Tổ chức Rencontre Corse Việt Nam, tên tiếng Việt là “Gặp gỡ Việt Nam”, do một số người Việt và người Pháp sinh sống tại đảo Corse lập ra với mục đích vận động kinh phí hỗ trợ cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ ở Việt Nam.
Tổ chức này do ông Jacque Ragiani (một quý tộc người Pháp, ở đảo Corse ) sáng lập từ lâu và nhận bảo trợ cho Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng từ năm 1991 (khi trung tâm thành lập). Trong 20 năm qua, tổ chức đã tài trợ mỗi năm khoảng 500 triệu đồng, giúp các em ăn ở, học tập. Đến nay, nhiều em đã trưởng thành, có việc làm ổn định, thành người lương thiện, có ích. Tất cả các em ở trung tâm đều coi ông Jacque Ragiani và vợ như ông bà của mình và thờ cúng họ hằng năm.
Tình nguyện viên quốc tế thường xuyên hoạt động tại trung tâm. |
Gây quỹ bằng việc bán hàng Việt Nam tại siêu thị
Thứ bảy, ngày 12-2-1998, toàn bộ những người cốt cán trong tổ chức Rencontre Corse Viet Nam, ngay từ sáng sớm đã tề tựu tại chính đại sảnh của Siêu thị Géant Casino, Contre Comericial la Rocade Fupiani. Ở đây kê một dãy bàn dài phủ khăn trắng. Đầu dãy bàn là tấm băng mang tên Tổ chức Rencontre Corse Viet Nam. Đầu bên kia, ngay dưới những chùm đèn sang trọng là một tấm paravant dán nhiều ảnh sinh hoạt của trẻ em Việt Nam, trong đó có ảnh cô Leslie Groves ngồi trên xe lam đi tắm biển cùng lũ trẻ và phần giới thiệu hoạt động của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng.
Trên dãy bàn dài, bày bán nhiều mặt hàng Việt Nam với giá rất cao để lấy tiền đưa vào quỹ tài trợ.
Cả 3 chị em nhà Nénou Costa, bà Ginette, ông Rossetti, ông bà Grazini, ông Louis Filipi, bà Jeanne Ut chi và con trai Jean-Fransois đến tham gia bán hàng. Bà Renée ăn mặc rất sang trọng, vui vẻ chào mời khách mua hàng. Ông Louis Filipi quen rất rộng các thành phần trong xã hội. Bạn của các thành viên trong Hội đồng là những người khách đầu tiên tới mua hàng. Ông Giám đốc siêu thị cũng đến chúc mừng và mua hàng ủng hộ. Các bà, các cô bán các gian hàng gần đó không tỏ vẻ cạnh tranh mà còn tận tình giúp đỡ và tán thưởng.
Ngay từ sáng sớm đến 7 giờ tối, ngày bán hàng diễn ra sôi nổi và cảm động. Điều đáng nhớ là ở ngay giữa một siêu thị lớn và sang trọng ở một địa danh trên nước Pháp, lại là nơi hội tụ những tấm lòng nhân hậu đang làm việc vì những số phận nhỏ nhoi ở Đà Nẵng, một thành phố tận bên kia bờ Đại Dương.
Trao đổi với bà Renée, tôi được biết: Để có đợt hàng này, vừa qua ông Rossetti đã phải nhờ các thành viên trong tour du lịch của ông, mỗi người phải cầm hộ mỗi gói, mỗi mớ hàng từ Việt Nam về. Bằng cách đó, hàng không chịu cước, chịu thuế nên mới có số lời cao để đưa vào quỹ tài trợ. Và thực tế là không phải chỉ có một số người, mà có rất nhiều người tham gia vào hoạt động này.
Tiếng vọng từ Tanzania
Lesllie Groves là một tình nguyện viên đến từ Vương quốc Anh. Cô đã hoạt động tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng (TTBTTEĐPĐN) liên tục nửa năm (từ tháng 1-1998 đến tháng 7-1998). Trong thời gian này, cô đã cùng ăn, cùng ở với trẻ em tại các gia đình của trung tâm (TT). Cùng chia sẻ vui buồn với nhân viên xã hội, cô đã thực thụ trở thành một nhân viên xã hội.
