Ở Lý Sơn hiện có khoảng hơn 400 chiếc tàu thuyền đánh cá, trong đó có gần một nửa là tàu đánh bắt xa bờ. Năm 2010 là một năm đầy “bão giông” của ngư dân huyện đảo Lý Sơn. Những sự cố tàu đánh cá của ngư dân Lý Sơn thường xuyên bị tàu nước ngoài bắt giữ, dù đang hoạt động trên vùng biển của Việt Nam không những đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn khiến ngư dân vô cùng hoang mang. Được trò chuyện với họ, tôi thấy ước vọng của những ngư dân Lý Sơn thật giản dị, đó là vươn khơi an toàn.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. |
Trong dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vừa qua, tôi lại may mắn được đặt chân lên hòn đảo xanh tươi giữa trùng khơi lộng gió. Điểm đầu tiên tôi tìm đến là nhà “sói biển” Mai Phụng Lưu. Năm nào cũng thế, cứ đến ngày lễ quan trọng mang tính tâm linh này, anh và các bạn chài đều về đảo dự lễ. Ra khơi từ năm 14-15 tuổi, hơn 30 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa nên gần như anh thuộc lòng vùng biển này. Kinh nghiệm đã giúp cho anh Lưu và ngư dân cùng đi có những chuyến ra khơi thu về vài ba trăm triệu đồng, có khi cả tỷ đồng.
Anh cũng nổi tiếng khắp cả nước vì bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu phương tiện và ngư cụ tới 4 lần. Nhiều người, ngay cả vợ cũng khuyên anh nên đổi sang ngư trường khác nhưng anh không nghe, cho dù anh thừa hiểu nếu tiếp tục ra đánh bắt ở Hoàng Sa sẽ gặp nhiều rủi ro, nhưng anh cùng các con không thể không ra đó. “Tôi mong biển bớt động để vươn khơi, thường thì tháng nào cũng đi khoảng 20-25 ngày, tàu vừa về nhưng đã lại nhớ biển, nhớ ngư trường… Biết là khai thác tại ngư trường Hoàng Sa đầy rủi ro nhưng đó là vùng biển mà ông cha ta đã khai thác từ bao đời nên chúng tôi có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ...” - “Sói biển” Mai Phụng Lưu tâm sự. Trong khi đó, ngư dân Mai Phụng Nghiệp, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn bày tỏ: “Bây giờ, mỗi lần ra khơi xa, chúng tôi cũng thấy yên tâm vì đã có các tàu của Hải quân Việt Nam bên cạnh, là chỗ dựa vững chắc bảo vệ ngư dân. Chúng tôi cầu mong trời yên biển lặng để bà con vươn khơi an toàn”.
Và những ước vọng của ngư dân cũng chính là nguyện vọng của chính quyền địa phương. Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, thì để vươn khơi an toàn, trước tiên cần thành lập các tổ, đội khai thác để có sự hỗ trợ kịp thời khi gặp sự cố trên biển. Nếu như rủi ro có xảy ra, ngư dân mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ khi họ bị mất phương tiện hành nghề để người dân có điều kiện sắm lại tàu thuyền mới, tiếp tục làm ăn ổn định đời sống.
Đứng trên đỉnh Thới Lới, độ cao 186m so với mặt nước biển, nơi có “con mắt thần canh biển” là cánh sóng rada của Trạm 555 Vùng C Hải quân, tôi dõi mắt qua đài quan sát của trạm nhìn ra vùng biển mênh mông, những con sóng cao tới 2-3 mét trào lên đổ xuống liên hồi, mới thấu hiểu mưu sinh của những ngư dân trên biển không dễ dàng. Nhưng đã từ bao đời nay, những thế hệ ngư dân của Lý Sơn nói riêng và cả nước nói chung đã gắn bó với biển và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Biển là thế, lúc yên ả, khi ầm ào dữ dội. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng khát vọng vươn khơi của bà con ngư dân chưa bao giờ dừng lại. Bảo đảm ổn định, an toàn an ninh trên biển sẽ là điểm tựa vững chắc giúp họ an tâm khi ra khơi; để rồi chính họ sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài và ảnh: TUYÊN HUẤN