Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Nhà báo Hồ Chí Minh là một hiện tượng đặc biệt, một cây bút phi thường có cách làm báo rất riêng, rất độc đáo... Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đọc lại bài báo đầu tiên mà Người viết, bài Tâm địa thực dân - được viết vào khoảng cuối tháng 6-1919, vẫn thấy có rất nhiều điều thú vị; thậm chí, đó là những điều như vừa được Người nói ra hôm qua, hôm nay...
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến công việc của phóng viên báo chí.
Trong ảnh: Hồ Chủ tịch tặng hoa cho phóng viên quay phim Phan Thế Hùng. (Ảnh tư liệu)
|
Bài Tâm địa thực dân (TĐTD) là một bài thuộc chuyên mục “Sự kiện và bình luận”, được Nguyễn Ái Quốc viết để công kích một bài báo thực dân đăng trên tờ Courrier Colonial ngày 27-6-1919 có nhan đề “Giờ phút nghiêm trọng”. Bài báo thực dân này đã la lối om sòm về Bản yêu sách của nhân dân An Nam mà Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị Hòa bình của các nguyên thủ quốc gia các nước thắng trận. Như vậy, xét về mặt các ý nghĩa mở đầu - sự kiện quan trọng - tính chất tiên tri của vấn đề - giá trị bất hủ mang tầm thời đại của đòi hỏi - sự chứng minh rằng bài viết đầu tay thực sự bản lĩnh, già dặn..., rõ ràng TĐTD là bài báo rất đáng để đọc đi đọc lại, nghiên cứu và suy ngẫm.
Ngay đoạn mở đầu, sự tinh tế của bút lực cho ta thấy dường như đây không phải là bài báo của một tác giả viết báo lần đầu (!): “Chưa đọc hết cột thứ nhất, chúng tôi cũng đã gần thấy được mục đích của tác giả, và càng đọc tiếp - vừa đọc vừa mỉm cười - thì cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi càng vững chắc lại” (HCM TT, T1, trang 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002). Hiểu thấu đáo vấn đề, tự tin khi cầm bút và niềm tin chắc chắn vào sự đúng đắn của điều mình tranh luận - phải chăng là bài học đầu tiên, quan trọng nhất của nghề báo? Cái hàm nghĩa sâu xa đó của Nhà báo Hồ Chí Minh giống như một “thông điệp” ẩn từ “tầng sâu nhất” của tri thức mà, bất chợt, ta thấy nó ùa về vẹn nguyên, rực rỡ đến lạ kỳ.
Người mà Nguyễn Ái Quốc đối đầu tranh luận là Camilơ Đờvila. Căn cứ theo cách Nguyễn Ái Quốc chỉ ra (bài báo của ông quan thực dân dài hai cột báo, trang nhất, phía trên), là một nhà báo có tên tuổi và có địa vị trong làng báo Pháp. Nguyễn Ái Quốc biết rất rõ rằng tất cả mọi kẻ thống trị muốn duy trì địa vị thống trị của chúng đều luôn tìm đến “những lời ngụy biện về uy tín và bằng những lý lẽ giả dối về lợi ích chung”. Đọc đến đây hầu như ai cũng biết rằng “nguyên tắc” mà Nguyễn Ái Quốc chỉ ra vẫn đã và đang đúng một cách đủ đầy: Thói giả dối là người bạn đồng hành của những kẻ thống trị luôn đi ngược lại ý nguyện của đại đa số nhân dân. Thậm chí, để lộng hành và cai trị người dân một cách tàn nhẫn, những kẻ thống trị luôn coi người dân “là những kẻ quá ư ngu ngốc” rồi dùng cái lối bình luận quỷ quyệt làm cho người dân “lẫn lộn tình trạng hoàn toàn và vĩnh viễn không có quyền tự do tư tưởng với sự kiểm duyệt” (chúng tôi nhấn mạnh - HVT).
Nhà báo Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “nhà báo” cỡ như Camilơ Đờvila chỉ là “bồi bếp trong một nhà bếp nhà vua nào đó”; tức là một kẻ chỉ có tính ưu việt khi người dân “bị khóa mồm bịt miệng và bị xỏ mũi”(!) Để làm tăng thêm giá trị phản biện của mình, Nhà báo Hồ Chí Minh đã tấn công trực diện vào đối thủ bằng chính cái điều mà nhà báo thực dân đã viện dẫn - tức là Điểm 3 trong 8 điểm của Bản Yêu sách của nhân dân An Nam có nội dung rất rõ là tự do báo chí và tự do ngôn luận. Theo Camilơ Đờvila thì nếu chấp nhận Điểm 3 cũng có nghĩa là đặt những kẻ thống trị vào GIỜ PHÚT NGHIÊM TRỌNG (chữ in hoa trong nguyên bản – sic).
Như vậy, cuộc bút chiến giữa nhà báo viết lần đầu tiên và nhà báo lọc lõi chỉ xoay quanh vấn đề cơ bản nhất là quyền được nói của người dân. Theo Nhà báo Hồ Chí Minh thì người dân phải có quyền được NÓI “vì những người trong sạch thì không việc gì phải sợ sự kiểm soát của ai cả, ngay cả sự kiểm soát của Nghị viện nữa”. Điều cơ bản nhất của vấn đề là nếu không có quyền tự do ngôn luận thì, “con người là một tên nô lệ khốn khổ”(!) Quan điểm này của Nhà báo Hồ Chí Minh được nhấn mạnh lại một lần nữa về tính nguyên tắc của giá trị trong bài Người viết sau đó, với nhan đề: Vấn đề dân bản xứ, đăng ở báo L’Humanité ngày 2-8-1919: “Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền tự do ấy, thiết yếu cho việc truyền bá cho những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả”. Lời khẳng định này là chân lý của muôn đời: Mọi công cuộc cải cách, đổi mới, dân chủ - dù ở thời đại nào đi nữa (nhất là thời hiện đại) thì bước đi tiên quyết đầu tiên là phải có tự do ngôn luận!
92 năm đã trôi qua kể từ khi Nhà báo Hồ Chí Minh lần đầu tiên cầm bút để viết báo - với mục đích rất rõ ràng (gần như là duy nhất) là đòi hỏi tự do báo chí, tự do ngôn luận cho nhân dân Việt Nam. Đòi hỏi đó vẫn luôn là điều mà bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng tìm đến; bất kỳ một sự phát triển hướng tới hạnh phúc nào cũng coi là nguyên tắc; bất kỳ người hiểu biết nào cũng nhận thức được tính chất quan yếu không thể nào thay đổi hay hoán vị một cách ỡm ờ. Giá trị đó vẫn sống vẹn nguyên cho đến hôm nay và nhiều năm sau nữa. Đọc và ngẫm để hiểu thêm một chút rằng sự vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là điều mà mỗi chúng ta không thể nào đạt được, cho dù năm tháng vẫn qua đi ngày một nhiều hơn, mỗi ngày một trăn trở hơn...
Hà Văn Thịnh