.

Gia đình văn hóa tiêu biểu

.
Đến tổ 50, phường Khuê Trung hỏi về gia đình thầy giáo Hồ Văn Song và cô giáo Phạm Thị Châu Á thì ai cũng biết và tỏ vẻ thán phục, bởi gia đình thầy 5 năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học” cấp thành phố.

Mô tả ảnh.
Vợ chồng thầy, cô giáo Hồ Văn Song và Phạm Thị Châu Á.
 
Ấn tương đầu tiên thầy để lại trong chúng tôi là sự khiêm tốn vốn có của một nhà giáo. Thầy Song tâm sự: Hai vợ chồng kết hôn từ năm 1978, với thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là vào những năm 1990, đời sống giáo viên có nhiều khó khăn, nhiều người nghỉ dạy hoặc chuyển công tác khác, nhưng vợ chồng thầy vẫn động viên nhau cố gắng bám trường bám lớp, đứng vững trên bục giảng với mong muốn duy nhất lúc đó là mang ánh sáng văn hóa đến các em nhỏ ở vùng nông thôn. Ban ngày đi dạy, tối về hai vợ chồng mở lớp bổ túc, xóa mù chữ cho các em trong xóm; mỗi buổi sáng sớm thầy chạy xe ôm kiếm thêm tiền phụ vào đồng lương giáo viên ít ỏi để trang trải cuộc sống giúp đỡ các em con gia đình khó khăn vươn lên trong học tập.

Để làm gương cho con với ước mong con cái thành người tử tế, hai vợ chồng luôn khuyên nhủ phải sống hòa thuận, bình đẳng, chia sẻ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống gia đình. Nhờ đó, cả nhà thầy luôn chan hòa trong tiếng cười tin yêu. Hai vợ chồng luôn quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái và định hướng cho con tự học, tự làm. Nhìn tấm gương ba mẹ sống bình đẳng, thuận hòa nên các con của thầy đều chăm ngoan, học giỏi, đến nay 3 người đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình và có việc làm ổn định, còn một cháu nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và năm nay chuẩn bị thi đại học.

Không chỉ được nhiều người biết đến nhờ danh hiệu Gia đình văn hóa và con cái học giỏi, gia đình thầy Song còn được bà con trong thôn xóm yêu mến vì lối sống giản dị, nhiệt tình, hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Thầy luôn vận động các thành viên trong gia đình tiết kiệm mỗi ngày 1.000 đồng để tặng quà giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với 5 thành viên, hằng năm gia đình thầy đều có tiền tiết kiệm được để giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Đến nay, đã có nhiều em học hành thành đạt và có việc làm ổn định từ những sự trợ giúp đầy tình nghĩa đó.

Một kỷ niệm mà thầy nhớ nhất là cách đây khoảng 6 năm, khi đi chợ Cẩm Lệ, thầy gặp một người đàn ông tên Hiệp ở Điện Bàn đi bán hàng để lấy tiền mua sách vở cho 3 đứa con ngày mai khai giảng, nhưng đã bị kẻ gian móc túi lấy hết tiền. Thấy vậy, thầy đã mua sách  vở tặng cho ông mang về cho con. Sau 6 năm trôi qua, vừa rồi ông Hiệp đã tìm đến nhà thầy để cảm ơn và báo tin vui, trong số 3 đứa con của mình, đến nay đã có 1 em đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Với thầy, đây là một trong những niềm hạnh phúc lớn lao và ý nghĩa nhất trong cuộc đời.

Với tấm lòng rộng mở, bao dung, biết nghĩ đến người khác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, thầy Hồ Văn Song vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích 10 năm liền trong công tác xóa mù chữ. Bản thân thầy và các thành viên trong gia đình luôn gương mẫu thực hiện các quy ước của tổ dân phố, không vi phạm pháp luật, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo.

Bài và ảnh: LÊ HIỀN
;
.
.
.
.
.