.

Cẩn trọng trong thông tin lĩnh vực tài chính

.
Tại cuộc hội thảo với các phóng viên báo chí viết về kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ vừa qua, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Hữu Lượng cho rằng, trong xu thế kinh tế Việt Nam hội nhập toàn cầu hiện nay, vai trò các nhà báo trong lựa chọn, xử lý và thông tin về tính nhạy cảm của hệ thống tài chính - tiền tệ là hết sức quan trọng.

Mô tả ảnh.
Thông tin trong hoạt động ngân hàng cần cẩn trọng.
 
Hoạt động kinh doanh ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, bởi hàng hóa trong quá trình kinh doanh là tiền tệ, loại hàng hóa có tính nhạy cảm và sức cuốn hút đặc biệt. Chính tính đặc biệt này của tiền tệ mà hoạt động kinh doanh ngân hàng vừa đem lại hiệu quả rất lớn đối với nền kinh tế, đồng thời khả năng xảy ra rủi ro cao. Cho nên, những thông tin nhỏ nhất có liên quan đến hoạt động tài chính - tiền tệ được đưa sai cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Vậy mà trong thời gian qua, nhiều thông tin trên báo chí do thiếu cân nhắc về độ chính xác và thời điểm đã có lúc gây sốc cho bạn đọc và người dân. Đó là tình trạng đưa tin, dẫn nguồn thông tin chưa đầy đủ, thiếu khách quan, thậm chí có nhà báo trong khi đưa thông tin đã phân tích, suy diễn làm lệch bản chất sự thật. Đáng phê phán, có nhà báo khi viết đặt dấu hỏi, mơ hồ gây tâm lý khó tiếp nhận đối với người đọc, rút tít báo kiểu “giật gân” nhằm lôi kéo độc giả… Trong khi thị trường tài chính - tiền tệ luôn cần những thông tin chính xác, minh bạch thì lại đón nhận những tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người dân. Mới đây, một số báo mạng đã tung tin đồn Tổng giám đốc NHTMCP Phương Nam (SouthernBank) Phan Huy Khang bỏ trốn. Trước đó, Phó Chủ tịch HĐQT rồi Chủ tịch HĐQT SouthernBank cũng nhận được những tin đồn kiểu như vậy.
 
Sau đó vài ngày, lại rộ lên tin đồn ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sacombank (SBS) và Tổng giám đốc NHTMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Trần Xuân Huy sắp rời khỏi vị trí lãnh đạo; Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) Đặng Hồng Anh bỏ trốn lại được tung ra… Còn nhớ cách đây mấy năm, khi báo chí đưa tin về khả năng khó thanh toán của một ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, dẫn đến hàng ngàn người dân chen nhau đến rút tiền, ngay chương trình cuối ngày của Đài Truyền hình Việt Nam, ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trực tiếp lên ti-vi tuyên bố Nhà nước Việt Nam bảo đảm mọi quyền lợi của người gửi tiền dù người trong nước hay nước ngoài, khi đó tình hình mới trở lại bình thường…

Một trong những cam kết quan trọng của Việt Nam khi gia nhập WTO là hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải mở cửa rộng hơn theo đúng lộ trình. Bên cạnh những cơ hội có thể có được, thì hệ thống ngân hàng cũng sẽ phải đương đầu với những thách thức hết sức to lớn. Thực tế đó dẫn đến cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng càng trở nên quyết liệt hơn trong cuộc đua đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế. Cạnh tranh là động lực để phát triển. Tuy nhiên, là một lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm trong nền kinh tế, ngành ngân hàng cần phải có quy định pháp lý hết sức chặt chẽ và hiện đại để điều chỉnh các hành vi cạnh tranh rất đa dạng và liên tục thay đổi nhằm duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh cho tất cả các tổ chức tín dụng. Trong đó, cũng cần có những chế tài quy định việc cung cấp thông tin cũng như loan tin sai về thị trường. Có như vậy, thị trường tài chính của Việt Nam mới đủ mạnh để cạnh tranh.

Trên lĩnh vực thông tin báo chí, ngoài yêu cầu thực hiện nghiêm Luật Báo chí nói riêng và luật pháp nói chung, các nhà báo còn thực hiện nghiêm quy ước đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đó là thái độ cần cân nhắc, cẩn trọng khi thông tin đến độc giả. Ở nước Anh, quy ước đạo đức nghề báo xác định rất rõ, nếu nhà báo đã mua chứng khoán của công ty nào thì buộc phải thông báo cho tòa soạn biết. Quy định này sẽ giúp tòa soạn quản lý được mục đích, thái độ đưa tin của nhà báo trong những tình huống liên quan đến thị trường chứng khoán, tiền tệ…

Từ thực tế cho thấy, các phương tiện thông tin đại chúng khi đưa thông tin về hoạt động tài chính - tiền tệ cụ thể thì cần phải có sự kiểm chứng của cơ quan quản lý hoặc người có trách nhiệm, tránh những hậu quả đáng tiếc. Muốn làm được như vậy, các nhà báo theo dõi trên lĩnh vực nhạy cảm này ngoài việc tinh thông nghiệp vụ, nắm vững đường lối, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước thì cần hết sức cẩn trọng khi thông tin đến độc giả.

Bài và ảnh: Phương Uyên
;
.
.
.
.
.