* 99,87% cử tri thành phố đi bầu
Hôm qua, 658.886 cử tri thành phố Đà Nẵng đã tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tại 484 khu vực bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử trên địa bàn thành phố đạt 99,87%.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tham gia bỏ phiếu bầu. Ảnh: M. HẠNH |
Đồng chí Trần Văn Minh bỏ phiếu bầu cử tại Khu vực bỏ phiếu số 3, phường Phước Ninh, quận Hải Châu. Ảnh: S. TRUNG |
Đồng chí Trần Thọ bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 3, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Ảnh: V. DŨNG |
Đồng chí Huỳnh Nghĩa bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 1, phường Bình Thuận, quận Hải Châu. Ảnh: Thanh Tình |
Đồng chí Nguyễn Thanh Quang bỏ phiếu tại khu vực bầu cử số 8, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Ảnh: N. ĐOAN |
Sáng ngày 22-5, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (khóa XII) đơn vị thành phố Đà Nẵng đã dự lễ khai mạc và bỏ phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 2, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Tại tổ bầu cử này, từ rất sớm đông đảo cử tri đã đến bỏ phiếu chọn những người tài đức vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương.
Cùng thời điểm trên, đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã đến dự lễ khai mạc và thực hiện nghĩa vụ bầu cử tại Tổ bầu cử số 3, phường Phước Ninh, quận Hải Châu. Đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng với hơn 1.530 cử tri 7 tổ dân phố thuộc phường Hòa An đã thực hiện quyền bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Đồng chí Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, Phó Chủ tịch HĐBC thành phố đã đến dự lễ khai mạc và bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 1, phường Bình Thuận, quận Hải Châu. Đồng chí Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng và bà con cử tri các tổ dân phố từ 29 đến 33 đã tham dự lễ khai mạc và bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 8, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.
Đồng bào Cơtu thức dậy từ rất sớm, mặc đẹp hơn mọi ngày và hăng hái đến điểm bầu cử. Ảnh: V.Nở |
Tại Khu vực bỏ phiếu số 8, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, hoạt động bầu cử được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Kết thúc thời điểm bầu cử theo luật định, tính đến 19 giờ ngày 22-5, toàn thành phố có 658.886 cử tri tham gia đi bầu, chiếm tỷ lệ 99,87%. Trong đó, 29/56 xã, phường đạt 100%, 411/484 Tổ bầu cử đạt 100%. Huyện Hòa Vang là đơn vị có 83.610 cử tri tham gia, chiếm tỷ lệ cao nhất thành phố: 99,99%. Ngoài ra, tính đến 19 giờ ngày 22-5, toàn thành phố có 191 cử tri vãng lai tham gia bầu cử, trong đó tập trung đông nhất ở quận Hải Châu với 72 cử tri.
Quận Hải Châu có 10 phường đạt 100% cử tri đi bầu cử, 10 tổ không đạt 100%. Quận Sơn Trà và huyện Hoàng Sa: 1 phường đạt 100%, 16 tổ không đạt 100%. Huyện Hòa Vang: 9 xã đạt 100%, 2 tổ không đạt 100%. Quận Thanh Khê: 4 phường đạt 100%, 11 tổ không đạt 100%. Quận Liên Chiểu: 1 phường đạt 100%, 10 tổ không đạt 100%. Quận Ngũ Hành Sơn: 3 phường đạt 100%, 2 tổ không đạt 100%. Quận Cẩm Lệ: 1 phường đạt 100%, 22 tổ không đạt 100%. |
Sau đây là ghi nhanh của Nhóm Phóng viên Báo Đà Nẵng về Ngày hội bầu cử của thành phố Đà Nẵng
Nhận thức từ hai phía
Tại Tổ bầu cử số 3 của phường Phước Ninh, quận Hải Châu, ngay từ sáng sớm, ông Nguyễn Thành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng khóa IV đã có mặt cùng đông đảo cử tri đi bỏ phiếu. Sau khi cẩn thận lựa chọn, bỏ phiếu theo hướng dẫn, ông bày tỏ nguyện vọng của mình: Mong rằng các vị trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII phải góp phần cho một Quốc hội vì dân, mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, đặc biệt là tăng cường hoạt động giám sát, chống tham nhũng có hiệu quả. Tôi cũng mong HĐND thành phố khóa VIII tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được của nhiệm kỳ qua. “Phải công nhận rằng so với khóa HĐND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây tôi tham gia thì HĐND thành phố hiện nay đã mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, có nhiều đột phá hơn. HĐND thành phố hiện nay đã cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Thành ủy với nhiều biện pháp đột phá có khi trong cả nước chưa ai làm!”-ông Nguyễn Thành nhìn nhận.
