.

Để báo chí xứng đáng là bộ mặt tinh thần

.
Nhân Ngày Báo chí Việt Nam 21-6, nhà báo Tuyết Minh có cuộc trao đổi với nhà báo Mai Đức Lộc, Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố xung quanh một số vấn đề về hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Mô tả ảnh.
Tổng Biên tập của 5 tờ báo Đảng: Sài Gòn Giải phóng, Cần Thơ, Hà Nội Mới, Đà Nẵng và Hải Phòng bắt tay hợp tác. Từ trái qua: Trần Thế Truyền (Sài Gòn Giải phóng), Huỳnh Quốc Hoàng (Cần Thơ), Hồ Quang Lợi (Hà Nội Mới), Mai Đức Lộc (Đà Nẵng), Lê Trọng Nghĩa (Hải Phòng).  Ảnh: Nguyên Khôi
 
* Tuyết Minh: Thưa nhà báo Mai Đức Lộc, anh đánh giá như thế nào về báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng so với hai trung tâm báo chí lớn của nước ta là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh?

- Nhà báo Mai Đức Lộc: Người ta thường nói, mọi sự so sánh thường là khập khiễng, nhưng như anh nói, hoạt động báo chí trên địa bàn Đà Nẵng từ thời đổi mới đến nay, nhất là những năm gần đây, luôn sôi động, quyết liệt, đa dạng không thua kém so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các cơ quan báo chí của Đà Nẵng không nhiều, nhưng đều có đủ các loại hình và hoạt động rất năng nổ, sáng tạo được bạn đọc hết sức quan tâm. Một biểu hiện khác là hầu hết các cơ quan báo chí của Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh đều có văn phòng đại diện tại Đà Nẵng. Chính điều đó tạo ra cho Đà Nẵng có không khí hoạt động báo chí rất sôi động.

Đương nhiên, mỗi vùng miền có những đặc trưng riêng của nó, đặc biệt tại Hà Nội, thủ đô của cả nước và thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn, thì đi kèm là những vấn đề được báo chí hết sức chú ý.

* Tuyết Minh: Đà Nẵng được đánh giá là một trong những nơi nhiều sự kiện cho báo chí tác nghiệp, vậy sức hấp dẫn của các sự kiện đó là gì, thưa anh?

- Nhà báo Mai Đức Lộc: Như trên tôi đã nói Đà Nẵng có trên 70 Văn phòng đại diện báo chí Trung ương và các địa phương bạn, nên hằng ngày, hầu như mọi sự kiện của Đà Nẵng đều được phản ánh kịp thời trên các phương tiện truyền thông. Bản thân điều đó cho thấy sức hấp dẫn lớn của Đà Nẵng. Chính sự quyết liệt của thành phố, chính những chủ trương, những cách làm mới của Đà Nẵng, tự nó là chất liệu tươi mới và luôn thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng lao động, không ngừng sáng tạo để làm nên bộ mặt Đà Nẵng như ngày hôm nay. Gần 90 ngàn hộ dân đã vì sự phát triển của thành phố đã chấp nhận di dời, giải tỏa để giao đất, giao nhà để mở đường, xây cầu, xây các khu du lịch, xây dựng các công trình phúc lợi, các khu dân cư mới…
 
Có nhiều việc của thành phố như một đặc sản báo chí: Việc lãnh đạo thành phố gặp mặt những ông chồng đánh vợ, việc cho người hoàn lương vay vốn làm ăn, từ việc xây dựng thành phố “5 không”, “3 có” đến việc hình thành ý tưởng và tổ chức thành công các lễ hội pháo hoa quốc tế thu hút hàng triệu lượt người đến xem là những sự kiện cung cấp chất liệu sinh động cho báo chí. Tất cả các sự kiện đó đều toát lên một điều, sự đồng thuận, lòng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đà Nẵng luôn khát khao làm cho thành phố phát triển không ngừng về mọi mặt, để biến vùng đất này thành một đầu tàu, một động lực phát triển của khu vực và của cả nước. Đấy chính là nhân tố, là sức hấp dẫn của từng sự kiện.

* Tuyết Minh: Còn về số lượng và chất lượng đội ngũ những người làm báo của Đà Nẵng và các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương bạn đứng chân trên địa bàn?

- Nhà báo Mai Đức Lộc: Hiện nay, Đà Nẵng có gần 500 cán bộ, phóng viên làm việc tại 7 cơ quan báo chí của địa phương, trong đó có hơn 300 hội viên Hội Nhà báo. Còn 70 Văn phòng đại diện cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương bạn có khoảng trên 300 cán bộ, phóng viên. Riêng đội ngũ những người làm báo của Đà Nẵng hầu hết đã qua trình độ đại học, cao đẳng; được đào tạo công tác quản lý, lý luận chính trị cao cấp. Nhiều nhà báo đã có các tác phẩm đoạt giải báo chí trong nước và thành phố, được dư luận đánh giá cao.

