.
KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRUNG TÂM BẢO TRỢ TRẺ EM ĐƯỜNG PHỐ ĐÀ NẴNG (31-5-1991 – 31-5-2011)

Số phận đặc biệt và cuộc sống bình thường

.
Nhà ấy quê đâu ở Thanh Hóa, có 4 người con được đặt tên là các vị thuốc quý Nhung, Sâm, Quy, Thục. Vậy mà số phận lại cỏ rác hơn cả cỏ rác. Đi kinh tế mới Tây Nguyên, rồi không chỉ là khó khăn vây bủa mà là cùng cực không chịu nổi, kéo nhau về Đà Nẵng, sống dưới mái hiên rạp chiếc bóng Kinh đô (đối diện với Thành đội, đường Trần Phú). Thế rồi người mẹ xấu số qua đời ngay ở vỉa hè. Nhung, cô chị lớn trôi dạt tận Sài Gòn. Trung tâm đón ba anh em Sâm, Quy, Thục về nuôi.

Mô tả ảnh.
Lớp dạy thêu của cơ sở dạy nghề.
 
Ông bố cạn nghĩ và không mấy tin tưởng ở cái trung tâm đầy thiện chí nhưng quá non trẻ này, đã xin cho hai cháu Quy, Thục về với mình. Ba cha con dắt díu nhau đi xin ăn ở chợ Đông Hà, chẳng may ông bị chết trong một tai nạn giao thông. Có người tin cho trung tâm điều chẳng lành ấy, trung tâm cử người ra Đông Hà lo mồ yên mả đẹp cho người cha bất hạnh rồi đón Quy, Thục về.

Sau những ngày đau thương ấy, dưới mái ấm trung tâm, Sâm được học chữ và học nghề đã trở thành một thợ i-nox lành nghề, đã cưới vợ, sống tự lập bằng bàn tay lao động. Quy và Thục đang sống ở Gia đình 1, Bích Quy nay là một sinh viên điều dưỡng năm thứ hai, còn Bích Thục đang học lớp mười một, cả hai đều xinh xắn, gương mặt hồn nhiên, đôi mắt trong veo.

*

Một gia đình ba người, quê đâu tận ngoại thành Hà Nội, mẹ từng là thanh niên xung phong, về Đà Nẵng sau những ngày cố sống mà không thể sống được ở Tây Nguyên và họ chọn bến phà sông Hàn làm nơi trú ngụ (lúc đó chưa có cầu quay). Anh chị em ở trung tâm đã bao đêm to nhỏ khuyên nhủ mới đón được hai cháu Ngô Hoàng Huy Khang và Ngô Hoàng Thúy An về với mình. Trong những ngày nghiệt ngã ấy, người mẹ đã theo dõi, chờ đợi và khi thật sự yên tâm về hai đứa con, bà đã đi làm ăn ở một phương trời nào.

Huy Khang đã trưởng thành hiện là thợ i-nox, có vợ và một con nhỏ đang sống hạnh phúc ở Hòa Khánh, còn Thúy An nay là một cô sinh viên xinh xắn, lanh lợi, năm thứ tư Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Bây giờ An và Khang đã đủ tự tin với chỗ đứng, với một tương lai tốt đẹp về đời mình.

*

Nguyễn Văn Trọng dắt người mẹ mù đi ăn xin. Anh chị em ở trung tâm hỏi ra mới biết rằng đó là một gia đình từ Hà Tĩnh phiêu dạt vào Đà Nẵng. Muốn cho người con thôi kiếp sống lang thang của trẻ em đường phố, trung tâm phải nuôi luôn cả người mẹ tật nguyền ấy nữa. Thế rồi trung tâm lại biết bà còn một người con gái tên Xuân đi ở bồng con thuê hết nơi này đến nơi khác. Đón Xuân về nuôi dưỡng không những cho em học nghề, và tìm việc làm, trung tâm còn giúp đỡ cho em có nhà cửa và cuộc sống ổn định. Bà mẹ mù về ở với con gái và chàng rể, một thợ xây.

Trọng được trung tâm nuôi dạy và gửi em học ở Trường Hoa Sữa Hà Nội, một trường dạy nghề nấu ăn, phục vụ du lịch. Bây giờ em làm việc tại Khách sạn Victoria Hội An. Còn bà Nguyệt, bà già mù vẫn cần mẫn nấu ăn, trông cháu, bà thật đã có cuộc sống giản dị mà hạnh phúc. “Mẹ dù đau đớn mù lòa - Ánh xuân đã sáng chan hòa tâm can”, như những câu thơ của Xuân Diệu.

*

Một gia đình công nhân lâm trường ở Hiệp Đức, người cha chết vì sốt rét ác tính để lại vợ và 5 con nhỏ. Thế rồi một hôm đi lột vỏ cây kiếm gạo nuôi con, người mẹ bị cây đè chết. Dù biết là một gánh nặng, trung tâm đã đón 5 chị em về (xin nhớ rằng lúc này chưa có Làng SOS và các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước thì rất ít  và đều quá tải).

Nay Lệ Thu, sau khi học Trường Hoa Sữa về đã được Khách sạn Saigontourane nhận làm nhân viên. Lệ Phương đã lấy chồng và bảo đảm cuộc sống với một quầy văn hóa phẩm ở Nhà sách Cẩm Lệ, một người chồng siêng năng và một đứa con dễ thương. Lệ Hoa là công nhân Công ty Dệt-may 29-3. Chính - cậu con trai đã trở thành thợ xây có tay nghề, còn bé út Lệ Quyên được một chị cán bộ Hội Chữ thập đỏ hiếm muộn tha thiết xin về. Em sống sung sướng với bố mẹ nuôi, đã trưởng thành, lập gia đình và sống hạnh phúc.

