Đó là niềm vui của trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng khi cầm trên tay hộ khẩu, chứng minh nhân dân mang tên mình, điều mà có lẽ chỉ có ở thành phố này. “Từ giờ, em đã là công dân Đà Nẵng, đây là quê hương của em” - Nguyễn Đình Tâm (quê ở Hà Tĩnh) bộc bạch.
Số phận đổi thay
150 trẻ em đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng (Trung tâm) là 150 số phận. Đứa thì cha mẹ chia tay nên lang thang xin ăn, đứa mồ côi cha mẹ hoặc bị bỏ rơi, ở với ông bà, ông bà qua đời lại chịu cảnh không nhà... Tất cả đều lưu lạc khắp chốn, nếm trải đắng cay, tủi nhục như: Thằng Tâm, thằng Hùng, cái Hiếu... Cuộc đời đẩy đưa các em đến Đà Nẵng và may mắn được Trung tâm nuôi dưỡng, được đi học văn hóa, học nghề. Hầu hết các em đều không có giấy tờ chứng minh hộ tịch do quá trình lưu lạc nay đây mai đó. Nhiều em thậm chí không biết mình sinh ra ở đâu, chỉ biết hè phố là nhà, ghế đá là giường.
Ông Hoàng Xuân Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm nói: “Dù có tay nghề khá, nhưng không có hộ khẩu và chứng minh nhân dân thì không thể xin vào những cơ sở đàng hoàng. Đặc biệt là những em tìm được “nửa kia” của mình cũng gặp nhiều trở ngại trong việc xây dựng hạnh phúc. Thậm chí, việc nhỏ nhất là lập tài khoản cho các em vài triệu trong ngân hàng cũng không thể...”. Thế nhưng, với quyết định dứt khoát của vị lãnh đạo đứng đầu thành phố, bọn trẻ “nghiễm nhiên” có những thứ mà nhiều người mong không được. Số phận các em đã thay đổi, sang trang mới tốt đẹp hơn. Đó cũng là một trong những điều có lẽ chỉ có ở Đà Nẵng.
Như vậy, sau 20 năm, hơn 300 em đã trưởng thành, trở thành công dân có ích cho thành phố. Các nhà nuôi trẻ đều được trang bị đầy đủ tiện nghi như: tủ lạnh, bếp gas, xe đạp, máy vi tính... Đó là những con số mà đằng sau nó là những giọt mồ hôi và nước mắt, là sự quan tâm chăm lo của thành phố, của những người có tâm huyết với con trẻ.
Chung tay vì con trẻ
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã trở thành chương trình hành động thường xuyên của các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, tộc họ và mỗi gia đình. Mười năm qua, thành phố Đà Nẵng đã huy động và tập trung được sức mạnh của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội ưu tiên dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất, tạo điều kiện để các em được phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Ước tính, hiện thành phố có khoảng trên 3 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh đặc thù khác như trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em trong các gia đình ly hôn... và khoảng 26 ngàn trẻ em thuộc diện hộ nghèo. Hầu hết các em được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, với tổng kinh phí hơn 39 tỷ đồng, thông qua các chương trình như trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, chăm sóc trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp, các dự án hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vận động từ các tổ chức phi chính phủ (HOLT, AOG, SEAR, VNAH, EMW, CHILDREN OF VIETNAM, HANDS OF HOPE, FAMI...), đã hỗ trợ cho hơn 50.000 lượt trẻ em được thụ hưởng các chương trình như khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo, chỉnh hình phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe, y tế cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ trẻ em mổ tim, phẫu thuật mắt, học bổng... với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