.

Gieo khát vọng cho con bằng niềm tin người lính

.
Câu chuyện về Bùi Đức Thắng,  học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đoạt Huy chương Vàng quốc tế môn Vật lý năm 2007,  là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2007, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng Bằng khen đã được mọi người biết đến nhiều.  Tuy nhiên, chuyện dạy con của cha Thắng - CCB Bùi Trọng Đá thì ít người biết đến.

Mô tả ảnh.
Phần thưởng của Bùi Đức Thắng là niềm vui trong đôi mắt người  mẹ.   (Ảnh do gia đình cung cấp).
Trước đây, một số bài báo từng viết Bùi Đức Thắng là một học sinh con nhà nghèo, nhưng có chứng kiến thực tế hoàn cảnh gia đình Thắng mới phần nào hiểu được sự phấn đấu vươn lên của “cậu bé Vàng Vật lý” này. Ba của Thắng, ông Bùi Trọng Đá, nguyên Đại úy, Phó Đại đội trưởng K40 (Đơn vị N32, Binh đoàn 12), bệnh binh 2/3, đã về hưu năm 1987 vì lý do sức khỏe. Nguồn thu nhập của gia đình để nuôi anh em Thắng ăn học chỉ từ một vài phòng trọ cho sinh viên thuê và đồng lương bệnh binh của ông Đá. Song số tiền ít ỏi đó còn phải chia năm sẻ bảy vì mẹ Thắng, bà Nguyễn Thị Vĩnh, không có việc làm, lại bị bệnh phải thuốc thang thường xuyên. Do đó, để có được Bùi Đức Thắng hôm nay, trong hoàn cảnh gia đình như vậy, “cậu bé Vàng Vật lý” phải bắt đầu từ chính mình. Nhân tố tiếp theo không kém phần quan trọng là phương pháp dạy con của ba mẹ và sự quan tâm của nhà trường, chính quyền địa phương, bạn bè.

Bằng giọng nói giản dị, có phần chậm rãi, cựu chiến binh Bùi Trọng Đá tâm sự về những năm tuổi thơ của đứa con yêu: “Nhà ở ngay cổng đơn vị,  nên lúc cháu còn nhỏ tôi thường dẫn nó vào xem các chú bộ đội luyện tập. Biết con có tính hiếu động, khả năng quan sát tinh tế, mỗi lần về nhà, tôi lại hỏi nó nhìn thấy gì, đã học được điều gì ở các chú. Dần dần, tôi chuyển tải vào đầu Thắng tính tự giác, nghiêm túc của bộ đội. Đặc biệt, tôi đã gieo vào lòng con trai khát vọng, niềm tin của người lính. Đó là, quyết tâm vượt qua tất cả mọi khó khăn để giành chiến thắng”. Theo dòng hồi ức của người cha, dường như từ thưở ấu thơ Bùi Đức Thắng đã hiểu được hoàn cảnh gia đình, lĩnh hội đầy đủ tâm nguyện của ba mẹ nên ngay từ năm đầu cắp sách tới trường Thắng đã là một trong những học sinh xuất sắc với điểm số các môn thường xuyên trên 9,0. Tuy nhiên, nhu cầu học tập ngày một phát triển, đòi hỏi vật chất phục vụ lớn dần theo bậc học. Biết ba mẹ khó khăn, Thắng không dám đua đòi theo chúng bạn, nhưng cũng không tránh khỏi những phút chạnh buồn khi nghĩ đến quyển sách nâng cao, chiếc máy vi tính…
 
Để mua được những thứ đó, Thắng biết gia đình phải dành dụm cả một thời gian dài, thậm chí còn phải hạn chế chi tiêu. Dẫu con không nói ra, nhưng ông Đá cũng hiểu được nỗi lòng của Thắng. Ông bàn với vợ cóp nhặt, tằn tiện, dành dụm mua cho con một vài thứ cần thiết. Lâu lâu, hai cha con trò chuyện với nhau, CCB Bùi Trọng Đá lại kể cho con nghe chuyện bộ đội vượt Trường Sơn năm xưa. Ý ông muốn nói với con rằng: Đường đến vinh quang không thể thiếu chông gai. Sau mỗi lần như vậy, Bùi Đức Thắng càng thấm thía lời dạy bảo của ba.

Tính tự giác của Thắng được hình thành từ nhỏ, khi lớn lên càng bộc lộ rõ nét. Sự ham học, khát vọng vươn lên của “cậu bé Vàng Vật lý” đã được Thiếu tá Lê Anh Tuấn, đồng đội của ông Đá chứng kiến: “Cái thằng học kinh lắm! Có hôm tôi đến chơi thấy cháu tắm. Tay kỳ lưng, nhưng mắt vẫn nhìn vào quyển sách để trên bậc thềm gần đấy”. Dẫu biết rằng có được thành công hôm nay là nhờ vào khả năng học tập của con, nhưng ông bà Bùi Trọng Đá và Nguyễn Thị Vĩnh vẫn không quên nhắc đi, nhắc lại công ơn của thầy cô, chính quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, thầy trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, v.v… Bà Vĩnh bùi ngùi xúc động nói: “Biết nói làm sao cho hết công ơn của các thầy cô giáo, của Sở Giáo dục và Đào tạo, bạn bè, bà con khối phố, chính quyền thành phố Đà Nẵng  đã giúp đỡ em trên con đường học tập”. Trong ký ức của bà, hình ảnh các thầy Nguyễn Quốc Việt, Ngô Ngọc Thủy, Nguyễn Tăng Cam, v.v... như người thân trong gia đình.

Hiện nay, Bùi Đức Thắng là sinh viên năm thứ 4 khoa Điện tử-viễn thông, thuộc Trường Đại học A-lai-de-lai (Australia). Từ phương trời xứ lạ, “cậu bé Vàng Vật lý” cũng như gia đình đều chỉ có một nguyện vọng duy nhất: “Được tiếp tục học lên để về cống hiến cho quê hương đất nước”. Điều đó âu cũng là một lẽ thường tình khi người cha đã gieo vào lòng con niềm tin, khát vọng của người lính được cống hiến cho quê hương.

Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG
;
.
.
.
.
.