.

Sẵn sàng cho ngày hội lớn

.

Vào lúc 7 giờ sáng ngày 22-5, gần 630 nghìn cử tri của Đà Nẵng sẽ nô nức bước vào ngày hội lớn toàn dân: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Nhóm phóng viên và cộng tác viên của Báo Đà Nẵng ghi nhận không khí sôi nổi, sẵn sàng cho ngày hội lớn này trên toàn thành phố...

Mô tả ảnh.
Các tuyến đường rực rỡ sắc màu tuyên truyền ngày bầu cử. Ảnh: SƠN TRUNG

 

Sôi nổi khắp ngả đường

Lần đầu tiên thực hiện quyền công dân của mình, anh Phan Công Thìn ở thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương không khỏi náo nức. Những ngày qua,  anh thường hay vào nhà họp thôn - điểm niêm yết danh sách ứng cử viên để đọc kỹ tiểu sử tóm tắt của từng người. Theo anh, phải đọc kỹ, bởi lẽ sự lựa chọn lần đầu tiên này của anh thật ý nghĩa: Lá phiếu thể hiện quyền công dân của anh sẽ góp phần cùng đông đảo cử tri trên địa bàn huyện Hòa Vang lựa chọn những người xứng đáng vào cơ quan dân cử quyền lực cả 3 cấp: Quốc hội, HĐND thành phố và HĐND xã. “Tôi mong có được những đại biểu biết lo cho dân, ngay cả chuyện giải quyết việc làm sao đây cho mọi người khi đất nông nghiệp dần bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa” - Anh Phan Công Thìn bày tỏ.

Cùng suy nghĩ này, ông Nguyễn Văn Cần, già làng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) bộc bạch: “Nương rẫy nhà mình có còn trồng bắp hay chuyển sang cây trồng khác, con cháu mình có được hỗ trợ tiền đi học hay không, mình ốm đau muốn chữa bệnh hay muốn có cái nhà ở kiên cố từ tiền hỗ trợ của Nhà nước… Tất cả, cũng do mình lựa chọn ai trong lá phiếu bầu cử để họ nói thay tâm tư, nguyện vọng của mình”. Ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí (Hòa Bắc), chúng tôi cũng cảm nhận ý thức trách nhiệm công dân của bà con dân tộc Cơtu nơi đây với kỳ bầu cử sắp đến rất rõ. Tuy cái bụng không chứa nhiều chữ, nhưng bà Lê Thị Gương biết rất nhiều những thông tin về bầu cử. Lý giải về nguồn thông tin của mình, bà bảo: “Mình đã có con, có cháu kể cho, lại có báo, đài hằng ngày nên không thiếu thông tin đâu. Con trẻ bây giờ chúng được học hành đầy đủ, nhận thức tốt nên biết ai yếu, ai giỏi, ai có đức, có tài nên mình cứ hỏi con, cháu để nắm mà đi bỏ phiếu”.

Trong khi đó, không khí chuẩn bị bầu cử cũng rất sôi nổi và khẩn trương tại khu vực phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, nơi có đông bà con giáo dân sinh sống. Bà Nguyễn Thị Thu Bích, Bí thư Đảng ủy phường Tam Thuận, cho biết: 39 tổ dân phố chia thành 8 Tổ bầu cử trên địa bàn phường đã sẵn sàng cho ngày bỏ phiếu. Trong đó, giáo dân tập trung đông nhất ở tổ bầu cử số 1, 2 và 3. Dự kiến đến 15 giờ ngày 21-5 sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị, trang trí ở các điểm bỏ phiếu và bàn giao lại cho các tổ bầu cử. 6 giờ 30 ngày 22-5, tất cả các điểm bầu cử thuộc phường Tam Thuận sẽ đồng loạt khai mạc. Ông Phạm Duy Trực, Bí thư Chi bộ 3A, phường Tam Thuận, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 2 - nơi có gần 30% cử tri là giáo dân, khẳng định bà con ở khu vực này rất quan tâm và đón chờ ngày bỏ phiếu. Trưởng ban đại diện giáo xứ Tam Tòa Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ hy vọng bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sẽ lựa chọn được những người tài, đức; đồng thời các ứng viên nếu trúng cử sẽ có nhiều cơ hội hoàn thành được những chương trình hành động đã đặt ra.

