.

Thôn 1, xã Trà Dơn, Trà My, Quảng Nam 16-5-1971: Nguyễn Mỹ - ngày cuối

Chúng tôi thức dậy cùng tiếng gà xao xác lưng đồi. Sương mù bàng bạc nấn ná trên lùm cây khóm lá nghiêng nghiêng sóng nước. Hương rừng mơn man mát dịu ngọt ngào. Chúng tôi chia hai nhóm: Nhóm nữ làm cỏ khoai lang gần trại sản xuất, có rừng cây cao lợp mái, hẻm núi tường thành, đường mòn lẩn khuất về cơ quan.
 
Nhóm 5 anh em chúng tôi có Nguyễn Mỹ đêm qua đi săn bắt được con chồn, không chịu ngủ bù, ra làm cỏ ở nà lúa gối đầu trên cánh tay khỏe khoắn dòng Nước Ta, nơi hợp lưu 5 nhánh suối nguồn rì rào đổ về. Nước xanh trong hối hả, luôn gạn lọc làm mới mình. Tôi chửng lại giây lát, trước phảng phất, bủa vây suy tưởng khác biệt, tế nhị đậm nhạt không tiếng không lời. Giữa đại ngàn u u minh minh này vang lên cái tên Nước Ta, cái rẫy cách mạng đâu đó, gợi lên cảm giác gần gũi quen thân, vấn vương câu hỏi khác chưa phải lúc trả lời: Ta là ai?!

Lúa đang thì con gái, thấm đẫm sương đêm mềm mại màu nhung xanh nõn. Vất vả mải miết cuốc xới quên chuyện trò, chăm sóc từng bụi lúa đẻ nhánh hứa hẹn bội thu, vẫn biết ít khi được quay lại thưởng thức cái hương vị thơm lừng bữa cơm đầu mùa. Chẳng hạn, ngay sau đây chúng tôi về gấp di chuyển cơ quan, có tháng di chuyển vài ba lần, ngày càng xa càng không thể trở lại thu hoạch. Thường thường đồng bào dân tộc thu cất vào kho giữa rẫy để chúng tôi có dịp xin nhận chuyển về cơ quan, có khi để mấy năm vẫn không ai động chạm đến.

Mặt trời nhô lên trên rặng núi, xua tan mây mù, nhìn rõ đỉnh Chóp Nón mấy hôm nay, chúng san ủi lắp đặt công sự dã chiến, xây dựng trận địa sơn pháo, sở chỉ huy, chuẩn bị mở cuộc càn quét lớn vào căn cứ kháng chiến. Có tiếng “ron-ron” máy bay trinh sát vọng tới không khí trở nên sửng động dè chừng. Chiếc OV 10 mở đường bay khác thường, bay thẳng theo dòng Nước Ta. Cặp mắt cú vọ đói mồi soi mói giả vờ bay thẳng về phía đầu nguồn. Mây mù từng dải, ẩn hiện che khuất đến khi chỉ còn một chấm đen nhỏ như con ruồi, tưởng như không còn ai theo dõi, nó lừ lừ vòng lại bay xuôi về hướng đồng bằng. Bay quá Chóp Nón, nó đột ngột ngoặt lại hạ thấp độ cao nhằm thẳng chúng tôi lao xuống. Tiếng Nguyễn Mỹ: Nó chỉ điểm cho pháo bắn đấy. Phân tán nhanh…

Chúng tôi tấp xuống suối Taring hẹp, hai bờ cao ngập đầu. Một tiếng nổ ục ngay giữa nà lúa phụt lên một cột khói cuồn cuộn trắng. Nguyễn Mỹ chạy sau cùng vì còn thu dọn mấy cái cuốc, mũ nón của anh em không kịp mang về, vừa nhảy xuống suối thì một loạt đại bác nổ sát bờ sông, nước bắn tung lên trắng xóa. Chị cấp dưỡng bối rối không trèo lên được bờ suối, Mỹ trợ giúp đẩy chị bò lên, xốc lại ba lô và súng. Một loạt đại bác chụp xuống rẫy trước mặt, cách vài chục mét, Mỹ kịp ngồi xuống và khoác tay bảo tôi nhanh chóng ngược suối. Đến chỗ thác nước dựng đứng chặn lối đi, Mỹ dẫn tôi băng băng qua đồi rừng tái sinh. Đại bác địch tiếp tục bắn cấp tập chung quanh nà lúa. Mỗi loạt bắn năm ba quả, không như những trận tập kích pháo bầy của hàng tám chín chục khẩu pháo các loại ập xuống từng ô nhỏ tọa độ hẹp, đạn nổ chồng lên nhau liên hồi không ngớt, không thể ngóc đầu lên được. Sắp đến bìa rừng già, Mỹ kéo tôi ngồi xuống bên gốc cây to chặt đốt làm rẫy, giờ nẩy lên những cây con cao khuất đầu. Nhìn xuống chân đồi, ánh nắng mặt trời trải rộng, khói đạn là là mặt đất, nà lúa nham nhở hố đạn đại bác cày xé xác xơ.

