Không phải sau khi xảy ra chiến tranh ở Libya, động đất ở Nhật Bản... người lao động (NLĐ) thành phố Đà Nẵng mới “ngoảnh mặt” với việc đi lao động ở nước ngoài. Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, họ đã không mấy mặn mà như NLĐ ở các tỉnh, thành khác trong cả nước..
Bà Trần Thị Bích Liên, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thành phố Đà Nẵng cho biết: Năm 2010, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã tuyển dụng 162 người đi lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Libya, Malaysia. Trong số này chỉ có 27 người có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng. Theo bà Liên, đây là con số quá ít. Bởi lẽ ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Trị trở ra, mỗi năm có hàng nghìn lao động đi xuất khẩu. Việc XKLĐ, nhất là đến các nước phát triển sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho người lao động sau này. Nhưng điều đó vẫn không đủ sức thuyết phục người lao động ở thành phố Đà Nẵng đi XKLĐ!
Được biết, Sở LĐTB&XH thành phố có nhiệm vụ thông báo tuyển người lao động ở địa phương XKLĐ sang Hàn Quốc theo bản thỏa thuận giữa Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Hàn Quốc ký từ năm 2004. Với thị trường này, người lao động Việt Nam được tuyển vào các ngành như: Sản xuất chế tạo, Xây dựng, Nông nghiệp-chăn nuôi và Thủy sản (nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản), nhưng để lựa chọn người có hộ khẩu thành phố Đà Nẵng đi là rất khó. Theo thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố Đà Nẵng, nếu như đợt XKLĐ đầu tiên (năm 2006) có 88 người XKLĐ/155 chỉ tiêu thì các đợt sau thấp hơn, đặc biệt có đợt chỉ có 3 lao động/155 chỉ tiêu có hộ khẩu thành phố Đà Nẵng. Mặc dù thị trường Hàn Quốc có thu nhập mỗi tháng trên 15 triệu đồng tiền Việt, điều kiện đi và chi phí không quá cao, song vẫn không thể tuyển được người ở địa phương.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2010, cả nước đã tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, đưa 85.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, tăng 11.000 người so với năm 2009. Phần lớn lao động thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, tập trung cho người lao động được vay ưu đãi đi xuất khẩu lao động, hỗ trợ học nghề, làm các thủ tục hành chính, phát triển thị trường lao động nước ngoài. |
Không muốn đi XKLĐ, ngoài những lý do trên, nhiều người còn cho rằng thành phố Đà Nẵng đang ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư nên thị trường lao động tại chỗ rất phong phú. Nhiều người so sánh, ở quê nhà mỗi tháng lương 3 đến 4 triệu cũng bằng đi nước ngoài kiếm 10 - 12 triệu đồng. Anh Châu, một người lao động tại khu công nghiệp Hòa Khánh nói: Mình lao động có tay nghề, mỗi tháng doanh nghiệp trả lương cũng gần 5 triệu. Trong khi đó việc làm không áp lực, gần nhà thấy rất thoải mái. Trước đây khi có chủ trương xuất khẩu lao động, gia đình anh cũng động viên để đi vài ba năm nhằm có ít vốn rồi về. Nhưng suy đi, tính lại anh lại thôi, quyết tâm làm việc ở Đà Nẵng, dù đồng lương thấp hơn. Anh Nguyễn Phúc Quế (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) đang làm việc tại một nhà máy ở khu công nghiệp Hòa Cầm tâm sự: Biết rằng đi XKLĐ, đặc biệt là ở các nước phát triển sẽ có thu nhập cao và có tiền nếu biết tiết kiệm, Tuy nhiên, áp lực công việc sẽ rất lớn chứ không đơn giản như ở Việt Nam. Hơn nữa, mình lại không thích đi xa, mà trong khi thị trường lao động tại Đà Nẵng ngày càng lớn, mình đủ khả năng làm một tháng kiếm được vài triệu đồng nuôi vợ con… Đó cũng là suy nghĩ của nhiều người dân khác tại Đà Nẵng khi hỏi tại sao không chọn con đường XKLĐ.
Thực tế cho thấy, thành phố Đà Nẵng hằng năm có nhiều doanh nghiệp ra đời, thu hút hàng nghìn lao động. Bỏ sức lao động của mình để kiếm tiền ngay tại quê hương mình, đó là mong muốn của đại đa số người lao động Đà Nẵng.
Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN