.

Xây dựng đời sống văn hóa ở Hòa Vang: Chuyển biến toàn diện

.
Những năm qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Hòa Vang phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, ngày càng nâng cao chất lượng và đạt nhiều kết quả khả quan.

Mô tả ảnh.
Liên hoan Văn hóa-Thể thao người Cơtu ở Hòa Vang.
 
Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền cùng các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở hết sức chú trọng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, cơ quan văn hóa và nếp sống văn hóa. UBND huyện đã ban hành “9 điều quy ước” về xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh ở thôn và Đội Thông tin lưu động của huyện dàn dựng thành tiểu phẩm “9 điều quy ước ở thôn”, thường xuyên xuống biểu diễn ở các khu dân cư (KDC), giúp cho người dân nắm rõ từng nội dung cần thực hiện.

Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang đã ấn hành 2 tập sách về văn hóa dân gian Hòa Vang và Lễ hội Mục đồng ở xã Hòa Châu, đồng thời phát hành  đĩa VCD về những bài dân ca huyện Hòa Vang. Các tác phẩm này được phát hành rộng rãi nhằm tuyên truyền về những tinh hoa, bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người Hòa Vang qua bao thế hệ.
Phòng Văn hóa-Thông tin huyện chủ động phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao như hội diễn, hội trại, đua thuyền, lễ hội đình làng, thi hát dân ca..., tạo ra các món ăn tinh thần phong phú, bổ ích đối với công chúng, đặc biệt đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình đưa dân ca vào trường học từ bậc mầm non đến THCS.

Hoạt động tuyên truyền thực hiện Luật Đất đai, công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng, phòng chống cháy nổ, dịch bệnh... được thực hiện thường xuyên trong cộng đồng dân cư. Vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18-11) hằng năm, nhiều KDC tổ chức “Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc” với nhiều hình thức đặc sắc như thi cắm hoa, nấu ăn, thi các trò chơi dân gian, chung vui bữa cơm đoàn kết... Nhiều nội dung tuyên truyền được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa, làm cho người xem dễ hiểu, dễ nhớ, đạt hiệu quả thiết thực trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức của dân tộc, địa phương và tộc họ.

Toàn huyện có 226/595 tộc họ đã xây dựng được Quy ước của Hội đồng gia tộc, có tác dụng to lớn về giáo dục con cháu giữ gìn nề nếp gia phong, tình làng nghĩa xóm. Các mô hình phòng chống tội phạm trong cộng đồng như mô hình “Gia đình, tộc họ không có con em vi phạm pháp luật” ở Hòa Tiến, “CLB Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” ở Hòa Phú đã hòa giải hàng trăm vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ dân cư và giáo dục, cảm hóa thành công hàng ngàn thanh-thiếu niên chậm tiến.

Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình học tập cộng đồng, nhất là phong trào tộc họ chăm lo việc học tập của con cháu. Nhiều tộc họ hằng năm tổ chức trao thưởng cho học sinh giỏi, học sinh thi đỗ đại học, nổi bật là các tộc Lâm Quang (Hòa Phong), Đỗ Hữu (Hòa Nhơn), Trần Đình (Hòa Tiến), Nguyễn Văn (Hòa Sơn)...

Ban chỉ đạo Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở các xã tổ chức cho từng hộ dân ký cam kết thực hiện các quy tắc an toàn giao thông, 100% cơ quan trong huyện có quy chế thực hiện nếp sống văn minh nơi công sở và từ năm 2005, toàn huyện đã hoàn thành phổ cập THCS. Các xã Hòa Tiến, Hòa Ninh đã vận động nhân dân hạn chế đốt, rải vàng mã và thực hiện khá tốt nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới. Thôn Xuân Phú (Hòa Sơn) có mô hình giáo dục truyền thống cho thanh-thiếu niên. Thôn Hưởng Phước (Hòa Liên) vận động mỗi hộ dân làm một câu khẩu hiệu treo phía trước nhà. 6 trường THCS trong huyện đã thành lập CLB Em hát dân ca… Bình xét cuối năm 2010, toàn huyện có 24.863 Gia đình văn hóa, 77 Thôn văn hóa và 56 Cơ quan văn hóa. Trên địa bàn  huyện hiện có 31 CLB thể dục-thể thao, với các bộ môn dưỡng sinh, bóng đá, võ thuật, cầu lông và bida; số hộ gia đình tập thể dục-thể thao thường xuyên là 5.092/28.223 hộ.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM
;
.
.
.
.
.