.

Những chuyện nhỏ của hai mươi năm

Thể theo nguyện vọng của lương y, nhân sĩ yêu nước Phan Châu Toàn và gia đình, được sự hứa hẹn tài trợ của France Libectés (một tổ chức phi chính phủ (NGO) chuyên hoạt động xã hội nhân đạo), Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã có quyết định cho phép thành lập Trung tâm Y tế từ thiện Phan Châu Toàn (31-5-1991).

Tôi được phân công ký quyết định đúng vào dịp bà Daniel Mitterand, phu nhân Tổng thống Pháp, Chủ tịch NGO ấy có chuyến thăm Đà Nẵng và cùng bà dự lễ khởi công xây dựng trung tâm. Những năm ấy, Việt Nam đang đi những bước đổi mới đầu tiên và bắt đầu chính sách đối ngoại rộng mở. Chúng tôi bị cuốn hút đi trong những công việc mới lạ và bận rộn, không hình dung nổi (và cũng không theo dõi) trung tâm sẽ hoạt động như thế nào?

1991-2011. Thế là đã 20 năm, 20 năm chỉ là một cái chớp mắt của lịch sử, nhưng với một đời người thì rõ là một chặng khá dài với bao nỗi buồn vui, và với một tổ chức xã hội nho nhỏ mong muốn được làm thật nhiều việc lợi ích cho đời trong lúc nội lực rất hạn hẹp thì hẳn là có bao khó khăn vất vả, thăng trầm.

Các bạn hãy đến trung tâm vào buổi sáng – đã có mấy nghìn buổi sáng như thế này - các bạn sẽ thấy cảnh bệnh nhân đến với trung tâm để khám bệnh, châm cứu, nhận (mua) thuốc, không có sự đông đúc và ồn ào, lúc nào cũng như đi biểu tình ở các bệnh viện lớn, cũng không phải là ít, đủ để tạo ra sự bận rộn vui vẻ của các thầy thuốc, nhưng không quá áp lực.

Ở đây không có các đại gia, không có những người đã định vị bảo hiểm y tế ở các bệnh viện có tên tuổi. Bệnh nhân phần nhiều là những người lao động nghèo, gương mặt đen đúa, khắc khổ. Ít thấy ở đây những nét lo lắng thất thần, không biết những điều chẳng lành nào sẽ đến với căn bệnh - số phận mình, nhiều người như quá quen thuộc với trung tâm, cười nói cởi mở, thân thiện với các thầy thuốc.

Có nhiều người từng tìm thầy, tìm thuốc chữa chạy nhiều nơi mà bệnh tình không thuyên giảm, đã đến đây theo cách nghĩ “Có bệnh thì vái tứ phương”.

Anh Nguyễn Hữu Quý bị lao màng não, tổn thương thần kinh thị giác, mù cả hai mắt. Một bệnh viện chuyên khoa đã điều trị một thời gian và kết luận không có khả năng phục hồi. Nhưng điều may mắn đã xảy ra khi anh đến với trung tâm, các lương y đã châm cứu, dần dần anh đã nhìn ra mọi sự vật, một mắt rồi hai mắt đều sáng. Cả chợ Thọ Quang xôn xao vui mừng khi người bạn nghèo chuyên bỏ đá cho các tàu đánh cá thoát cảnh tăm tối, mù lòa.

Em Nguyễn Văn Tiến bị tai nạn giao thông, tưởng một đời tật nguyền không thể đi lại vận động được. Nhờ các lương y ở trung tâm kiên trì châm cứu, thuốc thang, và nhờ em bền bỉ luyện tập, em đã phục hồi tốt. Giờ đây em đã đi xe đạp từ Sơn Trà qua trung tâm tiếp tục công việc điều trị, chắc chắn em sẽ tiếp tục việc học hành, mưu sinh như một người bình thường.

Kể những chuyện trên, tôi không hề có ý ca ngợi y thuật cao cường của các lương y ở trung tâm, điều tôi muốn nói là nếu chúng ta chăm lo mở rộng các hoạt động y tế theo hướng xã hội hóa thì chắc chắn, người bệnh, nhất là những người nghèo có thêm rất nhiều cơ hội để có thể vượt qua bệnh tật, một trong bốn nỗi khổ lớn của loài người.

Đến trung tâm, chúng ta cảm nhận ngay nồng nàn mùi hương thuốc nam đặc trưng. Trung tâm chỉ cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo, còn thì bán với giá phải chăng cho mọi người. Điều quan trọng mà trung tâm giúp cho bà con là trong cảnh xô bồ của thị trường thuốc nam, thuốc bắc, thuốc của trung tâm dù được bào chế thành cao, đơn, hoàn, tán hay bốc trong các thang đều bảo đảm chất lượng.