Xe cổ động trên đường phố trong ngày bầu cử. Ảnh: Sơn Trung |
Cử tri-giáo dân Cồn Dầu náo nức bỏ lá phiếu bầu đại diện cho tiếng nói, niềm tin, kỳ vọng của người dân. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Trong khi đó, trước không khí náo nức của ngày hội lớn, sau khi thực hiện quyền công dân của mình cũng như đi kiểm tra công tác bầu cử, đồng chí Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND thành phố khóa VII, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (khóa XII) đơn vị Đà Nẵng bày tỏ: Đây là lần đầu tiên bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra trong cùng một ngày tại các địa phương. Với bộn bề công việc, chúng tôi đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của các cấp, các ngành, Mặt trận và đoàn thể từ công tác hiệp thương, công bố danh sách ứng cử viên, đến việc tổ chức tọa đàm, bầu cử…; đồng thời, chúng tôi cũng đánh giá ý thức tham gia bầu cử của cử tri được nâng lên rõ rệt. Trong không khí ấy, trước tinh thần phấn khởi ấy của cử tri, đồng chí Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh: “Hôm nay tôi đến đây với tư cách vừa là cử tri vừa là ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Nếu được cử tri tín nhiệm trúng cử, tôi sẽ cố gắng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực để thực sự là người đại biểu xứng đáng, góp phần vào việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Trọn việc đạo và đời
Cũng chính vì quyết tâm đó của những người ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp, mà cử tri toàn thành phố đã ý thức hơn trong việc lựa chọn những người đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở các cấp. Từ miền núi tới miền xuôi, từ đồng bằng đến vùng biển, từ lương đến giáo, từ sinh viên đến công nhân, bộ đội…mỗi công dân đều háo hức tham gia sự kiện chính trị to lớn này với ý thức trách nhiệm cao.
Đại đức Thích Khánh Chơn (trụ trì Chùa Thuận Châu) bỏ phiếu tại phường Thuận Phước. Ảnh: Tú Phương |
Linh mục Nguyễn Văn Hoàng (trái), Chánh xứ Nhà thờ Phú Thượng là người đầu tiên bỏ phiếu tại Phú Thượng. Ảnh: Lê Văn Thơm |
Vì vậy, ngay sau thủ tục khai mạc tại khu vực bỏ phiếu số 1, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đại đức Thích Khánh Chơn cùng các tăng ni Chùa Thuận Châu đã là những người bỏ phiếu đầu tiên. Đại đức Thích Khánh Chơn chia sẻ niềm vui khi có mặt trong ngày hội lớn của cả nước, đặc biệt khi được lãnh đạo Đảng, chính quyền phường Thuận Phước dành những tình cảm trân trọng. “Tôi rất hạnh phúc khi được cầm trên tay lá phiếu. Tôi cho rằng, điều quan trọng là phải bỏ đúng lá phiếu, nghĩa là cân nhắc để lựa chọn được những người đầy đủ đức, tài”, Đại đức Thích Khánh Chơn nói. 13 cử tri là tăng ni chùa Pháp Lâm, Bát Nhã cũng đi bỏ phiếu tại khu vực bầu cử số 4, phường Nam Dương, quận Hải Châu. Tuy lần đầu đi bỏ phiếu nhưng thầy Quảng Ngộ (chùa Pháp Lâm) cảm nhận rất rõ tính chất quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND. Thầy Quảng Ngộ cho biết: “Chúng tôi luôn ý thức việc phải hoàn thành nghĩa vụ công dân nên đã tìm hiểu kỹ lý lịch của các ứng viên, để lá phiếu của mình thật sự có ý nghĩa”.
