.

Bạo lực... quy ra tội!

.
“Trung bình mỗi ngày thế giới có 3 phụ nữ bị giết bởi người chồng hoặc bạn trai của họ. Mỗi năm nước ta có 100 người chết vì bạo lực gia đình (BLGĐ)…” (Nguồn: Tài liệu tập huấn kỹ năng xử lý BLGĐ - Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố).

Mô tả ảnh.
Cán bộ phụ nữ thành phố thi tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ.
 
Ủa, đập vợ là phạm pháp hả?

Anh chị N. sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Cuộc sống khó khăn, anh N. thường ngược đãi, xúc phạm nhân phẩm, xua đuổi vợ. Anh còn đập phá tài sản trong gia đình và ép buộc chị lao động quá sức. Bà con hàng xóm đến khuyên can thì anh N. cho rằng, vợ chồng không được pháp luật thừa nhận nên anh không sợ “dính” vào luật pháp.

Trên thực tế, chiếu theo Luật Phòng, chống BLGĐ, anh N. đã phạm đến... 5 tội danh!

Có lẽ, không riêng anh N., nhiều người từng cho rằng vợ chồng cãi vã, đánh nhau là việc riêng, người khác không có quyền can dự. Do đó, lắm người “chết đứng” khi vi phạm pháp luật hồi nào không hay. Theo số liệu từ Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong các nguyên nhân BLGĐ, thiếu hiểu biết pháp luật chiếm 5%. Con số này khá nhỏ so với các nguyên nhân như rượu chè, kinh tế (60%), cờ bạc (25%), ngoại tình, ghen tuông (16%), học vấn thấp (13%)... Tuy nhiên, xét cho cùng, khi người ta vì các nguyên nhân trên mà gây nên BLGĐ cũng đã là không có hiểu biết về Luật Phòng, chống BLGĐ. Vì điều này, từ tháng 3-2010 đến nay, thành phố đã xử phạt hành chính 13 đối tượng, lập hồ sơ đưa đi các cơ sở giáo dục 3 đối tượng, quản lý giáo dục tại địa phương 5 đối tượng.

Luật chỉ để...nhắc nhở?!

Các hành vi bạo lực gia đình
Hành hạ, ngược đãi, đánh đập.
Lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Cô lập, xua đuổi, gây áp lực về tâm lý.
Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong gia đình.
Cưỡng ép quan hệ tình dục.
Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn; cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Chiếm đoạt, cố ý làm hư hỏng tài sản riêng, tài sản chung trong gia đình.
Cưỡng ép lao động quá sức, khiến phụ thuộc về tài chính.
Buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở một cách trái pháp luật.
Càng ngày, ý thức về vai trò pháp luật trong việc giải quyết bạo lực càng được coi trọng. Cụ thể như nhiều lớp tập huấn kỹ năng, kiến thức cho cán bộ được tổ chức từ cấp thành phố đến cơ sở. Các cuộc thi tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ ra đời tại các cấp hội, ngành... Với những người trực tiếp đi giải quyết bạo lực ở địa phương, họ càng nhận thức pháp luật chính là nền tảng quan trọng, vững chắc để xử lý vấn đề một cách thuyết phục nhất.

Về lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, công tác hòa giải hiện nay cơ bản dùng “công cụ” tình cảm là chính. Các cán bộ tham gia phòng, chống BLGĐ cho hay, phần lớn các hộ BLGĐ có đời sống kinh tế nghèo khó. “Bắt người chồng đi rồi, kinh tế gia đình bị hụt hẫng. Đã vậy người vợ phải gián đoạn chuyện mưu sinh để thăm nom, chăm sóc cho chồng”, một cán bộ nói. Đôi khi, vi phạm của người chồng rõ mười mươi phải xử phạt hành chính, cán bộ giải quyết vụ án cũng nhắm mắt làm lơ, bởi cuối cùng người bị đòn, đồng thời là người đi nộp phạt vẫn không ai ngoài... vợ - tay hòm chìa khóa gia đình!

Bài và ảnh: TOÀN VÂN
;
.
.
.
.
.