Trực thăng vũ trang phành phạch bay tới, chúng xả đại liên, rốc-két vào những nơi pháo không với tới. Cả 3 chiếc quần lượn bắn vung vãi. Chúng rà sát ngọn cây dưới chân đồi. Một chiếc lượn sát trước mặt phơi lưng trắng xóa, cánh quạt xoáy xua cây lá nghiêng ngã. Mỹ tiếc rẻ: Tớ thấy rõ cửa trực thăng thằng Mỹ ngồi bắn đại liên. Tiếc quá! Không kịp lên đạn.

Vừa nói vừa gác súng vào gốc cây cụt làm bệ tỳ sẵn sàng nhả đạn. Không chiếc nào lết gần cả, chỉ có tiếng ì ạch trực thăng vận tải như những con sâu róm, đáp xuống đổ quân. Lần lượt từng tốp lính túa ra, chạy lom khom bám bờ suối. Có đến 9 lượt chiếc đổ quân, áng chừng một đại đội. Mấy tên xuống trước lăng xăng nhóm lửa ở gốc cây sổ, nơi anh em thường quây quần giải lao. Chúng bẻ bắp ở rẫy đồng bào dân tộc, nhổ cả cây vác về ném vào đống lửa nướng ăn. Tiếng súng im bặt, chỉ còn trực thăng vòng vèo canh chừng theo dõi. Chúng chia làm 3 tốp lùng sục vào đồi 24, rẫy Làng Nông, Hậu cần. Chúng tôi vào rừng già tránh nắng. Vượt khỏi dốc đến khu rừng bằng phẳng toàn cây chò hai người ôm không giáp vòng, mọc thẳng cao vút. Lá rụng một lớp dày kín đất. Rừng nguyên sinh thuần chủng, không lối mòn, dấu chân người. Ở đây không còn nghe thấy tiếng bom rơi, đạn nổ.
 
Rừng hoang dã tĩnh mịch phả hương thanh khiết tê ngây, giục giã mắc võng vào không gian yêu dìu dặt, thời gian nhớ sâu thẳm nhiệm mầu, đu đưa theo nhịp bước dấn thân và hy vọng. Theo nhịp khúc quân hành tôi và Nguyễn Mỹ ở cùng đơn vị bộ đội, cùng đi chiến dịch, mừng chiến thắng, cùng đi chuyến tàu tập kết, cùng học lớp báo chí, cùng vào đại học, cùng chung bếp ăn tập thể, chiều chiều cụng ly bia hơi, vào Nam cùng Làng Tuyên (Ban Tuyên giáo Khu ủy V). Chúng tôi đồng hành theo nhịp đi của đất nước, đồng cảm, chia sẻ hoài niệm và suy tư, lãng mạn và hiện thực. Có lần Nguyễn Mỹ hỏi tôi về câu thơ nước ngoài đã Việt hóa “Đó là người không còn gì để mất”. Tôi hiểu Mỹ đang tìm tứ thơ nên trả lời ngay: Đó là tình thế con bạc xâm lược Mỹ hiện nay. Nguyễn Mỹ cười ha hả.

Thoáng thấy các đồng chí bộ đội đi tới, Mỹ bật dậy chào hỏi và trao đổi tình hình địch. Các đồng chí báo tin là bọn biệt kích, thám báo vừa đổ xuống chuẩn bị cuộc càn quét.

Đấy là tổ trinh sát của D10 (bảo vệ căn cứ Khu ủy). Tổ còn có đồng chí du kích thôn 1 dẫn đường. Xem đồng hồ đã quá một giờ chiều, Mỹ bồn chồn giục: Không thấy các đồng chí trinh sát quay lại, có thể bọn biệt kích co cụm về sông Tranh, chúng mình bám về trại sản xuất xem anh chị em có suy suyển gì  không. Chúng tôi cuốn võng, đi theo hướng tổ trinh sát. Nguyễn Mỹ dặn tôi: Đi ngược hướng các đồng chí trinh sát vừa đi tới chừng mười lăm phút sẽ nhìn thấy rẫy lúa đồng bào thôn 1, từ đấy về cơ quan chưa đến 2 giờ. Chúng tôi tiếp tục đi đến rừng hỗn giao, ẩm ướt gặp đường mòn đồng bào đi đặt bẫy thú rừng. Vừa đi vừa nói chuyện huyên thuyên. Mỹ là “quán quân săn bắn”, nổ súng là có chồn, hoặc chim, hươu về cải thiện. Tôi hỏi: Có lúc nào gặp cọp chưa?