Mô tả ảnh.
Trang trí khu vực bỏ phiếu tại thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Ảnh: SƠN TRUNG

 

Ai cũng có quyền và nghĩa vụ

Tại ký túc xá Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), các sinh viên rất háo hức khi lần đầu đi bỏ phiếu. Sinh viên Phan Thị Thu Hiền, Lớp 08SGC khoa Giáo dục chính trị, cho biết sinh viên ở khu ký túc xá này sẽ bầu cử tại Hội trường B4 thuộc Trường Đại học Sư phạm. “Chúng tôi đã được cán bộ lớp, cán bộ Đoàn phổ biến những điều cần biết về bầu cử và trực tiếp tìm hiểu danh sách, tiểu sử các ứng cử viên. Chúng tôi quan tâm đến các ứng cử viên đề cập đến vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”, Hiền chia sẻ. Cũng như Thu Hiền, Nguyễn Thị Phương Thanh, sinh viên lớp 09SMN, khoa Sư phạm mầm non cho biết cũng mong chờ ngày hội của cả nước. Từ Kon Tum đến Đà Nẵng học, Thanh nói rằng sẽ cùng các bạn ở ký túc xá đi bỏ phiếu vào sáng sớm 22-5. “Đây là quyền và nghĩa vụ công dân nên chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lý lịch của các ứng cử viên, nhất là về học vấn và những cam kết của họ”, Thanh nói.

Còn tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nơi có 4 Tổ bầu cử độc lập với gần 10 nghìn cử tri là sinh viên, ông Đinh Minh Diệm, cán bộ nhà trường cho biết: Trong ngày 17-5, trường đã tổ chức tuyên truyền bầu cử cho cán bộ, giảng viên và sinh viên, đồng thời tổ chức mạn đàm về tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND thành phố khóa VIII. Theo chỉ đạo của Ban Giám hiệu, các Tổ bầu cử liên tục cập nhật danh sách cử tri đối với những sinh viên đi thực tập trở về trường trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ theo đúng luật định để các em được bỏ phiếu bầu cử. Các bộ phận như Phòng Công tác sinh viên, Phòng Đào tạo và hệ thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp thường xuyên tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử cho sinh viên. Để bảo đảm trật tự, thuận lợi cho việc bỏ phiếu và tạo không khí trang trọng, Ban Giám hiệu đã bố trí lịch cho sinh viên các khoa đi bỏ phiếu theo giờ
khác nhau.

Cùng với đông đảo sinh viên, lực lượng công nhân trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng được tạo điều kiện tốt để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Ông Phạm Việt Hùng, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng cho biết: Ban đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 cho các chủ doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu các chủ doanh nghiệp bố trí thời gian thuận lợi cho cán bộ, công nhân viên đi bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, chính quyền quận đã gửi công văn đến tất cả các doanh nghiệp có nhiều công nhân đóng trên địa bàn đề nghị tổ chức trang trí băng-rôn tuyên truyền bầu cử, treo cờ Tổ quốc trong ngày 22-5 và tạo điều kiện cho gần 10 ngàn công nhân được lập danh sách cử tri tạm trú tại các phường của quận được đi bầu cử.

Chắc tay súng, nặng lá phiếu

Còn ở Vùng C Hải quân, không khí trước ngày bầu cử cũng rộn ràng không kém dù nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị rất nặng nề. Nơi niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố và danh sách cử tri được đông đảo cán bộ, chiến sĩ đến tìm hiểu cho thấy rằng những cử tri mặc áo lính rất trách nhiệm với cuộc bầu cử sắp diễn ra. Đại tá Bùi Văn Tám, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng C Hải quân, Trưởng ban Bầu cử của Vùng cho biết: Vùng C có 3 Tổ bầu cử tập trung, ngoài ra các đơn vị đóng quân tại các nơi núi cao, đảo xa và các tàu trực chiến trên biển, Vùng đã liên hệ với chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân và các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn để bộ đội được tham gia bầu cử.