Tất nhiên, trong giai đoạn mới thì đòi hỏi các nhà báo phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn về mọi mặt mới đáp ứng được công việc.

Nhưng tôi tin rằng, với truyền thống và bề dày về hoạt động báo chí, những người làm báo của Đà Nẵng nói riêng và các bạn đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương bạn sẽ hỗ trợ, hợp tác và giúp đỡ nhau trong hoạt động nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống, sẽ làm cho Đà Nẵng là tâm điểm báo chí của khu vực.

* Tuyết Minh: Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và tình hình giá cả hiện nay anh thấy những khó khăn nào tác động đến báo chí nói chung, báo in nói riêng?

- Nhà báo Mai Đức Lộc: Rất khó khăn. Rất nhiều thách thức. Không chỉ có khủng hoảng kinh tế tác động, mà khi báo chí điện tử ra đời, phát triển với tốc độ chóng mặt, nó thu hẹp khá nhiều về khoảng cách thông tin và làm cho các loại hình báo chí khác hoạt động rất gian nan vất vả.

Nguồn thu của báo chí, nhất là các tờ báo tự hạch toán, chủ yếu là quảng cáo, nhưng đã bị chia phần cho các mạng điện tử và các hoạt động sự kiện khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính cũng giảm quảng cáo, nên ảnh hưởng cũng khá lớn cho các báo.

Riêng báo in bị áp lực rất lớn. Giá giấy, giá công in và các khoản chi phí khác tăng cao mà giá báo chưa thể tăng được. Kéo theo nhuận bút thấp làm cho người viết, nhất là các cộng tác viên cũng rất băn khoăn và đắn đo khi viết bài, khi cộng tác.

Đây được cho là thời kỳ khó khăn, thách thức khá nghiêm trọng của báo chí. Nhiều cơ quan báo đã mở các hướng đi khác tìm cách bù đắp các chi phí tăng cao. Nhưng tôi nghĩ, dù khó khăn đến đâu, các cơ quan báo chí, các nhà báo sẽ nỗ lực vượt qua thách thức, bám sát thực tiễn, sáng tạo nên những tác phẩm báo chí hay, đầy ấn tượng, có sức hấp dẫn, luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống.

* Tuyết Minh: Với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố, anh nhận xét gì về hoạt động của Hội và vai trò của Hội đối với những người cầm bút?

- Nhà báo Mai Đức Lộc: Hội Nhà báo là một tổ chức chính trị-nghề nghiệp, hoạt động trên tinh thần tự nguyện và hướng vào mục tiêu chính là: Xây dựng đạo đức nghề nghiệp người làm báo; chăm lo bảo vệ tới quyền lợi chính đáng của nhà báo; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nhà báo… Tôi nhận thấy, Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng để làm tốt vai trò của mình trong những năm qua. Nhưng, như anh biết, việc tập hợp và tổ chức các hoạt động của Hội còn nhiều bất cập, chưa có sức hấp dẫn thu hút hội viên tham gia. Chúng tôi đã thấy những trắc trở này và đang tìm hướng để cho Hội thật sự là chỗ dựa tin cậy và nơi tập hợp nhiều hội viên Hội Nhà báo đến tham gia các hoạt động. Thông qua đó để chia sẻ công việc và trong cuộc sống, giúp nhau làm tốt hơn nữa công việc được giao.

* Tuyết Minh: Được biết anh vừa trúng cử Hội đồng Nhân dân, là đại biểu cho báo giới thành phố tại cơ quan này, ngoài các công việc khác cử tri mong muốn, anh sẽ có mục tiêu nào dành cho báo chí trong nhiệm kỳ này?

- Nhà báo Mai Đức Lộc: Tôi rất cảm ơn các cử tri, trong đó có các bạn đồng nghiệp dành cho tôi lá phiếu ủng hộ để trở thành đại biểu HĐND thành phố. Với cương vị là đại biểu HĐND tôi sẽ làm hết sức mình để lắng nghe và phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến các cấp chính quyền thành phố và đề xuất các biện pháp giải quyết. Là người hoạt động trên lĩnh vực báo chí, đương nhiên, tôi sẽ đề xuất để thành phố tạo dựng hành lang và các điều kiện tốt nhất cho báo chí hoạt động có hiệu quả. Mặt khác, tôi cũng sẽ đề nghị thành phố có các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin, có chính sách giúp các nhà báo có hoàn cảnh khó khăn để ổn định cuộc sống, tiếp tục gắn bó với nghề.

* Tuyết Minh:  Xin cảm ơn anh.
;
.
.
.
.
.