.

Mong ước của cử tri

.

Trước thềm Bầu cử HĐND, cũng như mọi công dân Việt Nam trong tất cả các ngành nghề, những văn nghệ sĩ Đà Nẵng có nhiều mong ước. Báo Đà Nẵng trích vài ý kiến tiêu biểu - những trăn trở của các anh chị em văn nghệ sĩ thành phố gửi đến những ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố khóa VIII.

Mô tả ảnh.

* Nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng: “Lá phiếu cầm trên tay tuy nhỏ, nhưng niềm vui và niềm tin thì lớn lắm. Là công dân và là nghệ sĩ, tôi mong ước những vị trúng cử thực sự là đại biểu của nhân dân trong các cấp mà mình được bầu, họ phải lưu ý cụ thể hơn đến chính sách đối với những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật. Nói như vậy để biết rằng, lâu nay tuy chúng ta đã có một số văn bản thể hiện quyền và lợi ích của văn nghệ sĩ, nhưng từ ngữ trong các văn bản còn “lỏng”, còn mang tính “vận dụng”, vì vậy, các cấp, ngành vin vào các từ ngữ đó để thực thi theo cách “hiểu riêng” của họ.

 

Tôi nghĩ bắt đầu từ nhiệm kỳ mới, các đại biểu cần có ý kiến kiên quyết hơn nữa để các văn bản pháp quy có hiệu lực rõ ràng, có tiếng nói mạnh mẽ. Hãy bớt những từ ngữ như “quan tâm”, “hỗ trợ”. Văn nghệ sĩ là công dân hoạt động trên lĩnh vực đặc thù, mong rằng Nhà nước sẽ có chính sách thích hợp để tránh tình trạng các anh em nghệ sĩ “tâm” thì muốn làm nghệ thuật, nhưng cái “tay” của họ thì buộc phải làm việc khác để mưu sinh”.

Mô tả ảnh.

* Ông Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng: “Tôi và các anh em nghệ sĩ mong trong nhiệm kỳ Hội đồng Nhân dân khóa mới này sẽ tìm ra được những vị đại diện thực sự của dân. Hiện nay, giới Mỹ thuật cũng như nhiếp ảnh Đà Nẵng còn thiếu nhiều cơ sở để hoạt động nghiệp vụ. Trước hết là không gian trưng bày, đối với ngành chúng tôi, không gian trưng bày cực kỳ quan trọng.

 

Tôi nói như thế không có nghĩa là Đà Nẵng chưa có gian trưng bày, nhưng so với tầm phát triển kinh tế-xã hội của thành phố thì nó còn thiếu và yếu: về quy mô, ánh sáng trưng bày, giá đặt… Bên cạnh đó là vấn đề kinh phí cũng rất nhạy cảm. Do đó, ở Đà Nẵng rất hạn chế trong việc tổ chức các triển lãm có quy mô vượt ngoài phạm vi thành phố. Lấy ví dụ, triển lãm mỹ thuật các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên định kỳ hằng năm, nhưng đến thời điểm này, Đà Nẵng mới đăng cai được một lần duy nhất, trong khi đó Quảng Nam đăng cai được 2 lần, Đắc Lắc 3 lần, Bình Định 3 lần… Đó là một thực tế đáng buồn, cần phải thay đổi…”.

Mô tả ảnh.

* NSƯT Cao Đình Liên, Trưởng đoàn nghệ thuật Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: “Tôi thấy cần báo động về thực trạng của sân khấu dân tộc nói chung và sân khấu tuồng nói riêng là khán giả - đặc biệt là khán giả trẻ có dấu hiệu thưa vắng, và tôi lo Tuồng sẽ bị mai một. Trong thời buổi thông tin “đến tận giường ngủ” của mỗi người đang là một thực tế dễ hiểu, nhưng chúng ta không thể đầu hàng.

 

Đà Nẵng đã đưa sân khấu tuồng vào học đường, vào các tour du lịch, thành phố có hỗ trợ kinh phí biểu diễn. Đó là những việc làm khiến anh em nghệ sĩ chúng tôi rất xúc động. Mong rằng, trong nhiệm kỳ tới, thành phố sẽ có những bước tiến mới hơn với những chính sách cụ thể hơn, đặc biệt là đối với đội ngũ diễn viên để họ yên tâm sống hết mình với nghề. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động quảng bá, “đào tạo lại khán giả”, để tuồng mãi mãi sống với người dân đất Quảng, với dân tộc Việt Nam”.
Thanh Tân (ghi)

* Tại các xóm trọ nghèo của công nhân, người lao động ở Khu công nghiệp An Đồn, Hòa Khánh… cũng rộn ràng  trước sự  kiện này.

 

Mô tả ảnh.
Cử tri quận Hải Châu nêu lên nguyện vọng trong buổi tiếp xúc với các ứng cử viên HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011-2016.

 

Với nụ cười hồn nhiên, cô gái còn khá trẻ Nguyễn Thị Linh (21 tuổi, quê ở Thanh Hóa), đang làm công nhân Công ty Chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà) nói: “Chúng em chỉ mong sao, các đại biểu HĐND có thể đề xuất ý kiến để cải thiện tình hình về mức lương và các chế độ đãi ngộ. Hiện giờ dù làm việc chăm chỉ nhưng cũng chỉ đủ sống, không thể gửi về phụ giúp bố mẹ ở quê được”. Đó cũng là thực trạng chung của nhiều công nhân trẻ hiện nay. Lương thấp, chi phí sinh hoạt: thuê nhà, điện, nước, gửi trẻ... quá cao khiến đời sống công nhân gặp khó khăn. Bởi vậy, hầu hết họ đều kỳ vọng sẽ bầu được các đại biểu có tâm và nói lên được những suy nghĩ, nguyện vọng của mình. Còn anh Lê Văn Lợi (26 tuổi, quê ở Nghệ An), hiện là công nhân cơ khí tại Khu công nghiệp Hòa Khánh thì mong muốn: “Bọn mình hy vọng các đại biểu HĐND sẽ nói lên được những vấn đề cụ thể, gần gũi thiết thực với đời sống như: Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân quá nghèo nàn, không có nơi giải trí, nhiều người đã sa vào các tệ nạn cờ bạc...”.

 

Mô tả ảnh.
Người lao động nghèo mong sẽ tiếp cận được nhiều hơn các dịch vụ y tế.

 

Đối với những người lao động nghèo, nguyện vọng của họ cũng thật giản dị. Bác Phạm Văn Hạnh (ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu), làm nghề xe ôm thì bộc bạch: “Chúng tôi chỉ mong sao các anh, chị trúng cử HĐND sẽ đề xuất thành phố làm sao giúp người nghèo có thể tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh. Vẫn còn nhiều người nghèo chưa có thẻ BHYT, phải khám dịch vụ với giá đắt. Người nghèo chúng tôi quả thực rất sợ đau ốm”.

Bữa cơm chiều ăn vội của người lao động nghèo giờ đây rôm rả hơn bởi niềm vui, niềm tin gửi gắm vào các ứng cử viên nếu đắc cử sẽ phát huy được năng lực, trí lực để có những định hướng đúng đắn góp phần nâng cao chất lượng đời sống, nhất là đời sống người lao động nghèo.   

Phương Trà

;
.
.
.
.
.