Trung tâm còn có những chuyến đi hoạt động dã ngoại khám bệnh, châm cứu, cấp thuốc miễn phí ở Cù lao Chàm, ở Làng Vân, ở Hòa Bắc và nhiều làng nhiều nóc ở trên dải Trường Sơn. Những chuyến đi nghĩa tình ấy luôn gắn với nhiều hoạt động của các tổ chức khác như truyền thông dân số, KHHGĐ, giáo dục kiến thức về sức khỏe sinh sản.

Nhiều thanh niên con em các dân tộc – qua các hoạt động dã ngoại của trung tâm đã có lòng mong muốn được học hỏi về y học dân tộc, trung tâm đã tìm nguồn tài trợ đón các em về, ban ngày được các thầy thuốc ở trung tâm bày bảo, vừa giảng lý thuyết vừa cầm tay chỉ việc, ban đêm đi học bổ túc văn hóa. Trung tâm còn tạo điều kiện để các em được học có bài bản, nhiều em đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Tam Kỳ.

Với 20 năm hoạt động, nhiều người ngày nào còn là những y sinh non trẻ, theo các thầy cắp tráp, điếu đóm những mong học lóm được đôi điều nay đã là những lương y đa khoa thực thụ. Những thầy thuốc ở đây hiểu rất rõ theo đuổi nghề y học cổ truyền dù chỉ làm từ thiện, giúp đời cứu người thì điều hệ trọng hơn cả là phải thực sự có năng lực chuyên môn, nên tất cả đều cầu học, cầu tiến.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu, chuyên gia hàng đầu ngành châm cứu, người thầy thuốc nhân dân có đôi bàn tay vàng đã đến thăm trung tâm, thấy tận mắt cung cách phục vụ người bệnh và tinh thần ham học của anh chị em ở trung tâm, ông đã hết lòng dìu dắt. Ông còn tạo những thuận lợi nhất để anh chị em ở trung tâm được tu nghiệp ở Viện Châm cứu do ông đích thân truyền dạy.

Mới đây (2010), lương y đa khoa Trần Anh Kiệt được một tổ chức Pháp mời sang trao đổi kinh nghiệm về y học cổ truyền. Trong hơn một tháng ở đất bạn, lương y Kiệt đã có nhiều buổi báo cáo và theo yêu cầu của bạn đã châm cứu bấm huyệt cho hơn 50 người.

Thay mặt những người đã được lương y Kiệt châm cứu, bấm huyệt… Giáo sư Benjamin Michael đã viết: “Tất cả những người được chữa trị đã ra về tràn đầy lòng biết ơn và hy vọng ông Kiệt sẽ trở lại đây”.

Thành tích của anh chị em ở trung tâm trong 20 năm trường công tác không hề nhỏ. Song những việc làm từng ngày thì thật khiêm nhường.

Lâu nay ở thành phố này, chúng ta hầu như quen với những sự kiện lớn, những thành tích nổi bật, những công trình hoành tráng, những cây cầu kiến trúc tân kỳ, những con đường năm sao, sáu làn xe, những xóm nhà chồ nhếch nhác đã được thay bằng những khu dân cư khang trang, đàng hoàng, những đêm hội pháo hoa tưng bừng. Chắc chắn chúng ta còn phải ca ngợi nhiều hơn nữa, hay hơn nữa những thành tựu vang dội ấy. Nhưng sẽ là không phải nếu như chúng ta không hết lòng ghi nhận những tấm lòng, những việc làm nho nhỏ thường ngày mà thật đẹp, thật có ích cho đời như những gì trung tâm đã làm, đã có trong chặng đường 20 năm.

Những ngày chống Mỹ sôi nổi, oanh liệt, trước khi đi xa không bao lâu, Bác Hồ dạy cho chúng ta: “Những chiến công và thành tích nổi bật vang dội thì ai cũng có thể thấy được, còn những việc nhỏ bình thường thôi nhưng ích nước lợi dân thì hay bị xem thường… Chúng ta đánh giặc, xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình, muôn vẻ của hàng chục triệu con người chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng…”.

Tôi thật có lỗi, bởi tôi có lúc đã “xem thường” những việc nhỏ bình thường thôi nhưng ích nước lợi dân, tôi hầu như đã quên trung tâm với những sự việc, những con người lẽ ra phải nhớ, hơn thế phải chung tay làm cho những sự việc ấy, những con người ấy ngày càng tốt đẹp hơn.                                             
 
Nguyễn Đình An
;
.
.
.
.
.