Chưa, chưa, mong chộ mặt để bắn lấy xương nấu cao gửi cho mẹ già ở quê!

Mấy con vắt bám vào kẽ ngón chân, tôi cúi xuống để bắt. Tự dưng rùng mình… thoang thoảng mùi thuốc lá ru-bi xen lẫn mùi khen khét lính biệt kích, gợi nhớ tôi hơn một lần thoát khỏi địch phục kích. Tôi liền bươn tới mách nhỏ với Nguyễn Mỹ. Chúng tôi nép vào góc hai cây chò mọc sóng đôi quan sát. Không thấy động tĩnh gì. Mỹ hỏi mượn bật lửa hút thuốc. Có lẽ mùi thuốc lá thơm của địch kích thích chăng. Tìm mãi không thấy bật lửa, nhớ lại cho anh Nguyễn mượn lúc sáng. Nhìn phía trước, con đường mòn như kỳ ngựa, hai bên sườn dốc đứng, sâu thẳm. Cuối đường thấy 3 người gùi cõng lầm lủi đi tới. Hai người đi đầu đúng là nhân viên vận chuyển của Làng Dược, nhưng còn chút phân vân, lưỡng lự. Nguyễn Mỹ trao đổi… có thể địch mới vừa phục kích, tóm được bắt dẫn đường?!

Sau xa chừng trăm mét thấy cây lá rung rinh chuyển động, không thấy người. Người gùi hàng đi trước đến cách 10 mét, Mỹ hỏi vừa đủ nghe: Địch ở đâu? Cậu ta sững lại: Địch đang đi sau đó. Như chuẩn bị sẵn, cả hai người gùi hàng lao ào xuống sườn dốc bên trái. Tên thứ ba hét to: Việt cộng tẩu thoát!

Hắn không nghe thấy chúng tôi. Cả toán biệt kích đều nhốn nháo nhìn xuống sườn núi. Tên trưởng toán hô lớn: Bắn bỏ!

Nguyễn Mỹ lập tức nổ súng từng loạt ngắn, tôi phụ họa ba phát súng K59. Địch hốt hoảng lăn nhào theo sườn đồi và bắn pháo hiệu đỏ chỉ thiên gọi pháo bắn chi viện. Chúng tôi di chuyển xuống khe suối, có nhiều tảng đá to. Pháo địch bắn tới tấp, đất đá tung tóe, cành cây rơi lả tả. Một quầng lửa lóe sáng, tiếp theo là tiếng pháo nổ hất tôi ngã nhào, ngất lịm… Một lúc lâu sau mới tỉnh lại, nghe tiếng chúng nó chửi bới inh ỏi. Tôi gắng gượng bò mon men theo suối cạn.

Tôi thường trú công tác ở đồng bằng, thi thoảng mới về cơ quan nên ít thông thạo núi rừng. Giờ đây phải luồn rừng, lách địch thật lúng túng tìm lối về. Xem đồng hồ thấy bị vỡ mặt kính, kim không chạy. Đi mãi mới đến khoảng rừng trống, thấy mặt trời vàng nhợt sắp lặn, thấy rẫy bắp đồng bào dưới chân đồi, thấy con đường mòn đến chòi giữ rẫy. Tôi yên tâm ngồi chờ Nguyễn Mỹ, sát trùng, băng vết thương ở mắt và chân. Các đồng chí trinh sát trên đường về dừng lại báo tin sét đánh Nguyễn Mỹ đã hy sinh, không thể chôn cất vì không có cuốc xẻng và địch gài mìn, chúng cõng đồng bọn chết, bị thương lên trực thăng chuồn thẳng. Sương mù vây quanh, trời đất nghiêng ngã, tôi sà vào chòi giữ rẫy, bếp còn lửa, ngã lưng nằm nghe radio. Đài BBC loan báo Quân lực Cộng hòa được máy bay Mỹ yểm trợ đẩy lui một tiểu đoàn Việt cộng, hạ sát tại chỗ 45 tên, có một ký giả báo Cờ Giải phóng tử thương.

Không nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Mỹ đã ra đi để lại cho đời “Cuộc chia ly màu đỏ”. Theo Nguyễn Mỹ, ly còn là lửa (Tốn Ly khôn Đoài). Vậy chăng, đó là cuộc chia lửa màu đỏ. Vinh Quang – Nguyễn Mỹ.

Quang Phong (Trích tập Về vùng tâm bão)
;
.
.
.
.
.