“Chào cô đi các con”, cô Nhung nói. Lũ trẻ ngoan ngoãn vòng tay lại chào khách, ít ai biết rằng chỉ mới đây thôi thằng Tâm, Hùng hay bé Hiếu… mặt mũi còn lấm lem bụi đất, ăn ngủ vật vạ ngoài đường nhờ vào sự thương hại của người đời. Với chúng, cô Nhung vừa là người mẹ, người cô và người bạn…
Cô giáo Nhung đang giảng bài cho các em tại trung tâm. |
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Đà Nẵng, năm 1991, chị Nguyễn Thị Nhung (54 tuổi, ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) về dạy học ở Trường Ông Ích Khiêm. Trong thời gian này, cô giáo Nhung đã nhận lời giúp dạy chữ cho các em ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng. Cứ một tuần ba buổi, chị đạp xe đến trung tâm chỉ để được nhìn thấy các em cười, được nghe chúng trò chuyện, được chỉ bài cho chúng. “Ban đầu tôi nghĩ chỉ là giúp trung tâm thôi, nhưng “bén duyên” với bọn nhỏ lúc nào không biết. Dường như sức hút từ chúng khiến tôi không thể cưỡng lại được. Tôi quyết định nghỉ việc ở Trường Ông Ích Khiêm để dành hết thời gian cho chúng” - chị Nhung bộc bạch.
Chị bảo: Thành công nhỏ của trẻ con là niềm vui lớn của mỗi người lớn đã tham gia công việc này. Ban đầu, thậm chí chị còn không dám ngồi gần chúng. Những đứa trẻ bụi đời, sống đầu đường xó chợ, tối ngủ vỉa hè, luôn xù gai nhím để tự bảo vệ mình cũng chưa thể quen được nếp nhà. Làm quen đã khó, có khi phải mất vài năm trời chỉ để biết được hoàn cảnh, gốc gác thật của chúng. Giáo dục đặc thù khó hơn là giáo dục bình thường, người dạy phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ vui buồn với chúng. Tết, cô trò đốt lửa, thức thâu đêm quanh nồi bánh chưng ấm cúng. Đó là cảm giác các em có thể đã từng có hoặc chưa từng có, khi ấy, những dòng tự thuật về cuộc đời mình của chúng cứ thế tuôn trào. Trẻ con đường phố mẫn cảm và tinh khôn vì phải đối phó với đầy rẫy cạm bẫy ngoài đường. “Trẻ con, dù nói với nó một ngàn câu nói hay nhưng chỉ cần một hành động không hay thì một ngàn câu nói đó đều vô nghĩa. Trẻ con vui thì mình vui, chúng buồn thì mình cũng cảm thấy buồn” - chị Nhung bộc bạch.
Quản lý 30 đứa trẻ trong gia đình, không chỉ dạy chữ, chị còn rèn luyện nhân cách đạo đức của từng em. Muốn dạy các em, trước tiên mình phải dạy mình, mình là cái gương cho chúng. Tại đây, các em được học văn hóa, học ăn, học nói, học làm người, con người với đúng nghĩa của nó. Bên trong cái vỏ bọc đầy gai góc của mỗi đứa là sự yếu đuối, cần được bảo vệ chở che. Đã quen với các em, mỗi lần về thăm nhà, mình lại cảm thấy trống trải, buồn và quay lại trung tâm. Đêm giao thừa, ngày mùng một khi nào cô cũng ở lại với các em. Có những em không có nhà để về, tối 30 Tết, mấy cô cháu cùng đón thời khắc giao thừa...
Cô Nhung kể: Khi những đứa trẻ đầu tiên về gia đình số 1, các mẹ cho trẻ con lên giường đi ngủ vào 9 giờ tối. Nửa đêm lên kiểm tra không thấy ai cả, tưởng các em bỏ trốn. Nhưng không, các em rúc vào góc nhà lấy mùng mền quấn quanh người như lưới quấn cá, gối đầu vào nhau ngủ. Hỏi ra mới biết, do ngày xưa ở ngoài đường không thể ngủ một mình vì chống chếnh và quá nhiều đe dọa, phải ngủ cùng nhau mới có giấc ngủ ngon, an tâm.
Bây giờ, thấy các em nên người là niềm hạnh phúc của cô, có lẽ vì thế mà đến giờ cô Nhung chẳng muốn tìm cho mình một hạnh phúc riêng, thường tình của một người phụ nữ.
Bài và ảnh: Phương Trà