Nguyễn Thế Tuyển (sĩ quan Boong, quê Hưng Yên), Hà Văn Đồng (thợ máy); 2 thuyền viên còn lại vẫn đang bị mất tích.

Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.