.

185 hộ dân thiếu nước sinh hoạt

.

 

(ĐNĐT) – Gần hai tháng nay, hệ thống nước sạch dẫn từ trên núi về thôn đã không phát huy tác dụng, làm185 hộ với 350 nhân khẩu của hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) thiếu nước sinh hoạt.

Ngóng đủ nước dùng

Theo ông Trần Văn Vân, Trưởng thôn Tà Lang, gần 2 năm nay, cứ tới đầu hè là nguồn nước ở đây lại bị thiếu trầm trọng. Mặc dù từ năm 1999 thôn đã được đầu tư 2 công trình nước sạch: một lấy từ đầu nguồn khe Áo và một  từ nguồn khe Ba Bi, nhưng tới lần sửa chữa vào năm 2009 thì đường ống bị nhỏ lại trong khi bể lọc thì to nên nguồn nước chảy về nhỏ giọt.
 
Mô tả ảnh.
Người dân chờ nước
 
Nhà chị Nguyễn Thị Vui nằm gần cạnh đường ống dẫn nước, nhưng gần hai tháng nay ngày nào chị cũng phải đi xin nước về chứa vào các loại xô, chậu dùng nước ăn, uống, còn tắm giặt thì phải chạy ra con suối gần nhà. “Chỉ mong sao sớm có nước dùng thoải mái”, chị Vui nói.

Gia đình chị Phan Thị Thúy ngay bên cạnh cũng trong tình trạng tương tự. Do không có nước nên ngày nào chị cũng phải đi bộ ra suối cách nhà hơn 1 cây số lấy nước về dùng. “Ngày nào cũng phải đi xa lấy nước cực lắm mà về dùng cũng phải rất tiết kiệm. Nhưng mấy ngày qua nguồn nước suối cũng bị đục ngàu do đào đãi vàng nên không thể dùng ăn uống được, phải chạy đi xin”, chị Thúy than thở.

Dẫn chúng tôi ra điểm đầu của đường ống nước từ khe Ba Bi chảy về thôn, ông Đinh Minh Hải, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang, chỉ tay vào đoạn nối của ống nước, phân trần: dù đường ống khá to nhưng càng về cuối càng nhỏ. Hơn nữa đường dẫn ống nước cũng không có độ dốc từ trên xuống nên nước rất khó chảy”.

Theo ông Hải, việc thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng trăm người dân trong thôn mà nó còn khiến hơn 7ha đất trồng lúa của Tà Lang bị khô cạn, nứt nẻ; gần 20ha đất trở nên cằn cỗi vì thiếu nước tưới; hàng ngàn cây trồng cũng bị… khát nước trầm trọng.

Chờ kinh phí

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết: “Hệ thống đường ống nước của hai thôn Tà Lang và thôn Giàn Bí do Chi cục Phòng, chống lụt bão thành phố làm chủ đầu tư, xây dựng và bàn giao theo phương thức “chìa khóa trao tay” nên chính quyền địa phương không được quyền giám sát mà chỉ được tiếp nhận và hướng dẫn cho người dân cách sử dụng, bảo quản. Còn trong quá trình sử dụng hệ thống có hư hỏng thì chúng tôi đều cho người kiểm tra thực trạng và báo cáo cho Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng), song cũng đều nhận được câu trả lời là đang chờ kinh phí bổ sung”.
 
Mô tả ảnh.
Việc thay ống nhựa loại to bằng hệ thống ống dẫn nước có đường kính nhỏ hơn, theo kiểu "thắt cổ chai" là một nguyên nhân khiến nước khó chảy về để đủ dùng cho dân
 
Theo ông Lê Văn Chín, cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi và nông nghiệp của xã Hòa Bắc thì xác nhận, đúng là công trình nước sạch của thôn Tà Lang được lắp năm 1999 bằng ống nhựa loại to nhưng dễ bể nên đợt sửa lại vào năm 2009 đã thay bằng hệ thống ống dẫn nước có đường kính nhỏ hơn. Đó cũng là một nguyên nhân khiến nước khó chảy về để đủ dùng cho dân. Bên cạnh đó, nguồn nước đầu nguồn dịp hè cạn hơn, cùng với việc nhiều người dân không có ý thức bảo vệ đường ống dẫn tới việc thiếu nước.

Ngoài ra, theo ông Chín, dù UBND xã đã thành lập một đội quản lý đường ống dẫn nước, nhưng lực lượng này làm việc không công nên họ chẳng mấy mặn mà. “Vẫn biết việc thiếu nước khiến ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm người dân, chúng tôi cũng đau đáu, nhưng nguồn kinh phí của xã còn eo hẹp, nên người dân kêu xã cũng chỉ có biết kiểm tra, xử lý sơ bộ, chứ chẳng làm được nhiều hơn”.

Nước sạch là nhu cầu không thể thiếu và nó trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của người dân. Hơn nữa, vào thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay thì thiếu nước trở thành một vấn đề cấp bách. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có những biện pháp sửa chữa hệ thống nước sạch một cách hợp lý, sớm đem nguồn nước sạch cho hàng trăm người dân nơi đây đang hàng ngày ngóng chờ.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh
;
.
.
.
.
.