Sau thời gian hoạt động tình nguyện tại TT, cô trở về nước Anh và đã thi đậu vào vị trí điều phối viên ngân sách từ thiện của Chính phủ Anh . Hiện nay, cô đã chủ trì một TT Bảo trợ trẻ em đường phố tại Tanzania. Cô tâm sự: Tại Việt Nam, các trẻ em đường phố đã gặp được nhân viên xã hội và được thụ hưởng các hoạt động bảo trợ. Ở châu Phi, trẻ em còn gặp rất nhiều khó khăn, cô muốn được ở lại làm việc tại đây. Khi nói về TTBTTEĐPĐN, cô cho rằng, đây là một tổ chức phi chính phủ chăm sóc trẻ đường phố trên nhiều lĩnh vực. Chính ở TT này, tôi đã tìm thấy phương pháp tiếp cận chân tình và thông minh khi làm việc với trẻ em nghèo khó. TT được điều hành bởi một nhóm người tự nguyện và có kinh nghiệm. Họ dành đời mình cho việc cải thiện cuộc sống của trẻ em. Mỗi tổ chức xã hội đều có cách nói và giải thích của riêng mình: Nào trẻ em là ngày mai, là tương lai... TTBTTEĐPĐN thì chỉ hành động để hiện thực hóa những lời nói này. Bất cứ nơi đâu cũng vậy, chỉ đầu tư cho trẻ em hôm nay thì tương lai của xã hội và đất nước đó mới được bảo đảm.
Vì nhiều lý do mà số lượng trẻ em sống và kiếm sống trên đường phố tăng lên. Cái nghèo đói ở thôn quê thúc đẩy sự di trú đến thành phố, tác động tiêu cực của toàn cầu hóa cho thấy người giàu thì giàu thêm và người nghèo thì nghèo thêm, đại dịch HIV-AIDS đã làm tăng số trẻ em mồ côi đến kiếm sống trên vỉa hè những thành phố của chúng ta. Đây chỉ là vài nguyên nhân tăng vọt của những con số. Tuy nhiên, tất cả chưa phải đã hết, vẫn còn nhiều người làm việc tình nguyện, chẳng hạn như ở TTBTTEĐPĐN. Họ đang miệt mài lao động để bảo đảm rằng tương lai trẻ con của chúng ta không phải là bất hạnh, là nghèo đói lây lất, mà là hy vọng và yêu thương.
TT đã thực hiện cách tiếp cận đa dạng và kiên trì. Trước nhất nhân viên xã hội gần gũi với trẻ trên đường phố, tạo lòng tin, giúp đỡ và tư vấn. Rồi có một địa chỉ để tiếp trẻ em vãng lai hằng ngày. Tại đây chúng có thể dự lớp học chữ không chính quy, sắp xếp việc buôn bán hoặc những hoạt động kiếm sống khác. Chúng cũng có cơ hội thư giãn, xem phim và vui chơi . Nói cách khác, mỗi ngày chúng được hưởng một chút niềm vui tuổi thơ tại đây. Nhiều lớp học kiểu này cũng được tổ chức cho trẻ em nhiều nơi trong TP. Đà Nẵng. Có nghĩa là sau một ngày lao động mệt mỏi, trẻ em không phải đi xa để tìm đến lớp học mà chính những lớp học đã tìm đến chúng.
Số trẻ em không thể kiếm sống trên đường phố thì có thể đến sống tại một trong 5 ngôi nhà bảo trợ xã hội, được tổ chức theo hình thái “gia đình” . Tại các “gia đình” này, trẻ em sống với các cô, chú và bạn bè; chúng đi học trường chính quy, được chăm sóc và tái tạo hy vọng tương lai. Những nhân viên xã hội cũng quan hệ với cha mẹ hoặc những người giám hộ của chúng để chuẩn bị cho một ngày chúng sẽ hội nhập lại với thân nhân. Ở đây, chúng sống trong mái ấm thân thuộc cùng các nhân viên mà chúng có thể tin cậy để bày tỏ ước muốn, nhu cầu hoặc nỗi lo. Tôi đã tận mắt chứng kiến những điều này vì tôi đã sống như một thành viên trong gia đình đó. Kinh nghiệm này đã củng cố quyết tâm làm việc với trẻ em nghèo khó của tôi. Và cũng là bài học tôi học được qua cả người lớn cũng như trẻ con ở Việt Nam.
Tôi đã mang những bài học này sang Tanzania, nơi tôi làm việc với những trẻ em lao động trong những mỏ đá quý. Cộng đồng nơi đây đã thừa nhận những bài học này và thường xuyên lập chương trình cho chính họ theo kiểu của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng.
Như vậy là TT BTTEĐP ĐN đã thể hiện vai trò quan trọng không chỉ cải thiện cuộc sống trẻ em ở Đà Nẵng, mà còn cho cả nơi khác nữa. Tiếc rằng, những chương trình như vậy chỉ mới đến được số ít trẻ em. Những con số nhức nhối về trẻ em lao động và trẻ em đường phố trên toàn cầu đòi hỏi sự hành động trên một quy mô rộng lớn hơn, yêu cầu sự cam kết của cả cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Không chỉ bằng lời nói mà phải bằng thực tiễn.
LESLLIE GROVES