10 giờ 30 phút sáng ngày 22-5, Ban bầu cử ở điểm bầu cử số 6, phường Thạch Thang nhanh chóng chuyển thùng phiếu lưu động vào Bệnh viện C, Đà Nẵng để những bệnh nhân nặng hoặc ở xa nhà có thể thực hiện nghĩa vụ và quyền công dân của mình. Bệnh nhân Nguyễn Thị Xuân Lan (90 tuổi, ở thôn Thạch Bi, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) vào viện được 2 tuần vì bị tai biến mạch máu não, nói: “Đây là lần thứ 13 tôi tham gia bỏ phiếu, đặc biệt hơn những lần trước là dù nằm viện vẫn được tận tay cầm phiếu bầu chọn những người đủ tài, đức”. Kết quả có 10 lá phiếu của bệnh nhân tại Bệnh viện C được bỏ vào thùng phiếu. (P.T) |
Linh mục Nguyễn Văn Hoàng, Chánh xứ Nhà thờ Phú Thượng cũng là người bỏ lá phiếu đầu tiên tại Tổ bầu cử số 6, xã Hòa Sơn. Gần 3 nghìn giáo dân thuộc Giáo xứ Phú Thượng ngay sau khi hành lễ tại nhà thờ đã nô nức đổ về các khu vực bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân. Trao đổi với chúng tôi, Linh mục Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Các giáo xứ đã khuyên bảo tín đồ vừa lo làm tròn phận sự con chiên trong ngày Chúa Nhật, vừa lo thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của người công dân và khi bầu cử phải cân nhắc, lựa chọn để bầu ra những người toàn tâm toàn ý vì nước, vì dân. Cụ Nguyễn Đình Ớ, 86 tuổi, dù đang ốm vẫn trực tiếp đi bầu cử và bộc bạch rằng: Tuy mình có bị đau, nhưng vẫn còn chống gậy đi được, nên mình vẫn cố đi để lựa chọn bầu những người xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và của địa phương.
Vượt qua những bộn bề cuộc sống do giải tỏa, di dời, một số hộ dân đang còn ở nhà thuê để chờ nhận đất tái định cư hay có hộ đã về nơi ở mới, nhưng ngay từ lúc 6 giờ 30, sau khi kết thúc lễ nhà thờ, các vị chức sắc và hàng trăm giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu đã náo nức sang nhà họp dân khu vực Cồn Dầu để tham gia lễ khai mạc và bầu cử. Khu vực bầu cử số 6, phường Hoà Xuân có 1.084 cử tri thuộc các tổ 20, 21, 22 và 23, đại đa số là đồng bào theo đạo. Ông Trần Ngọc Cam – Tổ trưởng Tổ bầu cử số 6, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hoà Xuân cho biết: “Tất cả cử tri đã di dời giải toả đều được các Ban điều hành Tổ dân phố tìm đến tận nơi ở mới hoặc nhà thuê giao thẻ cử tri và mời cử tri về mạn đàm tiểu sử của các ứng cử viên, hướng dẫn thể thức bầu cử chu đáo.”
Náo nức từ rừng xuống biển
Còn ở tận nơi vùng đồng bào dân tộc Cơtu sinh sống của huyện Hòa Vang là hai thôn Tà Lang và Giàn Bí của xã Hòa Bắc, 458 cử tri (trong đó có 365 cử tri là đồng bào dân tộc Cơtu) cũng đi bầu cử từ rất sớm trong rộn ràng với trang phục truyền thống của mình để thực hiện nghĩa vụ công dân. Đây cũng là một trong những điểm bầu cử trên địa bàn huyện Hòa Vang bỏ phiếu bầu chọn đại biểu ở 3 cấp, nên công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn được chuẩn bị rất chu đáo và khẩn trương.
