.

Đà Nẵng - nơi không còn trẻ lang thang

.
Ngày 30-5-1991, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) Nguyễn Đình An đã ký Quyết định số 955/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm (TT) Bảo trợ trẻ em đường phố, trên cơ sở nguyện vọng của những người tự nguyện, với mục tiêu nhằm giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Bữa ăn trưa tại Gia đình số 1.
Trải qua thời gian, trong chương trình nuôi dạy tập trung tại TT, đã có hơn 450 em trưởng thành, trở thành công dân hữu ích và có cuộc sống ổn định; 80 em đã lập gia đình, có em đang du học tại Pháp, không ít em đã tạo dựng được cơ ngơi nghề nghiệp cho riêng mình, là hướng dẫn viên du lịch, sĩ quan quân đội, tài xế taxi, nhân viên khách sạn,  hoặc lao động tại nước ngoài, v.v... Trên 1.900 em đã được dạy nghề và hỗ trợ tìm việc làm, hơn 450 em học sinh nghèo được cấp học bổng hằng tháng và hầu hết được cấp liên tục từ nhiều năm nay, hàng ngàn em được học và tốt nghiệp tiểu học, gần 10 ngàn lượt em đã được khám, chữa bệnh miễn phí.

Đến với trẻ bụi đời

Khi nói đến bụi đời, người ta hiểu ngay rằng đó là những người lang thang, không gia đình, trẻ em bị bỏ rơi. Sống bằng tất cả các nghề, nhưng phổ biến là ăn xin, nhặt rác...

Hàng trăm trẻ em bụi đời đã được TT nhận về, thu nhặt và nuôi dưỡng trong 20 năm qua, mỗi em có một hoàn cảnh thương tâm khác nhau. Điểm chung nhất của các trẻ em khi đưa về là không biết quê quán, không biết tên cha mẹ, không tên (thường dùng là tên lóng như: cu Đen, Tèo, thằng Bẩn… và được gắn với một biệt danh nào đó), không biết chữ. Ngay cả chỗ ngủ trên vỉa hè cũng không ổn định, đụng đâu ngủ đấy. Cá biệt có trường hợp có đầy đủ cha mẹ, cha mẹ có học hành đàng hàng, có địa vị trong xã hội, nhưng do gia đình không hạnh phúc (ở ngay tại Đà Nẵng), nên chúng bỏ nhà đi sống bụi đời và trở về với mái nhà TT. Hậu quả của môi trường cạnh tranh vô tổ chức làm cho các em trở nên cộc cằn, dối trá, hung bạo, một số em đã bị đánh đập tàn nhẫn nên không phát triển trí tuệ bình thường. Chúng dễ trở thành những tác nhân gây mất trật tự xã hội, và tương lai của các em thật khó tưởng tượng, nếu không nói rằng ở phía trước có nhiều bất trắc, đau đớn đang chờ đợi.

Về với TT, các em thậm chí phải học cả những điều tưởng chừng đơn giản mà bất cứ đứa trẻ nào cũng đã biết như học ngủ trên giường, học lau mặt, học quét nhà... Cũng có những em không chuyên tâm học chữ, học nghề mà còn la cà rong chơi, hoặc gây gổ đánh nhau. Có những em chưa bỏ được thói quen xấu trong một thời gian ngắn, vẫn lấy cắp đồ dùng của nhau, của tập thể, thậm chí xâm phạm tài sản của thầy dạy nghề, của hộ dân cư tại cộng đồng.

Từ tấm lòng của những người tâm huyết

Trước tiên phải kể đến những người có ý tưởng và tâm huyết, với tấm lòng thương yêu trẻ em để thành lập ra TT. Đó là bà Nguyễn Thị Lãnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (công tác 18 năm tại TT); ông Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch HĐQT của TT; ông Nguyễn Rân, một người có kinh nghiệm hoạt động xã hội từ trước năm 1975; ông Hoàng Xuân Thanh, Phóng viên Báo Quảng Nam-Đà Nẵng (đã nghỉ hưu), v.v...

Trung tâm đã khởi sự hoạt động bằng chương trình nuôi dạy tập trung mà đơn vị đầu tiên là Gia đình số 1 nuôi 30 trẻ em, rồi phát triển tăng dần lên 5 gia đình vào năm 1997; các em được đón vào trong độ tuổi từ 5 - 15 và nuôi đến 18 tuổi. Em nào rời TT thì được hỗ trợ ba tháng tiền ăn, em nào xây dựng gia đình mà không có thân nhân lo liệu thì TT đảm nhận vai trò nhà trai hoặc nhà gái để làm đủ thủ tục hôn nhân truyền thống. Rồi TT đón bổ sung các em mới. Ngoài đi học phổ thông, tất cả các em trong 5 gia đình còn được tham gia lớp học phụ đạo buổi tối, do tổ chức Children of Viet nam tài trợ để củng cố kiến thức, bù đắp những lỗ hổng do hoàn cảnh trước đây của các em.

Cô Thân Thị Nguyệt Nga, năm 1999 tốt nghiệp khoa tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Sau 6 năm công tác với chuyên môn tiếng Anh, năm 2005, cô đã trở về làm người bảo mẫu và người mẹ của 30 đứa trẻ ở ngôi nhà số 4 này. Hiện nay, ngoài số cán bộ đã nghỉ hưu tham gia các hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không có thù lao, còn có 50 nhân viên xã hội, họ sống bằng lương do TT đài thọ (vừa đủ sinh hoạt cho chính mình một cách đạm bạc).

Ông Hoàng Xuân Thanh, cán bộ điều hành TT đã khẳng định với tất cả các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền của thành phố rằng: Đến nay, ở Đà Nẵng “Không có trẻ lang thang ngủ trên đường phố”. Đó là thành quả, mục đích tâm huyết... trong suốt 20 năm qua của cán bộ, nhân viên xã hội, những người tình nguyện của TT, với sự giúp đỡ hiệu quả của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước.  Điều đó cũng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng thành phố “5 không” và “3 có” của Đà Nẵng hiện nay.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH
;
.
.
.
.
.