.

Giao thông các tỉnh duyên hải miền Trung: “Hòa mạng” để cất cánh

.

Những năm gần đây, hạ tầng giao thông của các tỉnh duyên hải miền Trung không những được nâng cấp mở rộng mà đã và đang được “hòa mạng” để tạo nên điểm tựa vững chắc cho kinh tế cả khu vực cất cánh.

Mô tả ảnh.
Cầu Nam Ô trên quốc lộ 1A đang được xây mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông.

 

Trục giao thông Bắc-Nam

Giao thông của “chiếc đòn gánh” miền Trung lâu nay gần như lệ thuộc hoàn toàn vào hai tuyến đường chính là tuyến đường sắt Bắc-Nam và quốc lộ 1A, tuy nhiên cả hai trục đường này từ lâu đã bị quá tải, khó có thể hỗ trợ cho kinh tế khu vực phát triển. Xuất phát từ thực tế này, hơn 10 năm trước, Nhà nước đã quyết định đầu tư nguồn kinh phí rất lớn để nâng cấp tuyến quốc lộ 1A. Đến nay, cơ bản quốc lộ 1A đoạn đi qua các tỉnh duyên hải miền Trung đã hoàn thành, với mặt đường được nâng cấp, mở rộng trung bình từ 15 mét lên 25 mét. Riêng những đoạn đi qua các thành phố, thị xã lớn, mặt đường đã được mở rộng từ 30 đến 35 mét với 4 làn xe cơ giới.

Bên cạnh đó, việc hệ thống cầu trên quốc lộ 1A dần được cải tạo, nâng cấp và xây mới, đã nâng cao đáng kể năng lực lưu thông các loại phương tiện trên đường. Theo thống kê của các Khu Quản lý đường bộ, trong khu vực hiện nay, tần suất phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1A đã tăng từ mức trung bình 6.500 lượt/ngày đêm lên xấp xỉ 10.000 lượt/ngày đêm. Trong số này, riêng đoạn đi qua địa bàn thành phố Đà Nẵng,  Nha Trang, Quy Nhơn đã lên đến 15 ngàn lượt/ngày đêm. Theo các chuyên gia kinh tế, thì đây là những con số phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế đất nước nói chung và khu vực duyên hải miền Trung nói riêng.

Bên cạnh tuyến quốc lộ 1A huyết mạch, vài năm gần đây, việc các tỉnh duyên hải miền Trung đã cùng nhau quyết tâm mở thêm tuyến đường chạy dọc ven biển đã đánh thức cả một vùng đất ven biển nghèo khó bao đời nay. Đi đầu trong việc mở đường ven biển để “kết nối 3 di sản văn hóa thế giới” là thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong nhóm 6 tỉnh, thành duyên hải miền Trung bao gồm Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa hoàn thành tuyến đường ven biển trên địa bàn và “hòa mạng” với hai địa phương giáp ranh là Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế, với trục đường ven biển Nguyễn Tất Thành - cầu Thuận Phước-Trường Sa-Hoàng Sa-Điện Ngọc-Cửa Đại. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành xây dựng tuyến đường ven biển nối từ Lăng Cô đến Chân Mây vượt qua cửa Tư Hiền men theo bờ biển kéo đến cửa Thuận An, thành phố Huế.

Tại tỉnh Quảng Nam, khi cầu Cửa Đại hoàn thành sẽ nối đường ven biển từ Đà Nẵng đến tận Chu Lai. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã khởi công tuyến đường ven biển nối Cam Ranh với thành phố Nha Trang; còn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2008 đã khởi công giai đoạn 1 tuyến đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh. Theo báo cáo mới nhất của các địa phương, dự kiến khoảng 3-4 năm nữa, tuyến đường đầy tiềm năng chạy dọc ven biển với chiều dài trên 500km sẽ chính thức khớp nối, tạo nên một trục đường quan trọng chạy song song với quốc lộ 1A.

Một tin vui nữa đến với các địa phương trong khu vực khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 7/2011/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ xây dựng tuyến đường cao tốc Huế-Đà Nẵng-Quảng Ngãi-Bình Định; tiếp tục nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ 1A, 49, 49B, 24... nhằm bảo đảm đến năm 2020, năng lực vận tải trong toàn vùng đạt 101 triệu tấn hàng hóa và 185 triệu lượt khách/năm.

Trục giao thông  Đông-Tây

Xương sống của trục giao thông Đông - Tây chính là tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây đã chính thức đi vào hoạt động. Với tổng chiều dài lên đến 1.450km chạy xuyên qua 13 tỉnh, với  25 triệu dân của 4 quốc gia gồm Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam thực sự mở ra cơ hội lớn làm ăn cho cả khu vực. Theo lãnh đạo của Cảng Đà Nẵng cho biết, mặc dù mới ở giai đoạn khởi đầu khai thác, nhưng việc lượng hàng hóa của các nước trên tuyến hành lang qua Cảng Tiên Sa tăng trung bình từ 25-30%/năm cho thấy tương lai rất sáng sủa của trục giao thông tuyến Đông - Tây này.

Bên cạnh đó, trục giao thông Đông-Tây còn có nhiều nhánh rẽ tạo nên những hành lang rất tiềm năng. Điển hình như tuyến hành lang Đà Nẵng - quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng-quốc lộ 14B-14D-Nam Giang là hai nhánh quan trọng của Hành lang Kinh tế Đông-Tây phục vụ hàng quá cảnh của Lào và Đông Bắc Thái qua Cảng Tiên Sa. Hành lang Dung Quất-Tây Nguyên là hành lang kết nối vận tải biển Dung Quất với khu vực Tây Nguyên theo tuyến quốc lộ 24. Hành lang Quy Nhơn-Tây Nguyên là hành lang vận tải quan trọng kết nối Tây Nguyên với cảng biển Quy Nhơn theo tuyến quốc lộ 19.

Với việc hạ tầng giao thông phát triển cân đối theo cả hai trục Bắc-Nam và Đông-Tây và đang hòa mạng toàn khu vực, đó chính là cơ sở quan trọng để thời gian đến vùng đất duyên hải miền Trung sẽ cất cánh đi lên cùng cả nước.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.