.

Chuyện nữ anh hùng ở “xóm mồ côi”

.
Làng bây giờ đã đặt tên đường K20 lịch sử. “Xóm mồ côi” (xóm ít dân) hôm nay dù nhiều đổi thay, song vẫn in dấu tích chiến công của người dân vùng đất “lõm”, trong đó có bóng hình của những người mẹ, người chị kiên cường...

Mô tả ảnh.
Dòng sông ghi dấu ấn một thời bom đạn trên vùng đất Anh hùng K20.
 
May mắn thay, mỗi lần có dịp đến đây, tôi đều được tiếp xúc và nghe người dân kể về vùng căn cứ K20, Đa Mặn (Ngũ Hành Sơn) với niềm tự hào sâu sắc. Vùng đất oanh liệt này từng là nơi che giấu các cán bộ Đặc khu ủy Quảng Đà thời kháng chiến chống Mỹ. Và sẽ còn xúc động hơn khi câu chuyện lịch sử về lòng gan dạ của những người phụ nữ nơi đây được tái hiện qua lời kể các nhân chứng sống. Có lẽ không phải người phụ nữ nào trong bài viết này đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng những gì họ đã trải qua từ những năm tháng ác liệt đó cũng đủ để thấy rằng họ xứng đáng là những Anh hùng.
 
Đó là chị Huỳnh Thị Thơ, người phụ nữ nổi tiếng gan dạ của K20 thuở ấy, vừa được nhận danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, sớm giác ngộ và hoạt động tích cực tại địa phương, đã không ít lần người nữ giao liên tên Thơ ấy bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng với khí tiết của người cách mạng, đã giúp chị vững vàng trong thử thách. Ba lần bị địch bắt, lần nào chị cũng kiên quyết bảo vệ cơ sở cách mạng và các đồng chí của mình, chỉ biết cắn răng chịu đựng đau đớn. Tháng 10-1972, một lần chị giải vây cho một số cán bộ quận III trước kẻ thù. Khi đó, đồng chí Trần Chanh - Phó Bí thư Quận ủy đang chủ trì một cuộc họp tại nhà đồng chí Trần Thị Hỷ (cơ sở cách mạng của K20), và một số đồng chí khác để nghe báo cáo tình hình.
 
Đang họp thấy có mùi thuốc lá thơm, đồng chí Trần Chanh bảo chị Thơ ra xem có phải cha của mình về không. Vừa bước ra đã thấy một toán lính ngụy, người nữ giao liên Huỳnh Thị Thơ nhanh trí thấy trên áo tên lính thêu chữ Diệu vội nói thật to để đánh động: “Chào thiếu úy Diệu, mời thiếu úy và các anh vào trong nhà chơi uống nước”. Thấy có bóng người trong nhà chạy ra phía sau, tên lính đứng bên cạnh tên Diệu giương súng bắn, chị đã khoát tay nâng nòng súng lên cao, một loạt đạn nổ liên hồi nhưng các đồng chí của ta chạy thoát. Lúc đó, địch hét to: “Con nữ Việt cộng ném lựu đạn tụi bay ơi!”. Tất cả bọn địch nằm rạp xuống đất để tránh lựu đạn. Nhân cơ hội đó, chị đã chạy qua nhà hàng xóm, chụp lấy con dao xắt chuối cắt đứt mái tóc dài của mình, cải trang đánh lừa địch, chạy thoát vào cơ sở ẩn náu.

Những năm 1964-1972, vùng K20 còn có đội quân thanh niên, gồm 40 nam và 40 nữ rất kiên cường, gan dạ. Hoạt động của các chị không chỉ trong vùng mà còn lan rộng ra Thọ Quang, Mân Thái, Hòa Hải… Ngày, đêm vừa lo canh gác, cảnh giới vừa học tập chính trị, quân sự. Chị Nguyễn Thị Thông, từng là Bí thư Chi đoàn K20 (nay là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Khuê Mỹ) cho biết, vào thời điểm ác liệt nhất, các chị em đều thể hiện tinh thần yêu nước, chống giặc. Có lần hai chị Nguyễn Thị Thông và Trần Thị Sinh đang vận chuyển vũ khí đoạn qua sông Cái, bất ngờ gặp tàu hải quân của Mỹ áp vào. Sợ bị lộ vì trên thuyền có 12 khẩu súng, hai chị đã giả vờ đi mò ốc, vớt rong làm chao đảo lật ghe để giấu súng xuống nước.
 
