Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, Đà Nẵng có 2 nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và 27 nữ ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Như vậy, có đến 33,3% nữ giới quyết định tham chính thông qua việc ứng cử vào HĐND thành phố, cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương. Dù trúng cử hay không thì chặng đường đến với chính trường của nữ giới từ trước đến nay đều không hề dễ dàng chút nào.
Nữ giới thẳng thắn bày tỏ chính kiến tại các diễn đàn chính trị của thành phố. |
Phải cố gắng gấp nhiều lần nam giới
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, đại biểu HĐND thành phố khóa VII tâm sự: “Trên chính trường, nếu nam giới cố gắng một thì nữ giới phải gắng sức gấp nhiều lần hơn nữa mới đạt kết quả tốt trong công việc. Vì ngoài thời gian làm việc, chị em còn phải chăm sóc gia đình, vẫn đảm đương trách nhiệm người mẹ, người vợ. Gánh nặng “thiên chức” này nhân đôi khi nữ giới đảm trách cương vị lãnh đạo, quản lý một cơ quan, đơn vị nào đó”. Suy nghĩ của chị Hương cũng giống với nhiều phụ nữ đã hoặc đang công tác tại các cơ quan quyền lực của Nhà nước hiện nay. Chị Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội thành phố cho rằng: “Nữ đại biểu Quốc hội cũng có thiên chức làm mẹ, làm vợ như các phụ nữ khác, nên cùng với việc chăm lo công tác xã hội, họ còn phải thu xếp khá nhiều thời gian trong cuộc sống để thực hiện thiên chức này. Để đạt trình độ ngang bằng với nam giới, nữ đại biểu phải phấn đấu vất vả hơn nam giới rất nhiều nhưng không phải ai cũng thấu hiểu điều này”.
Xét về năng lực chuyên môn, so với trước, trình độ học vấn của nữ giới đã đạt mức khá cao. Hiện tại, hầu hết các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố đều có trình độ đại học hoặc trên đại học. Họ có kinh nghiệm trong công tác, đã tham gia các hoạt động chính trị - xã hội và đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố. Đánh giá về năng lực của các nữ đại biểu HĐND thành phố khóa VII, đồng chí Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố nhận định: “Nhiệm kỳ vừa qua, các nữ đại biểu đã có những đóng góp rất tích cực cho các hoạt động của HĐND thành phố. Từ việc chuẩn bị cho kỳ họp, tiếp xúc cử tri và tham gia phát biểu, thảo luận, chất vấn tại hội trường, các nữ đại biểu đều phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Họ đã đi sâu đi sát cơ sở, được cử tri các địa phương đánh giá khá cao”.
Trên thực tế, nữ giới nhận thức rất rõ những điểm yếu, trở ngại của bản thân khi tham gia hoạt động chính trị và họ luôn nỗ lực để tự hoàn thiện bản thân cả về trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế. Nhiều chị em khi tham chính không có tư tưởng an phận, thụ động mà bản thân họ ngày càng năng động hơn, phấn đấu tích cực hơn để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong công tác lãnh đạo, quản lý cũng như trong các hoạt động chính trị - xã hội ở địa phương.
Phát huy lợi thế của nữ giới
Chị Vũ Thị Mùi, ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII cho rằng: “Có những đặc điểm, tính cách chỉ tồn tại ở giới nữ và trở thành những lợi thế dành riêng cho chị em. Chẳng hạn, nhờ sự dịu dàng, mềm mỏng, nhẫn nại, nữ giới có thể tiếp cận dễ dàng hơn với người dân. Họ có thể lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của cử tri để rồi từ đó, đề đạt lên các cấp chính quyền. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu cần sự kiên quyết, quyết đoán thì nữ giới còn hạn chế”. Như vậy, nếu biết phát huy những đặc tính riêng có ở nữ giới và vận dụng một cách linh hoạt, hài hòa vào quá trình làm việc thì nữ giới cũng có nhiều lợi thế không kém gì nam giới.
Theo chị Nguyễn Thị Kim Thúy, về trình độ, năng lực, nữ đại biểu khi tham chính tại diễn đàn Quốc hội không thua kém nam giới. Họ có cách nhìn nhận vấn đề linh hoạt, nhạy bén, phù hợp với thực tế cuộc sống. “Nữ đại biểu thường có phương pháp làm việc khoa học, nhẹ nhàng, thân thiện và thuyết phục lòng người, không gay gắt, không đao to búa lớn nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Họ thấu hiểu thực trạng cuộc sống, công việc, gia đình... nên rất quan tâm tới việc ban hành các chính sách phù hợp với thực tế cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân”, chị Thúy nhấn mạnh. Chị Lê Thị Nam Phương, ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố thì cho rằng, mỗi giới đều có lợi thế khác nhau, bản thân từng cá nhân cũng có lợi thế riêng nên nếu có tâm, có kiến thức thì nhất định nữ giới sẽ thực hiện tốt trách nhiệm của mình khi tham gia diễn đàn chính trị quan trọng của thành phố.
Hiện nay, vai trò, vị thế của người phụ nữ đã được cải thiện nhiều so với trước đây, tuy nhiên, định kiến xã hội về vai trò nữ giới và tư tưởng nam quyền vẫn còn tồn tại trong môi trường chính trị và ảnh hưởng khá nhiều đến cơ hội thăng tiến của nữ giới trên chính trường. Mặc dù các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến nữ giới nhưng khả năng tham chính của chị em vẫn còn hạn chế. Bằng kinh nghiệm thực tiễn những năm làm lãnh đạo, quản lý và với vai trò đại biểu Quốc hội chuyên trách, chị Nguyễn Thị Kim Thúy khẳng định: “Hiện nay phụ nữ có nhiều cơ hội để học tập, rèn luyện, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Do vậy, triển vọng về khả năng nữ giới tham chính trong tương lai sẽ thuận lợi hơn so với trước đây. Song để thực hiện được việc này, chính bản thân nữ giới cần nỗ lực phấn đấu vươn lên, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, khéo léo thu xếp việc gia đình, biết khích lệ, động viên sự chia sẻ của các thành viên trong gia đình. Đồng thời, biết chấp nhận vượt qua mọi thách thức của định kiến về giới, tiếp tục khẳng định trình độ, năng lực, vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Rõ ràng, làm được những điều này, người phụ nữ phải đối mặt với không ít thách thức. Và bản thân họ phải dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết để giữ vững vai trò, vị thế của mình, thẳng thắn bày tỏ chính kiến tại các diễn đàn chính trị, vượt qua những e ngại để tự tin tham gia một cách bình đẳng với nam giới vào các hoạt động chính trị - xã hội quan trọng của thành phố và đất nước.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH