.

Vỡ mộng làm giàu

.
Thời gian gần đây, khá nhiều người lao động phản ánh về việc bị lừa đi bán hàng đa cấp khiến tiền mất, tật mang. Qua một số người quen, không khó khăn lắm để chúng tôi hẹn gặp được với những người kinh doanh đa cấp để tìm hiểu vấn đề này.

Mô tả ảnh.
Những người bán hàng đa cấp thường đến những chỗ đông người như bãi biển, công viên làm quen để mở rộng mạng lưới. (Ảnh chụp tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng)
 
Kiếm tiền... quá dễ!

Trong vai một sinh viên năm cuối Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chúng tôi gặp H.-một người trong mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty T. Đ, có trụ sở đóng trên đường Nguyễn Tất Thành (được biết công ty này đã chuyển địa điểm khá nhiều lần – P.V). Vừa gặp tôi, sau màn tự giới thiệu là sinh viên Trường Đại học Bách khoa, quê ở Nghệ An, H. đã thao thao bất tuyệt, giọng ngọt hơn cả đường mía: “Bạn có muốn làm giàu không, rất dễ. Mình sẽ chỉ cho bạn chiêu kiếm tiền dễ dàng mà chẳng tốn kém gì cả”. Dù nói không tốn kém nhưng H. lại bảo cần đóng 300 ngàn đồng để mua tài liệu, tiếp theo là đóng tiền để mua sản phẩm của công ty như đồng hồ Thụy Sĩ hiệu Red Ant, áo ngực phụ nữ có chức năng “chữa bệnh ung thư”, máy xay cắt đa năng… với giá “cắt cổ”. “Mình mua để dùng mà, có mất đi đâu mà sợ. Ngoài thị trường, có khi nào bạn mua áo quần mà được kinh doanh áo quần không? Ở đây thì khác, mua sản phẩm chính là mua quyền kinh doanh sản phẩm đó. Hơn nữa, dùng rồi thì mới biết tốt cỡ nào để giới thiệu chứ, cũng giống như bạn ăn rồi thì mới biết quán ngon để giới thiệu bạn bè” - H. nói. May mà tôi đã biết rõ những “chiêu” này qua các hoàn cảnh “đau thương” khác, chứ nếu bình thường, chắc cũng bị thuyết phục bởi giọng điệu của H.

Rồi H. bày cho tôi phương thức kinh doanh để ăn hoa hồng nếu giới thiệu được 1, 2, 3... người mua sản phẩm và cũng làm môi giới giống mình, bằng một từ rất dễ thương là “chia sẻ hiểu biết về những sản phẩm tốt”. Khi đã mời được khoảng 8 người, với số tiền mua hàng nhiều, thu nhập sẽ đạt mức 30 - 40 triệu đồng/tháng, khi đó sẽ... chẳng làm gì cả, chỉ việc ngồi... đếm tiền. Tôi hỏi đã dùng sản phẩm chưa, công dụng thế nào, thì H. nói lảng sang chuyện khác. Khi chia tay, có lẽ thấy tôi đã “ngất ngây” trong giấc mộng làm giàu, H. chặc lưỡi: “Chà! Tiếc quá, nếu biết cậu sớm hơn, mình sẽ giới thiệu cậu với anh Nam. Anh ấy vừa bay về Hà Nội tối qua, là một trong những “kim cương” (người giỏi – P.V) của công ty, thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng. Công ty mình có hàng chục người như vậy”.

Và... vỡ mộng

Điều 7 của Nghị định 110/2005/NĐ-CP quy định: Những hành vi bị cấm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp: Người muốn tham gia phải đặt cọc, mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, cản trở người tham gia trả lại hàng hóa phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp và thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp...
Nạn nhân của những trò lừa này hầu hết là sinh viên, người lao động đang tìm việc hoặc chưa có công việc ổn định nhưng đều có khao khát muốn đổi đời, làm giàu.

Lê Thị Hoa, sinh viên Trường Đại học Kinh tế, vô tình gặp người trong mạng lưới công ty đa cấp và bị thuyết phục. Vậy là dù gia đình ở quận Thanh Khê, kinh tế chẳng khấm khá gì, Hoa cũng mượn tiền bố mẹ để nộp tiền tài liệu và mua thực phẩm chức năng cho bằng được. Công dụng đâu chưa thấy, chỉ thấy Hoa ngày càng học hành sa sút, người gầy rộc đi do mải đi xây dựng mạng lưới, lôi kéo người thân, bạn bè cùng vào như mình.
 
Sau thời gian biến mọi người cũng thành “nạn nhân” như mình, Hoa bị bạn bè tẩy chay, người thân xa lánh, phải thi lại vài môn, “sự nghiệp” làm giàu của Hoa cũng chấm hết. Những người sớm nhận ra và rút lui thì cũng đều mất tiền tài liệu hoặc là tiền “xí” chỗ vài trăm ngàn. Dù vậy, vẫn có hàng trăm người bị lôi kéo vào hoạt động này, và vô tình hay cố ý, họ lại trở thành đồng phạm cho hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng. Những người bán hàng đa cấp có mặt ở khắp nơi để mời chào, dụ dỗ người khác. Dù đã khiến bao người phải mất tiền oan, mất uy tín nhưng hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng vẫn tồn tại lâu nay ở Đà Nẵng và ngày càng bành trướng hơn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, siết chặt quản lý để tránh cho bao người tiền mất, tật mang.

Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết: Đến thời điểm hiện nay, Sở chưa cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp nào, Sở chỉ tiếp nhận hồ sơ thông báo mở rộng mạng lưới hoạt động bán hàng đa cấp tại thành phố Đà Nẵng của các doanh nghiệp đã được cấp Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai với khoảng hơn 10 doanh nghiệp gửi thông báo tổ chức bán hàng đa cấp cho Sở Công thương thành phố Đà Nẵng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
;
.
.
.
.
.