Đồng bào Cơ tu hai thôn Tà Lang và Giàn Bí rất phấn khởi khi tham gia thực hiện nghĩa vụ của mình. Ảnh: Văn Nở |
Vì thế, nhiều cử tri của huyện đã đi thật sớm để đọc lại một lần nữa tiểu sử từng ứng cử viên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng của mình. Có mặt tại điểm bỏ phiếu số 3 của xã Hòa Phong từ sáng sớm, ông Dương Tấn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong vui vẻ cho biết: Địa phương có 10.273 cử tri tham gia bỏ phiếu tại 10 điểm. Trước 24 giờ ngày 21-5, đoàn kiểm tra công tác bầu cử của xã đã kiểm tra xong lần cuối 10 điểm bỏ phiếu và tất cả đều chuẩn bị rất chu đáo. Bộn bề với công việc đồng áng đang vào vụ, nhiều nông dân đã tranh thủ thời gian để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Trên mảnh ruộng nhà mình, bà Lê Thị Hiền, 63 tuổi, ở thôn Phú Hòa 2, xã Hòa Nhơn cho biết: “Hôm nay từ 4 giờ rưỡi, tôi đã tranh thủ ra đồng làm xong phần đất còn lại, để đúng 7 giờ đến điểm bỏ phiếu đọc lại tiểu sử những ứng cử viên để bỏ phiếu cho chính xác”.
Tại 9 điểm bỏ phiều bầu cử của phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), đông đảo bà con cử tri đã có mặt từ lúc 6 giờ sáng, làm lễ chào cờ và đúng 7 giờ bắt đầu bỏ phiếu. Đặc biệt, phường Nại Hiên Đông có 454 tàu thuyền các loại với 930 cử tri lao động trên biển, nhưng trong sáng ngày 22-5, tất cả các cử tri này đều đã lùi lại chuyến đi biển để làm tròn nghĩa vụ của mình. Riêng tại Tổ bầu cử số 8 (phường Nại Hiên Đông), có 2 cử tri tàn tật, đi lại khó khăn, tổ bầu cử đã đưa phiếu bầu và thùng phiếu tới tận nhà để 2 cử tri này thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Sinh viên, công nhân, tiểu thương... cùng đi bỏ phiếu
Ở thôn Tùng Sơn, Giáo họ hoán chuyển hành lễ vào chiều thứ bảy hôm trước (21-5), nên đồng bào Công giáo hào hứng đi bầu cử sớm hơn và tổ bầu cử nơi đây đã làm lễ khai mạc từ lúc 6 giờ 30. Sau khi ông Nguyễn Lễ (Trưởng ban Giáo họ) và ông Đặng Văn Tài (Chi hội trưởng Người cao tuổi) bỏ hai lá phiếu đầu tiên, bà con giáo dân cùng nhau bước vào khu vực bầu cử để chọn lựa những người đại diện cho ý chí và quyền lợi của mình. Toàn xã Hòa Sơn có 10 tổ bầu cử với tổng số 7.938 cử tri, trong đó hơn 70% là đồng bào công giáo. (L.V.T.) |
Đúng 7 giờ sáng, tại điểm bầu cử số 11 Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, hàng nghìn cử tri sinh viên xếp hàng chờ đến lượt bỏ phiếu bầu cử trong không khí tưng bừng, náo nức. Bạn Hoàng Xuân Thơ, sinh viên năm thứ 2 Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa, cho biết: "Đây là lần đầu tiên em được cầm trên tay lá phiếu bầu cử nên rất hồi hộp và bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của ban tổ chức, các bạn sinh viên tình nguyện, em đã hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Là sinh viên, chúng em mong muốn những đại biểu trúng cử sẽ quan tâm và chia sẻ hơn nữa đến việc làm của sinh viên khi tốt nghiệp đại học”. Còn đối với Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh viên năm thứ 2, khoa Hóa thì cho hay: Mặc dù đang vào mùa thi nhưng chúng em đã hẹn nhau đi rất sớm để thể hiện trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với đất nước. "Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của một công dân, em thấy mình trưởng thành hơn và cần có trách nhiệm hơn với xã hội, cố gắng phấn đấu để trở thành một công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước"-Thúy tâm sự.