Chị Sinh là người có nhan sắc, gặp lúc hoàn cảnh ngặt nghèo đành dùng “mỹ nhân kế” để trêu đùa, đánh lạc hướng quân địch. Sau một hồi tàu Mỹ quần qua quần lại vẫn không thấy động tĩnh gì, chúng bỏ đi và chỉ chờ chiều tối, hai chị lại ngụp lặn dưới dòng sông để vớt súng. Đáng nhớ nhất cái ngày mồng 2 Tết năm 1970, khi các gia đình đang đón Xuân, khoảng 7 giờ sáng, bất ngờ hơn 10 chiếc xe quân sự chở hàng trăm tên lính địa phương quân đội đổ xuống xóm. Chúng lùng sục từ trong nhà ra tới ngoài đồng rồi bắt bớ dồn dân tập trung tại Trường tiểu học Đa Mặn (trường làng của xóm Đa Phước).
 
Tại đây, chúng dùng bọn chỉ điểm chỉ ra 16 người, trong số đó có 12 chị em bị nghi vấn rồi chở lên Hòa Cường đánh đập dã man. Những người bị bắt khi đó có chị Thông, chị Tâm, chị Sưa, chị Nhỏ… bị chúng lấy dây xích chó cột “3 nụt” tung ớt bột, chích điện vào các ngón chân, đổ nước xà phòng vào miệng. Chị Thông kể: Chúng hỏi cha tôi đi đâu, bà Đừng đi đâu? (hai người nằm trong “sổ đen” của địch) nhưng tôi vẫn khai trước sau như một không biết gì cả. Chúng chuyển số chị em chúng tôi đi các đồn, trạm, từ đặc khu về ty Gia Long (Công an thành phố ngày nay) rồi về nhà lao Hòa Cầm... nhưng không ai hé răng một lời phản bội.

Thời kỳ ấy, các chị được tiếp thêm sức mạnh kiên cường bởi tấm gương của những người chị, người mẹ đi trước. Xuân Mậu Thân 1968, cuộc chiến vào thời khắc cam go, lực lượng của ta bị tổn thất nhiều. Xác các chiến sĩ hy sinh trôi sông được dân địa phương âm thầm đưa lên chôn cất. Một trong những người phụ nữ hoạt động tích cực nhất trong công tác này là bà Huỳnh Thị Lan. Dưới sự chỉ đạo của cấp trên, bà xung phong làm trước. Vào tuổi trên 50, bà vẫn lanh lợi so với nhiều chị em khác, dưới “vỏ bọc” người làm nông chính hiệu, bà một mình chèo thuyền ra sông vớt từng xác bộ đội ròng rã nhiều ngày. Vừa tự tay quấn dây thừng kéo xác lên ghe chở vào bờ, bà Lan vừa khâm liệm và vận động các chị em khác ai có chiếu, chăn, màn, nhang đèn, rượu thì ủng hộ để bà tiếp tục chôn hết người này đến người khác.
 
Trước việc làm của bà, bọn địch tới gây hấn và cản trở. Bà nói: “Bọn tui là dân làng ở đây, thấy xác trôi thì phải chôn cất. Sống thù, chết bạn. Tui không làm để thúi vậy mấy ông chịu nổi không?” Cuối cùng bọn chúng phải nhượng bộ để bà làm việc nhân nghĩa. Nhắc đến bà Lan, những chị em hoạt động thời đó nói rằng: rất khâm phục cái tính nhanh nhảu, hoạt bát của bà khi hô hào các chị em “Đứa nào mệt thì ở nhà, đứa nào khỏe thì đi với tao”. Thông tin của bà Lan báo về bao giờ cũng chính xác, thông qua các mật hiệu như  hét to “Con bay đi đâu?” để ám chỉ những người lạ mặt tới xóm, nhờ vậy mà anh em ta nhiều phen thoát hiểm.