Đến nay, Vùng đã làm tốt công tác chuẩn bị và sẽ tiến hành bầu cử bảo đảm dân chủ, đúng tiến độ, an toàn, tiết kiệm, đúng luật định, phấn đấu hoàn thành bầu cử sớm nhất, phấn đấu 100% quân số của Vùng được thực hiện quyền công dân tham gia bầu cử. Toàn Vùng không chủ quan, sơ hở, làm lộ bí mật quân sự về tổ chức lực lượng và nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, lực lượng toàn Vùng C tăng cường các biện pháp sẵn sàng chiến đấu, kịp thời phát hiện, xử lý có hiệu quả âm mưu, hành động gây rối, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ an toàn tuyệt đối trước, trong và sau ngày bầu cử.

Tại Tàu HQ 629 vừa mới làm nhiệm vụ dài ngày trên biển trở về, Thượng úy Lê Văn Bình, thuyền trưởng cho biết: Dù trực chiến nơi biển xa nhưng qua sóng phát thanh và các tài liệu mang theo, chúng tôi được tìm hiểu kỹ và rất kỳ vọng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng như HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Với tinh thần mỗi cán bộ, chiến sĩ là một thành viên tình nguyện của tổ chức bầu cử, Tàu HQ 629 làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn bà con ngư dân làm ăn trên biển về Luật Bầu cử và thực hiện tốt quyền công dân.

Có mặt trên đỉnh cao 696 của bán đảo Sơn Trà, chúng tôi được tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 545, Tiểu đoàn 351, Vùng C. Được biết, do đặc thù của đơn vị không thể rời vị trí trực nên Ban chỉ đạo bầu cử của Vùng đã có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ lên để bộ đội tham gia bầu cử. Khi hỏi về các nội dung liên quan đến bầu cử, tiểu sử những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố, toàn đơn vị đều nhận thức tốt. Trung tá Lê Bá Toàn, trạm trưởng cho biết: Trạm Rađa 545 phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tăng cường quan sát phát hiện mục tiêu trên biển, tích cực thu thập tin tức, quyết tâm không bỏ sót hoặc nhầm lẫn mục tiêu, kịp thời báo cáo về Sở chỉ huy, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối trước, trong và sau bầu cử.

Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Trong ngày 22-5, chúng tôi sẽ huy động toàn bộ lực lượng tham gia làm nhiệm vụ. Ngoài việc tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ làm tròn trách nhiệm của một cử tri, chúng tôi yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nâng cao ý thức trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với yêu cầu cao nhất là không để xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông cũng như bảo đảm về môi trường cho các cử tri đi bầu cử, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, trong ngày 22-5, Công an thành phố sẽ cấm các xe ben, xe tải lưu thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông thành phố huy động lực lượng chốt, chặn ở các tuyến, địa bàn giao thông huyết mạch vừa điều hòa giao thông vừa phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các trạm giao thông cửa ô sẽ phối hợp với Công an các địa phương để làm nhiệm vụ ở các khu vực bầu cử. Bên cạnh đó, các lực lượng khác như Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động, Cảnh sát Trật tự sẽ huy động hết quân số vừa làm nhiệm vụ tại địa bàn mình đóng quân vừa tăng cường cho các quận, huyện để bảo đảm trật tự trị an.

 “Bằng mọi giá phải bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong ngày bầu cử; không để xảy ra các sự cố bất ngờ, bị động…” – Đại tá Nguyễn Đình Chính nhấn mạnh.