Giáo dân Phú Thượng (Hòa Sơn) xem xét, chọn lựa người xứng đáng trước khi bỏ phiếu. Ảnh: Lê Văn Thơm |
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng bỏ phiếu. Ảnh: Trọng Hùng |
Cử tri tàn tật được Tổ bầu cử số 8, Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà mang thùng phiếu tới tận nhà để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Ảnh: Đắc Mạnh |
Cũng trong thời điểm này, trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc, hàng ngàn công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã đi bỏ phiếu từ rất sớm. Tại khu vực bỏ phiếu số 5, hàng trăm công nhân đến bỏ phiếu sau giờ tan ca 3 (7 giờ sáng). Họ rất tự hào khi được cầm trên tay lá phiếu thực hiện quyền công dân, đồng thời họ cho biết rất quan tâm và kỳ vọng đến việc thực hiện chương trình hành động của các đại biểu sau khi trúng cử. Để hòa chung vào ngày hội lớn của đất nước, các doanh nghiệp đã sắp xếp giờ làm hợp lý để công nhân có thời gian thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Là chủ nhật nên nhiều công nhân như chị Nguyễn Thị Lợi (quê Nghệ An) có con nhỏ không gửi trẻ được, chị đem cả con đi theo. Một số chị khác đang mang thai như chị Đỗ Thị Thúy, Nguyễn Thị Kim Liên (công nhân may) vẫn nhờ người thân chở đi bỏ phiếu. Một lực lượng cử tri đông đảo khác là các tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ đều tích cực đi bỏ phiếu từ rất sớm. Bà Nguyễn Thị Lệ, buôn bán hàng tại chợ Hòa Khánh nói: “Buôn bán là công việc cả năm, có bỏ chợ một lúc cũng chẳng quan trọng gì, còn đi bầu cử là mấy năm mới có một lần nên tôi với mấy chị bán hàng rủ nhau đi từ rất sớm”.
Còn tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 của thành phố, ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, 153 học viên và 59 cán bộ đã được hướng dẫn, phổ biến công tác bầu cử theo đúng quy trình và thực hiện việc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố. Đây là thùng phiếu phụ của khu vực bầu cử số 3, thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc.
Hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ
Trên quân cảng Vùng C Hải quân, ai cũng muốn đến đơn vị sớm hơn để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đối với lực lượng làm nhiệm vụ trực chiến, trực sẵn sàng chiến đấu tại các tàu, các vị trí phòng không, các vị trí ra đa quan sát trên đỉnh cao 696 bán đảo Sơn Trà và những bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, Vùng chuẩn bị hòm phiếu phụ mang đến tận nơi các vị trí đó để cử tri được bầu cử. Trong khí thế rộn ràng đó, chiến sĩ trẻ Đỗ Đắc Điệp, binh nhất, trắc thủ rada tâm sự: Lần đầu tiên chính thức được cầm lá phiếu đi bầu cử đại biểu Quốc hội, đây là vinh dự, trách nhiệm của tôi với tư cách vừa là một công dân, vừa là một chiến sĩ.
Bộ đội Biên phòng thành phố bỏ phiếu tại Tổ bầu cử số 1, phường Thạch Thang. Ảnh: BÁ VĨNH |
Kíp trực rada 696 trên đỉnh Sơn Trà thuộc Vùng C Hải quân bỏ phiếu qua hòm phiếu phụ mang lên tận nơi. Ảnh: Mai Xuân Hưởng |
Trong khi đó, tại Tổ bầu cử số 8 phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, hàng trăm cử tri thuộc khối cơ quan (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) đã náo nức tham gia ngày hội. Với sự chuẩn bị chu đáo, nên việc bầu cử của cán bộ, chiến sĩ đã diễn ra nhanh gọn, đầy đủ, an toàn, nghiêm túc và đúng luật.
