.

Cổ tích của hai cô bé tật nguyền

.

Với những đứa bé tật nguyền, để sống được như người bình thường thật sự là điều khó khăn. Nhưng 2 em Nguyễn Thị Ly (10 tuổi), trú tại khối phố Mân Quang, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn và em Dương Thị Thúy Nga (14 tuổi), quê tỉnh Đắc Lắc, học sinh lớp 5, Trường Chuyên biệt Tương Lai không những sống tốt mà còn vươn lên học giỏi. Tấm gương hai em đáng để cho biết bao em nhỏ học tập noi theo.

Mô tả ảnh.
Nguyễn Thị Ly được các nhà hảo tâm nước ngoài chăm sóc, tặng quà.

 

Vượt lên nỗi đau da cam...

Chúng tôi ghé thăm em Nguyễn Thị Ly vào một ngày cuối tháng 5, căn nhà nhỏ của gia đình em khuất trong đường kiệt bê-tông ở khối phố Mân Quang, phường Hòa Quý. Thấy khách vào, Ly ra tận cổng vòng tay thưa rất lễ phép. Khuôn mặt dị dạng không làm mất đi sự thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát lạ thường ở Ly. Tiếp chúng tôi, bố mẹ Ly là anh Nguyễn Quang Dương (SN 1964) và chị Lê Thị Thu (SN 1971) cho biết, khi chị Thu mang thai chưa đầy 7 tháng thì đã chuyển dạ. Ly sinh ra chưa đầy 1,7kg và phải nằm lồng kính. Khuôn mặt và phía trên đầu của cháu thật khác so với người bình thường. Bác sĩ kết luận, em bị nhiễm chất độc da cam. “Nỗi đau trào dâng, nhưng trời cho như thế nào thì hưởng như thế đó, chứ biết kêu ai bây giờ. Cả nhà lao tâm lao lực dồn hết sức lực, tiền bạc để lo lắng cho đứa bé sơ sinh bạc phận” – chị Thu nghẹn giọng.

Lên 4 tuổi, Ly vẫn còn nằm liệt giường, không nói được nửa câu. Thương đứa con bất hạnh, ngày nào gia đình cũng tập nói, tập đi cho em. Thế rồi điều kỳ diệu cũng tới, trong một lần chập chững bước đi bị té ngã, Ly bật lên tiếng kêu đau. Khác với nhiều trường hợp khác, con kêu đau mẹ xót, đằng này chị Thu lại mừng rơn, hét rầm trời khi lần đầu tiên nghe được tiếng con. Cả nhà vui như hội, kỳ vọng sự may mắn đến với con cháu mình. Niềm vui cứ ấm dần trong ngôi nhà buồn lạnh bấy lâu, từ khi biết nói, biết đi Ly trở nên nhanh nhẹn, thích bi bô học tập. 6 tuổi, Ly được bố mẹ đưa đi học mẫu giáo nhỡ, nhưng cô giáo thấy Ly học được nên một năm sau cho em đi học lớp 1 tại một trường tiểu học gần nhà. Ở trường, cô giảng đến đâu em hiểu đến đó. Về nhà, em rất chăm chỉ, ăn cơm xong em lấy sách vở ra học ngay. Những lúc rảnh, Ly bày cho em trai mình cùng học. Nhờ sự nỗ lực đó, năm nào em cũng là học sinh tiên tiến, mới đây em còn đạt giải 3 vở sạch chữ đẹp. Em được các thầy cô giáo và bạn bè trong lớp khen ngợi.

Biết em nhiễm chất độc da cam, nhiều tổ chức nước ngoài đã đến thăm, tặng quà và còn dạy tiếng Anh cho em. Mỗi lần như thế, em rất vui và cảm thấy hạnh phúc. Khi hỏi em có ước mơ gì sau này, Ly khiêm tốn nói: “Lớn lên con muốn trở thành một cô giáo, để dạy cho những đứa trẻ khuyết tật tội nghiệp”. Ước mơ ấy thật giản dị và chúng tôi cầu mong cho niềm mong mỏi của em trở thành hiện thực, cũng là để thế gian có thêm nhiều điều kỳ diệu...

Mô tả ảnh.
Dương Thị Nga (bên trái) đang cùng bạn học múa.

 

Cô bé khiếm thính tài năng

Không bị nhiễm chất độc da cam như Ly, nhưng mới sinh ra, em Dương Thị Thúy Nga đã bị căn bệnh khiếm thính. Năm 4 tuổi, Nga được gia đình đưa xuống Đà Nẵng ở với người chú rồi theo học ở Trường Chuyên biệt Tương Lai cho đến tận bây giờ. Lúc nhỏ, do không được giao tiếp nhiều nên dần dần em mất hết ngôn ngữ giao tiếp của một người bình thường và chỉ biết ú ớ với mọi người xung quanh.

Những ngày đầu vào học ở trường, em cũng như bao đứa trẻ khiếm thính khác, rất chậm chạp, nhút nhát. Tuy nhiên, Nga được các cô giáo tận tình chăm sóc, dạy dỗ bằng ngôn ngữ đặc biệt, dần dần em đã tiếp xúc với mọi người xung quanh một cách nhanh nhẹn hơn. Cô Trương Thị Ngọc Hà, giáo viên Trường Chuyên biệt Tương Lai tâm sự: Chương trình dành cho các em học sinh ở trường chuyên biệt ngoài các môn học bình thường còn có thêm một số môn đặc thù dành cho trẻ câm điếc như: phát triển kỹ năng giao tiếp, ký hiệu qua chữ cái trên tay của giáo viên… Khi được hỏi em thích môn học nào nhất, Nga ra hiệu: Em thích học môn toán, bởi nó là những con số dễ cộng, dễ nhớ và dễ phát âm. Tuy nhiên, theo các giáo viên cho biết thì môn nào em cũng học và tiếp thu nhanh, sâu hơn các bạn trong lớp. Vì vậy, em luôn là học sinh xuất sắc của trường.

Ngoài học giỏi văn hóa, Nga còn là một trong những em có năng khiếu vẽ đẹp, múa giỏi của trường. Cô giáo Hà tâm sự: Bất cứ điệu múa nào, dù khó đến mấy em cũng múa rất dẻo. Do đó, tất cả các tiết mục múa do thành phố cũng như nhà trường tổ chức, Nga là một diễn viên không thể thiếu. Hôm tôi đến Trường Chuyên biệt Tương Lai, Nga cùng bạn bè trong lớp đang học múa. Trong đám học trò khiếm thính ấy, Nga nổi bật với làn da trắng, khuôn mặt khá xinh. Bình thường, khó có thể nhận biết em là một cô bé khiếm thính, tật nguyền.

“Không dừng lại ở học giỏi, múa hay, Nga còn là một cô học sinh rất có năng khiếu về các môn thể thao, đặc biệt là môn bóng bàn, cờ vua. Trong nhiều kỳ thi liên tiếp, em được trường cử đi tham dự giải thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật và giành được nhiều giải cao” - cô Hà vui vẻ nói.

Những em nhỏ như Ly, Nga là những đứa trẻ không hoàn hảo về hình thể, nhưng tâm hồn các em thật đẹp và trong sáng. Các em đã làm nên những điều phi thường bằng chính ý chí và nghị lực của bản thân...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.