Dưới sự kìm kẹp gắt gao của địch, nhưng tháng 9-1969, nhân dân địa phương vẫn tổ chức lễ tang Hồ Chủ tịch tại chùa Khuê Bắc. Chị Bùi Thị Lâm (hiện ở tổ 11, Khuê Mỹ), lúc đó là đảng viên trẻ được giao nhiệm vụ chuẩn bị băng để tang Bác cho buổi lễ truy điệu. Nhận nhiệm vụ, chị ra chợ An Thượng mua 2 tấm vải to, một màu đen, một màu vàng giấu dưới rổ rau để đem về. Đêm đó, dưới hầm bí mật, trong ánh đèn dầu, chị Lâm đã  nghĩ ra cách cắt 2 tấm vải lớn thành hàng chục mảnh nhỏ, rồi khâu lại, bên màu đen, bên màu vàng. Làm thế cốt để đề phòng khi đang làm lễ, bọn lính có ập vào cũng không có cớ bắt bớ. Nếu không có địch, mọi người gắn mảnh băng tang màu đen tưởng nhớ Bác, hoặc ngược lại thì lật màu vàng, để che mắt chúng... Qua câu chuyện dài, mọi người xúc động nhắc đến chị Huỳnh Thị Sử, mới 16 tuổi đã tham gia cách mạng với nhiệm vụ được giao là làm giao liên.
 
Trong vai một cô gái nhà nghèo đi bán rau, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển thư từ, tài liệu đến các cơ sở trong sự bố ráp, lùng sục thường xuyên của quân thù. Cũng do bị chỉ điểm, vào ngày 26-7-1968, bọn địch bất ngờ ập vào nhà chị Sử, dàn quân đào tìm hầm bí mật. Lúc này, tại đây có hai cán bộ lãnh đạo cùng chồng và anh trai chị. Một cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra. Chị Sử bị địch bắt và dùng đủ mọi cực hình tra tấn, nhưng chị không hề khai báo nửa lời. Với sự chỉ điểm của những tên phản bội, nhiều chị em hoạt động ở K20 đã nhiều lần bị địch bắt giam, đánh đập và tra tấn hết sức dã man. Chị Nguyễn Thị Đừng bị chỉ điểm ngay tại bến xe Đà Nẵng khi đang bưng rổ cá trên đường vào Điện Bàn chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng. Chị Nguyễn Thị Được (còn gọi là Bốn Rẫm), chị Nguyễn Thị Hải từng bị bắt nhiều lần, bị đánh chết đi sống lại. Chị Nguyễn Thị Hường làm giao liên, trên đường vào Đông Hòa (Hòa Hải ngày nay) hoạt động bị lộ và bị chúng bắn hy sinh. Bị theo dõi nhiều lần, các chị như Hồ Thị Anh, chị Phùng, chị Diện cũng đã hy sinh hiên ngang trước họng súng kẻ thù.

Vào những giai đoạn chiến tranh ác liệt, có thể nói mỗi gia đình ở K20 là một cơ sở cách mạng mưu trí, dũng cảm. Mặc dù hoạt động trong lòng địch nhưng nhờ tai mắt của nhân dân, sự mưu trí, dũng cảm của những nữ du kích, nữ giao liên mà hành tung của những chiến sĩ, cán bộ cách mạng bảo đảm an toàn, bí mật. Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm, nhưng hình ảnh những phụ nữ của vùng đất K20 đã đi vào lịch sử vẻ vang. Sự hy sinh của các mẹ, các chị là rất lớn, khó có gì để so sánh. Tuy nhiên, bên cạnh sự bù đắp về tinh thần, sự quan tâm rất lớn của Nhà nước, hiện nay nhiều chị em có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng vẫn chưa được hưởng các chế độ, chính sách vì nhiều lý do khách quan. Mong rằng trong thời gian đến, các cấp chính quyền và ban, ngành thành phố sẽ hoàn tất các hồ sơ để ghi nhận công lao của những người may mắn còn sống sót sau chiến tranh.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH
;
.
.
.
.
.