.

Xây dựng nhà trái phép tại dự án Khu công nghệ cao: Cần kiên quyết xử lý

.
Ngày  14-4 vừa qua, UBND huyện Hòa Vang công bố quyết định quy hoạch khu phụ trợ dự án xây dựng Khu Công nghệ cao với diện tích 209 ha  thì ba ngày sau đã có gần 42 ngôi nhà, công trình phụ mọc lên san sát tại hai thôn Hiền Phước và Tân Ninh, xã Hòa Liên (Hòa Vang).

Mô tả ảnh.
Ngôi mộ trước nhà, liệu có ai xây để ở?  Ảnh: Hạ Sơn
Đại công trường xây... “liều”

Chiều ngày 21-4, chúng tôi đi dọc tuyến đường vào hai thôn Hiền Phước và Tân Ninh (Hòa Liên) - nơi đang triển khai dự án xây dựng Khu Công nghệ cao. Điều dễ nhận thấy sự bất thường của một vùng quê vốn yên ả này là hàng loạt các điểm tập kết vật liệu xây dựng đổ ngổn ngang hai bên đường, phía bên trong là dãy tường rào còn xây dựng dang dở, nhiều ngôi nhà đang hoàn tất phần móng hoặc đã lên tường còn nham nhở. Ông Dương Xí, Trưởng thôn Tân Ninh nhíu mày: Chỉ trong hai ngày và một đêm (ngày 16 và 17-4), diện mạo thôn chúng tôi đã thay đổi rất nhiều.
 
Những dãy tường rào bằng tre, ngôi nhà xuống cấp đã như phù phép trở thành đẹp đẽ, khang trang. Nhà nhà đua nhau vận chuyển cát, sạn, sắt về chỉnh trang nhà cửa, công trình phụ. Toàn thôn bỗng huyên náo như một đại công trường xây dựng”. Theo tính toán của chúng tôi, để xây dựng 22 ngôi nhà và 20 công trình phụ trong vòng 72 tiếng đồng hồ (tất nhiên còn nhiều công trình, hạng mục chưa hoàn thành) thì phải cần khoảng 100 thợ nề làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm. Như vậy, với số lượng người lạ vào thôn nhiều như thế cũng như đoàn xe vận chuyển vật liệu cứ gầm rú qua lại trên tuyến đường độc đạo vào thôn, làm sao chính quyền địa phương không phát hiện sự bất bình thường này để sớm ngăn chặn? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên phân trần: “Đúng là địa phương chúng tôi có xuất hiện tình trạng xây dựng, cơi nới nhà cửa, công trình phụ trong giai đoạn “nhạy cảm” này, nhưng trong đó cũng có nhiều trường hợp đang xây dựng dở dang trước khi công bố quy hoạch.
 
Hiện nay chúng tôi đang kiểm tra các trường hợp này để xác định chính xác nhà nào xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp và những trường hợp chính đáng khác nhằm tham mưu cấp trên có hướng xử lý thỏa đáng”. Cũng câu hỏi này, ông Xí trả lời chua chát: “Chi bộ, Ban nhân dân và tổ chức Mặt trận, đoàn thể của thôn sớm phát hiện tình trạng này và đã báo cáo lên xã trong ngày 15-4 (tức là một ngày sau công bố quy hoạch); sau đó lực lượng chức năng có về kiểm tra nhưng chẳng hiểu sao qua 2 ngày sau thì đã như thế này rồi”.

Thiếu kiên quyết, người dân “ôm” nợ

Theo ông Diêm Thanh Long, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị huyện Hòa Vang, lực lượng của huyện và xã Hòa Liên đã tổ chức chốt chặn 24/24 giờ ở đầu thôn từ đêm 18-4 đến nay để ngăn cản không cho xe vận chuyển vật liệu xây dựng vào thôn; đồng thời lập biên bản đình chỉ tất cả các trường hợp đã vi phạm và tiếp tục tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa tái bùng phát tình trạng xây dựng, cơi nới trái phép. Trên thực tế vào chiều ngày 21-4, chúng tôi quan sát tất cả các điểm đổ vật liệu xây dựng ở ngoài đường đã được người dân chuyển vào bên trong, nhiều ngôi nhà và công trình phụ đang xây dựng dở dang đều tạm ngừng thi công.

Ông Nguyễn Thu khẳng định: Chúng tôi sẽ quyết tâm giải quyết ổn thỏa chuyện này. Trước khi các anh đến đây, chúng tôi đã ra quân cưỡng chế buộc tháo dỡ 3 móng nhà, 3 ngôi nhà xây tạm và 1 nhà xây mới. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ yêu cầu tất cả các trường hợp xây dựng, cơi nới trái phép và không phép trên diện tích đất đã công bố quy hoạch phải tự tháo dỡ vật kiến trúc.

Theo người dân nơi đây, mọi quyết tâm của xã Hòa Liên dường như đã quá muộn. Ông Xí bức xúc: “Nếu như ngay từ đầu tiếp nhận báo cáo của thôn chúng tôi, xã kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm thì có lẽ đã không có con số xây dựng trái phép nhiều như hiện nay”. Cũng theo ông Xí, phần lớn các gia đình xây liều này đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Hiện nay mọi người đang rất hoang mang, lo lắng vì trót vay mượn để đầu tư hòng trục lợi.

Hạ Sơn
;
.
.
.
.
.