.

Người nghèo nằm viện

.

Hành lang của Bệnh viện Đà Nẵng trở thành chỗ nằm nghỉ, nơi bày mâm cơm của các bệnh nhân nghèo. Những đôi mắt hốc hác, phờ phạc vì mất ngủ, những con người ăn vội bên tô cơm chỉ toàn rau và mắm. Chốc chốc lại có tiếng bác sĩ gọi bệnh nhân vào phòng để truyền dịch...

Đã nghèo còn gặp eo

Mô tả ảnh.
Chị Phạm Thị Tuấn (trái) dè xẻn trong chi tiêu để chữa bệnh cho chồng.

Thấy tôi đến ghi chép và chụp hình, những con người da xanh bủng beo, mặt mũi hốc hác, vẻ mặt chân chất, lam lũ ở khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng như “chết đuối vớ được cọc” vì tưởng tôi… ở một tổ chức từ thiện nào đến ghi danh sách hỗ trợ. Biết tôi là phóng viên đến viết bài, chị Trần Thị Tuấn (40 tuổi, quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thở dài: “Khổ lắm em ơi, đã 5 năm nay anh chị coi bệnh viện là nhà. Một tuần anh ấy chạy thận 2-3 lần, tuy có bảo hiểm cho người nghèo, nhưng cũng phải đóng 500 ngàn/tháng (5% chi phí chữa bệnh BHYT). Còn chưa kể ăn uống một ngày hai vợ chồng cũng gần cả trăm ngàn nữa...”. Nói rồi, đôi mắt chị Tuấn vô hồn nhìn về xa xăm khi nhớ đến 5 đứa con nhỏ ở nhà, đứa lớn nhất vừa hết lớp 11 thì phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền. 

“Tất cả mọi việc ở nhà đều phải nhờ ông bà nội đã 75 tuổi. Nhiều lúc vợ chồng nhớ con đứt ruột nhưng cũng đành chịu, vì đi lại tốn kém quá. Chỉ lo căn nhà dột ven sườn núi  đã xuống cấp mà chưa ai sửa chữa” - anh Phan Văn Anh, chồng chị bộc bạch. Từ ngày anh ốm đau, chị cũng không làm thêm được việc gì để kiếm tiền vì phải đi theo chăm sóc anh, và tối mặt khi nghĩ đến món nợ đã vài chục triệu đồng vay mượn chưa trả được. Vì thế, dù bác sĩ nhắc nhở nhưng chị đành lờ đi những viên thuốc bổ thận mà lẽ ra anh phải uống vì không có tiền.

Không có “thâm niên” như anh Anh, nhưng chị Nguyễn Thị Đợi (44 tuổi ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cũng đang khốn khó vì căn bệnh thận một năm nay. Nếu những người khác có người nhà theo chăm sóc thì chị vẫn một mình lặng lẽ vì “Chồng mình đi biển chưa về, không biết vụ này có đánh bắt được gì không hay lại hòa vốn. Bốn đứa con nhỏ đang tuổi ăn học phải tự chăm sóc nhau. Từ ngày ốm đau, không làm được gì (chị bán rau ở chợ gần nhà - P.V), lại thêm khoản viện phí 400 ngàn đồng/tháng (5% chi phí chữa bệnh BHYT) cũng khiến gia đình tôi lâm vào cảnh túng khó” - chị Đợi nghẹn ngào nói.

Bệnh nhân nợ, bệnh viện gặp khó

Mô tả ảnh.
Bữa ăn vội của bệnh nhân nghèo tại hành lang khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Đăng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng nhẩm tính: “Trong hàng trăm bệnh nhân đang điều trị tại khoa Thận nhân tạo, có hơn một nửa là bệnh nhân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… Đa số họ là bệnh nhân nghèo. Dù có BHYT nhưng họ vẫn phải đóng 5% tiền viện phí. Có người đóng đầy đủ, có người nợ. Vậy là bệnh viện đành... đi xin các nguồn tài trợ để “đập” vào khoản tiền này”. Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: Chỉ tính riêng trong 5 năm: Từ 2005-2009, bệnh viện đã miễn giảm viện phí với tổng số tiền lên đến gần 700 triệu đồng. Nguồn quỹ khám chữa bệnh Vì người nghèo của bệnh viện được xây dựng nhờ sự đóng góp của cán bộ, công chức, tỷ lệ duyệt miễn phí của các dịch vụ liên doanh, liên kết tại bệnh viện và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm như Tổ chức Đông Tây hội ngộ, Hội Từ thiện thành phố... Thành phố Đà Nẵng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm an sinh như cấp hàng ngàn thẻ BHYT cho người nghèo...

 Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh cho người nghèo trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, đã tạo áp lực lên các cơ sở y tế. Hàng chục ngàn học sinh, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, công nhân của các khu công nghiệp trên địa bàn là những đối tượng có điều kiện kinh tế không ổn định, rất dễ trở thành đối tượng nghèo khi ốm đau nặng hoặc dài ngày. Người nghèo rất ít đi khám chữa bệnh, nhưng khi bị bệnh thì thường nặng và lâu. Không có tiền uống thuốc bổ, ăn uống bồi dưỡng nên bệnh kéo dài, gánh nặng viện phí càng lớn dù có BHYT. Đối với một số bệnh lý cần sử dụng kỹ thuật cao, chi phí vượt định suất, sẽ hạn chế việc thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh. Người nghèo sẽ không thể hưởng các kỹ thuật cao, chi phí lớn trong khám chữa bệnh như phẫu thuật tim, thuốc ung thư ngoài danh mục... “Chúng tôi chỉ mong sao được miễn hoàn toàn viện phí, chứ 5% số tiền chi trả cũng khiến người nghèo lâm vào cảnh khốn cùng khi mắc bệnh nặng”, chị Đợi nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.