“Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng và cải cách TTHC nói chung có hiệu quả mang lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân, tổ chức, nhưng đồng thời không để sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước” - ông Ngô Hải Phan, Cục Trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nêu mục đích của khóa tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho 10 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên và 24 bộ, ngành tại Đà Nẵng ngày 16-5 vừa qua.
Thủ tục hành chính được kiểm soát vừa tạo thuận lợi cho người dân vừa đảm bảo công tác quản lý của Nhà nước. TRONG ẢNH: Giao dịch hành chính tại bộ phận một cửa của UBND quận Liên Chiểu. |
Bảo đảm sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và hiệu quả
Theo ông Ngô Hải Phan, để duy trì các kết quả bền vững của Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (Đề án 30), bộ máy kiểm soát TTHC từ Trung ương đến địa phương đã được thành lập gồm Cục Kiểm soát TTHC đặt tại Văn phòng Chính phủ và các Phòng Kiểm soát TTHC đặt tại văn phòng các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh. Các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC có nhiệm vụ thực hiện một quy trình bắt đầu từ việc đánh giá tác động các quy định về TTHC trong quá trình dự thảo do các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện; gửi lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC; công khai, minh bạch TTHC sau khi ban hành; kiểm soát việc thực thi TTHC trong thực tiễn; tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính nhằm phát hiện và giải quyết những bất cập của các quy định hành chính, cũng như giám sát việc thực thi TTHC của đội ngũ cán bộ, công chức.
Việc đánh giá tác động các quy định về TTHC có ý nghĩa thiết thực trong việc tăng cường “trách nhiệm giải trình” trước nhân dân của các Ban soạn thảo về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả của quy định về TTHC dự kiến ban hành.
Nếu các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập không trả lời được các câu hỏi nêu trong các biểu mẫu đánh giá mà vẫn cứ trình ban hành thủ tục này thì các đối tượng chịu sự tác động sẽ khó khăn trong việc thực hiện TTHC. Tuy nhiên, đây là một công việc khó vì làm thay đổi thói quen, cách làm cũ. Việc này mang tính khoa học và khách quan nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cần phải đầu tư đủ thời gian, công sức, trí tuệ cho công việc này. Việc lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị pháp chế cả về nội dung và thời điểm, bởi lẽ: Thời điểm các Ban soạn thảo gửi dự thảo văn bản để lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC cùng vào thời điểm gửi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan và gửi đăng tải công khai toàn văn dự thảo văn bản trên trang tin điện tử để lấy ý kiến các đối tượng tuân thủ. Ý kiến tham gia của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC sẽ là kênh phản biện để hỗ trợ các Ban soạn thảo trong quá trình nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản có quy định về TTHC. Ý kiến của các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC chính là ý kiến của bên thứ ba, bên cạnh ý kiến của cơ quan xây dựng văn bản và đối tượng tuân thủ nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các bên, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm được mục tiêu quản lý của Nhà nước.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy nếu các Ban soạn thảo làm tốt công tác đánh giá tác động các quy định về TTHC trên cơ sở nghiên cứu ý kiến tham gia của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC, chắc chắn sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác thẩm định của các đơn vị pháp chế, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, rút ngắn thời gian thẩm định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Yếu tố quyết định thành công
Để triển khai thành công nhiệm vụ kiểm soát TTHC, trước hết đòi hỏi nhận thức rõ ràng, xuyên suốt của toàn bộ hệ thống hành chính về nhiệm vụ này, từ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tới đội ngũ cán bộ, công chức tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp.
Việc kiểm soát TTHC không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC mà đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống hành chính, từ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC tới các bộ phận trực tiếp thực hiện TTHC.
Thực tế rà soát TTHC theo Đề án 30 cho thấy có thể loại bỏ rất nhiều quy định hành chính là rào cản cho hoạt động kinh doanh và đời sống của nhân dân mà vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý Nhà nước. Cần có sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC với các cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC. Việc kiểm soát TTHC không thể thành công nếu các bộ, ngành, địa phương “phó mặc” chức năng này cho cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC.
Công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực của xã hội tham gia vào việc kiểm soát TTHC. Truyền thông là công cụ hữu hiệu trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, bao gồm cả bộ máy hành chính. Việc huy động các đối tượng chịu tác động của TTHC tham gia vào việc xây dựng các quy định hành chính sẽ bổ sung thêm nguồn lực cho việc kiểm soát TTHC từ các sáng kiến cải cách TTHC đến việc giám sát thực hiện TTHC theo đúng các quy định của pháp luật.
SƠN TRUNG (ghi)