.

Cơ cấu “dân số vàng”

.

Theo Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới và thứ 3 trong khu vực. Bình quân mỗi năm tăng thêm gần 1 triệu người, tương đương dân số  trung bình của một tỉnh. Mật độ dân số năm 2009 lên đến 260 người/km2, thuộc nhóm nước cao nhất thế giới. Tuổi thọ bình quân đạt mức khá cao (72,8 tuổi) nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 66, xếp 116/182 nước trên thế giới. Tỷ lệ giới tính khi sinh càng ngày càng trở lên mất cân bằng với 115 trẻ trai/100 trẻ gái.

Mô tả ảnh.
Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai đề án Nâng cao chất lượng giống nòi trên địa bàn thành phố.

 

Tận dụng cơ hội “vàng”

Cơ cấu “dân số vàng” là cơ hội phát triển đối với bất cứ một cộng đồng, một dân tộc nào vì dân số trong độ tuổi lao động giai đoạn này đạt cao nhất và là cơ hội để phát triển kinh tế. Nó chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 30 - 40 năm trong quá trình phát triển của một dân tộc. Cơ cấu “dân số vàng” đồng nghĩa với sự tập trung của một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, bảo đảm an sinh xã hội khi nước ta bước vào giai đoạn dân số già. Với cơ cấu dân số như hiện nay, mỗi năm nước ta có thêm khoảng một triệu người bước vào độ tuổi lao động. Nguồn lao động dồi dào này là niềm mơ ước của rất nhiều quốc gia. Theo các chuyên gia, thời kỳ “dân số vàng” đóng góp một phần ba sự tăng trưởng của các nước châu Á. Lợi ích có được từ cơ cấu “dân số vàng” sẽ không tự đến nếu chính phủ các nước không có chính sách phù hợp.

Số người trong độ tuổi lao động tăng nhanh và chiếm tỷ lệ khoảng 67% dân số cả nước, cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ năm 2010 và kết thúc vào năm 2040 kéo dài khoảng 30 năm. Đây là thế mạnh về nguồn lực lao động, là lợi thế rất lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nếu tận dụng được tính ưu việt của lực lượng lao động trong thời gian này.

Thách thức

Theo các chuyên gia của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khuyến cáo, thiếu các chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội khai thác thời kỳ “dân số vàng” và cơ hội tăng trưởng về mặt dài hạn. Chẳng hạn, nếu thiếu chính sách phù hợp về giáo dục-đào tạo sẽ không thể có lực lượng lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tương tự, nếu không có chính sách phù hợp về chăm sóc y tế thì các nhu cầu cao về sức khỏe sinh sản của bộ phận lớn dân cư trong độ tuổi sinh đẻ sẽ không được đáp ứng, dẫn đến hậu quả là các vấn đề sức khỏe sinh sản như có thai ngoài ý muốn, tỷ lệ nạo phá thai cao, tỷ lệ nhiễm khuẩn đường sinh sản và đường tình dục cao. Nếu không có chính sách về an sinh, bảo trợ xã hội, khó có thể đối phó với vấn đề “già hóa dân số”. Theo dự báo khoảng 20 năm nữa, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, trong khi các nước trên thế giới thời gian từ “già hóa” sang “già” từ 25 - 85 năm.

Trình độ dân trí của Việt Nam đã không ngừng được nâng cao trong 10 năm qua. Tuy nhiên, tốc độ và quy mô đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Tổng điều tra về nhân lực đã được cấp bằng hoặc chứng chỉ về trình độ chuyên môn kỹ thuật, đối với những người từ 15 tuổi trở lên chỉ chiếm 13,3% trong tổng số dân ở độ tuổi này, nghĩa là còn lại 86,7% nhân lực chưa có tay nghề.

“Dân số vàng” là thời cơ để phát triển đất nước, đồng thời cũng đặt ra những thách thức về nhiều phương diện như lương thực, nhà ở, môi trường, giáo dục… Vấn đề đặt ra hiện nay là cần nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, thông qua nâng cao sức khỏe, phát triển giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ... Muốn vậy, phải tăng cường đầu tư, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án tài trợ để huy động nguồn lực cho đào tạo nghề; xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân tài, chất xám, giải quyết việc làm theo nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương và quốc gia...

Bài và ảnh: AN THƯỢNG

;
.
.
.
.
.