Với lực lượng Công an, mặc dù toàn lực lượng tham gia bảo vệ, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông…, nhưng việc thực hiện nghĩa vụ công dân của họ cũng được tổ chức và tiến hành nhanh gọn. Tại Điểm bầu cử số 4 (Trường tiểu học Phan Thanh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), các chiến sĩ phục vụ có thời hạn của đơn vị PC65 đã chỉnh tề đội ngũ đi bỏ phiếu. Nhiều chiến sĩ vui mừng cho biết đây là lần đầu tiên cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân của mình. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ của mình, các chiến sĩ nhanh chóng được phân về các điểm bầu cử trên địa bàn thành phố để làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Chánh Văn phòng Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho ngày bầu cử, ngay từ chiều ngày 21-5, Công an các đơn vị đã triển khai lực lượng làm nhiệm vụ. Công an thành phố cũng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế tại các địa phương ngay trong đêm 21-5 để nhắc nhở, chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác bảo vệ. Còn ông Hồ Tăng Khoa, Trưởng Công an xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang cho biết: Ngoài lực lượng hiện có của xã, Công an huyện Hòa Vang đã tăng cường thêm cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ. Từ ngày 20-5, chúng tôi đã triển khai công tác bảo vệ, tổ chức tốt công tác tuần tra, kiểm soát, không để kẻ xấu lợi dụng phá hoại, làm ảnh hưởng đến ngày bầu cử.
Song song với việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Công an thành phố cũng coi công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông trong dịp này là một nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, ngày 22-5, Công an thành phố đã cấm các phương tiện ô-tô tải, xe ben lưu thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT đã nhanh chóng triển khai lực lượng đứng chốt tại các địa bàn trọng điểm để điều hòa giao thông; phối hợp với công an các quận, huyện bảo vệ tại các điểm bầu cử, sắp xếp phương tiện cho các cử tri, tránh tình trạng mất mát tài sản, ùn tắc và tai nạn giao thông. “Nhờ chuẩn bị tốt phương án bảo vệ nên tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trong ngày bầu cử được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Lực lượng Công an sẽ ứng trực đến hết ngày 23-5 để bảo vệ, không để xảy ra những bất ngờ, bị động trong và sau khi kết thúc bầu cử” – Đại tá Nguyễn Viết Lợi cho biết.
Hàng loạt các hãng thông tấn nước ngoài như AFP, Reuters, Nhân Dân nhật báo, Bloomberg, Asia News Network, Business Week… đã đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp của Việt Nam. Hãng AFP của Pháp mô tả cuộc bầu cử là “sự kiện chính trị lớn” với sự tham gia của hơn 60 triệu cử tri để bầu 500 đại biểu Quốc hội. “Toàn thể người dân đều háo hức, vui mừng và mong chờ bầu cử”, hãng thông tấn này viết. AFP còn dẫn lời các cử tri thúc giục việc lựa chọn chính xác ứng viên. Theo tờ Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND cùng ngày. Khoảng 91.438 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước đã khai mạc lúc 7 giờ và kéo dài đến 19 giờ. Tờ báo này còn nêu cụ thể rằng, trong số 827 ứng viên đại biểu Quốc hội, ứng viên nữ chiếm 31,44%, người dân tộc: 16,08%, tái tranh cử: 22,13%, người dưới 40 tuổi: 22,13%, tự đề cử: 1,81%, ứng viên có trình độ sau đại học: 36,76%, tốt nghiệp đại học: 59,49%. Hãng Asia News Network dẫn lời Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử quốc gia Phạm Minh Tuyên cho hay, các cử tri ở tất cả địa phương đều được thông báo kỹ lưỡng về tầm quan trọng cũng như tiến trình bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân, đồng thời được cung cấp về tiểu sử các ứng viên. Cũng theo hãng tin này, công tác chuẩn bị, kiểm tra, giám sát để bảo đảm bầu cử thông suốt được thực hiện ở tất cả khu vực bỏ phiếu, bao gồm 91.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước. Song, một số nơi đã tổ chức bầu cử sớm do điều kiện giao thông khó khăn. (T.P) |
Nhóm phóng viên và Cộng tác viên