Tưng bừng ngày hội   

Để có được ngày hội lớn với không khí tưng bừng phấn khởi, công tác tuyên truyền đã được chú trọng. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan về bầu cử đã được các địa phương ra quân thực hiện đồng loạt từ ngày 16-5. Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch của thành phố, các quận, huyện, phường, xã đã bố trí xong 131 băng-rôn, 1.441 phướn, 676 pa-nô, 1.276 cờ ngũ sắc và 11 nghìn áp-phích, tranh cổ động trang trí trên các tuyến đường chính và tại các điểm bỏ phiếu. Các quận, huyện còn bố trí 33 xe tuyên truyền lưu động tổ chức tuyền truyền bầu cử từ ngày 15-5. Tại các cửa ngõ thành phố Đà Nẵng giáp ranh với các tỉnh bạn đều được trang trí tuyên truyền cổ động trực quan đúng theo yêu cầu của Ủy ban Bầu cử thành phố bảo đảm về số lượng và hình thức đẹp…

Tại quận Sơn Trà, ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận cho biết: “Đến thời điểm ngày 19-5, chúng tôi đã trang trí xong các điểm bỏ phiếu, treo băng-rôn, biểu ngữ, pa-nô, áp phích, phướn trên các tuyến phố; trong đó, tập trung chủ yếu tại hai trục đường chính là Ngô Quyền và Phạm Văn Đồng. Hiện tại, các phường cũng đã trang hoàng các tuyến đường và chuẩn bị mỗi phường 1 xe tuyên truyền cổ động từ nay cho đến hết ngày bầu cử”. Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Đông, quận Sơn Trà nói: “Hai lần một ngày, chúng tôi tuyên truyền về bầu cử trên loa phát thanh của phường để cử tri nắm rõ hơn về Luật Bầu cử, thời gian và địa điểm bầu cử. Từ ngày 20 đến 22-5, xe tuyên truyền lưu động sẽ hoạt động thường xuyên để cổ động cho ngày bầu cử. Riêng về an ninh trật tự, cứ mỗi tổ bầu cử sẽ có công an, dân phòng, dân quân cùng trực 24/24 giờ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trước và trong ngày bầu cử. Lực lượng không tham gia bảo vệ tại các điểm bỏ phiếu sẽ tuần tra trên địa bàn phường thường xuyên. Đồng thời, UBND phường cũng cử một tiểu đội dân quân trực 24/24 giờ để xử lý những tình huống đột xuất”.

Theo thông tin mới nhất từ Sở Nội vụ - Cơ quan Thường trực của Ủy ban Bầu cử thành phố: Mọi tài liệu, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bầu cử đã trang bị, cấp phát xong đến tận 484 Tổ bầu cử. Sở Nội vụ cũng vừa kết thúc đợt tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Tổ bầu cử. Điểm mới lần này là thống nhất nội dung tài liệu tập huấn với nội dung công việc cụ thể. Để tránh sai sót thường xảy ra ở Tổ bầu cử, lần bầu cử này Sở Nội vụ tự nghiên cứu lập phiếu theo dõi và danh sách trình tự công việc phải làm của Tổ bầu cử.

Theo tiến trình công tác bầu cử, việc nào đã làm thì đánh dấu làm xong việc đó; như vậy không bỏ sót việc. Sở cũng tự nghiên cứu và hướng dẫn cán bộ Tổ bầu cử về phương pháp kiểm phiếu bầu cử mới, áp dụng đối với tất cả các đơn vị bầu cử có số lượng đại biểu dân cử được bầu khác nhau. Phương pháp mới giúp rút ngắn thời gian kiểm phiếu hàng chục lần so với cách cũ.

Sở Nội vụ cũng tự viết phần mềm tổng hợp phiếu bầu cử và tổ chức tập huấn cách sử dụng cho cán bộ phường, xã, quận, huyện và thư ký các Ban bầu cử. Phần mềm tổng hợp cũng rút ngắn thời gian tổng hợp phiếu bầu. Trong ngày bầu cử 22-5, Sở Nội vụ là trung tâm chỉ huy của Ủy ban Bầu cử thành phố tiếp nhận thông tin báo cáo diễn biến, tình hình bầu cử của các địa phương. Sở đã bố trí 4 số điện thoại cố định để tiếp nhận thông tin về tình hình bầu cử cũng như điều hành xử lý sự cố bất thường nếu có. (S.T)

 

Nhóm Phóng viên và Cộng tác viên   

;
.
.
.
.
.