*

Một gia đình không cha, mẹ và 7 đứa con từ Đức Thọ, Hà Tĩnh dắt díu nhau vào sống lay lắt vỉa hè Đà Nẵng bằng nghề nhặt nhạnh rác thải, ve chai. Trung tâm đã đón các em về nuôi dạy, cho học chữ, học nghề dù biết đó là một gánh nặng cho trung tâm vào những ngày mới thành lập. Thế rồi người mẹ bị bệnh qua đời, trung tâm lại giúp các em lo tang ma, chôn cất cho người mẹ xấu số.

Trong vòng tay của trung tâm, các em lần lượt trưởng thành. Các em đã có một gia đình lớn: Tâm, Thơ, Thắm, Thủy đã lập gia đình, em Thân, Thể, Hiền đang học nghề. Tâm - người anh trai lớn học nghề cơ khí và bây giờ là chủ cơ sở “gia công phụ tùng cơ khí Nguyễn Đình Tâm” có nhà xưởng, công nhân, đang làm ăn phát đạt tại Hòa Khánh Bắc, có một cuộc sống kinh tế ổn định, người vợ hiền thảo và 2 đứa con ngoan.

Nói sao cho hết sự thay đổi kỳ lạ những số phận, những cuộc đời của những tuổi thơ quá nhiều cay đắng ấy. Có những em từ lang thang đi bụi về với trung tâm đã hưởng được những chăm sóc, ân huệ mà có thể các cháu đang sống yên vui với gia đình chưa chắc đã có được. Em Hòa nay đã trưởng thành, có cuộc sống khỏe mạnh, được trung tâm đón từ gầm cầu Vĩnh Điện về nuôi tại Gia đình số 3. Thế rồi phát hiện em bị bệnh tim bẩm sinh, trung tâm đã vận động sự tài trợ của các nhà hảo tâm và em đã qua 2 lần phẫu thuật ở Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh, chi phí gần 80 triệu đồng.

Ai đâu có ngờ đồng chí Trung úy, trợ lý dân quân Huyện đội Núi Thành cũng từng là một trẻ em đường phố được nuôi dạy và lớn lên trong vòng tay của trung tâm.

Và Lê Thị Hiệp, từ chốn bụi bặm, nhếch nhác dưới đáy xã hội trở thành một thành viên của gia đình số 4, rồi được người đỡ đầu tạo điều kiện sang Pháp du học. Sau khi tốt nghiệp đại học, em đã quyết định ở lại Pháp vừa đi làm, vừa đi học, mai này khi có trong tay bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh em sẽ trở về.

Dẫu biết là thiên nan, vạn nan khi dấn thân vào cuộc trường chinh để không còn những em nhỏ bị cướp đi tuổi thơ, những em nhỏ bị đẩy ra cuộc sống đường phố đầy bất trắc, tai họa, cạm bẫy, không chấp nhận những cảnh đau lòng như là sự an bài của số phận không thể thay đổi được, những người sáng lập, điều hành và hoạt động ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố có thể tự hào về những thành tựu của “20 năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Họ đã nhận được sự chung tay của nhiều tấm lòng bè bạn trong và ngoài nước. Một anh thợ hớt tóc cũng đã nhiều năm nay tình nguyện hớt tóc miễn phí cho tất cả các em ở trung tâm. Một bác sĩ đã tình nguyện chăm sóc răng miễn phí cho các em. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài dành dụm được ít nhiều lại gửi cho trung tâm, có người chưa hề đến trung tâm nhưng vẫn gửi tiền đều đặn. Trung tâm có quan hệ trên 30 tổ chức quốc tế, nhiều tổ chức được lập ra chỉ để cộng tác, hỗ trợ cho trung tâm.

Mong ước lớn nhất, tha thiết nhất của những người ở trung tâm và những người tiếp sức cho họ là dù có số phận éo le, cay đắng đến thế nào thì những trẻ em đường phố đều được trở lại cuộc sống bình thường, có những cơ hội để sống và thăng tiến như những người bình thường.

Chính vì vậy, một hy vọng ấp ủ lâu dài, một dấu ấn không thể nào phai mờ trong 20 năm phấn đấu không mệt mỏi của trung tâm là đến nay có 53 em của trung tâm được làm hộ khẩu và có chứng minh nhân dân. Nhiều em được trung tâm đón về nuôi dạy không hề biết cha mẹ mình là ai, gốc gác quê quán ở đâu, sinh ngày tháng năm nào, như một sinh thể hoang dại không căn cước. Khi đón về chẳng ai quan tâm đến điều này, nhưng rồi lớn lên và vào đời các em gặp biết bao khó khăn trắc trở ở tất cả mọi chuyện từ xin việc, kết hôn, tạm trú, mua vé máy bay, gửi tiền tiết kiệm...

UBND thành phố đã giao cho Công an thành phố căn cứ vào những điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng em, chứ không phải là theo những quy định vốn là hợp lý cần thiết của những người bình thường để các em có tư cách đó, nhân cách đó để các em được sống bình thường như những người bình thường.

Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố đã đưa bao nhiêu số phận đặc biệt trở về cuộc sống bình thường. Đó là kỳ tích của trung tâm, là sự đóng góp của trung tâm vào chương trình “5 không” của thành phố. Phải chăng để có sự phát triển bền vững ở điểm xuất phát mỗi người đều là một người bình thường, trước hết hãy là một người bình thường.
 
NGUYỄN ĐÌNH AN
;
.
.
.
.
.