Trong những năm qua, công tác quản lý và phát triển đô thị quận Hải Châu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề cơ bản cho kinh tế-xã hội quận phát triển, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường-văn minh-đáng sống.
Trật tự vỉa hè trên các tuyến đường nội thành đã có nhiều chuyển biến rõ nét, bảo đảm đường thông, hè thoáng. TRONG ẢNH: Một đoạn đường Bạch Đằng xanh-sạch-đẹp.
|
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển ngày càng cao, công tác quản lý trật tự đô thị-môi trường vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể như tình trạng xây dựng sai phép, không phép và việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán vẫn còn tái diễn; trật tự an toàn giao thông chưa bảo đảm; cùng với các tồn tại trong bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị đã làm hạn chế trực tiếp chất lượng xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp.
Theo Nghị quyết số 03-NQ/QU của Quận ủy Hải Châu, trong năm 2011 và những năm tiếp theo, tình hình trật tự đô thị-môi trường trên địa bàn quận sẽ được giải quyết cơ bản. Trật tự vỉa hè, mỹ quan đô thị, môi trường có chuyển biến rõ nét, bảo đảm đường thông, hè thoáng; trật tự an toàn giao thông được giữ vững; trật tự xây dựng đi vào nề nếp, từng bước tạo nền tảng vững chắc để hướng đến xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp, văn minh và bền vững.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, hiện nay những khu thu nhập thấp trên địa bàn quận vẫn còn nhếch nhác. Người dân nghèo vẫn còn buôn bán ở vỉa hè. Để giải quyết tình trạng này, quận sẽ cho xây dựng các khu chung cư cao tầng ở các phường Bình Hiên, Bình Thuận, Hải Châu 2... đồng thời hình thành nhiều dự án phức hợp tại các khu vực sân vận động Chi Lăng, đường Hùng Vương, khu Đa Phước… tạo diện mạo đô thị mới khang trang, phục vụ phát triển du lịch-dịch vụ. Việc cấp phép kinh doanh vỉa hè ngoài mục đích giao thông phải đúng nguyên tắc, đúng luật và bảo đảm mỹ quan, môi trường. Nghiên cứu cấp phép sử dụng vỉa hè theo giờ trên một số tuyến đường quy định, đồng thời quan tâm sắp xếp những hộ nghèo đang sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh một cách hợp lý, bảo đảm trật tự, cảnh quan đô thị và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, quận tiếp tục chỉ đạo Phòng Quản lý đất đai, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận, phường tăng cường công tác quản lý nhằm bảo đảm các công trình xây dựng mới trên địa bàn được thực hiện theo đúng các yêu cầu về quy hoạch và kiến trúc. Nghiêm cấm và xử lý triệt để các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là các trường hợp vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và hành vi xây dựng trên đất không được xây dựng. Song song với việc rà soát, cải tạo nâng cấp, duy tu cống rãnh, quận sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường thành phố xử lý môi trường tại các điểm nóng và những điểm ô nhiễm phát sinh trên địa bàn, đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kinh doanh, dịch vụ không có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ gây ô nhiễm. Tiếp tục xem xét hiện trạng các thùng rác để tiến tới rút dần các thùng rác trên một số tuyến đường trọng điểm và nhạy cảm về mỹ quan đô thị. Triển khai và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại các hộ gia đình, trường học và xây dựng khu dân cư thân thiện với môi trường.
Bà Lê Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho rằng, hiện nay việc đặt thùng rác ở một số khu dân cư vẫn còn bất cập. Để khắc phục điều này, nhân viên môi trường đô thị cần phải thu gom rác đúng giờ quy định để tạo thói quen cho người dân. Bà Hằng cũng đề xuất nên thu gom rác 2 lần/ngày vì sau buổi trưa số lượng rác tồn đọng rất lớn và nếu không được thu gom kịp thời sẽ gây ô nhiễm tại khu dân cư. Việc đặt để và tiến tới rút dần các thùng rác trên một số tuyến đường trọng điểm cũng cần phải có văn bản thống nhất của các tổ dân phố, tránh tình trạng đẩy qua đẩy lại gây mất đoàn kết trong nhân dân nếu không đặt đúng chỗ. Trong thời gian tới, phường cũng tiến hành trồng thí điểm các loại rau xanh, cây ngắn ngày... trên các lô đất trống và giao cho Đoàn Thanh niên chăm sóc, quản lý. Rau xanh sau khi thu hoạch sẽ được cung cấp cho các hộ nghèo. Nếu mô hình này thành công, phường sẽ tiếp tục nhân rộng tại các lô đất trống còn lại nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần giúp các hộ nghèo cải thiện đời sống.
Theo ông Lê Anh, để thực hiện tốt công tác quản lý trật tự đô thị-môi trường, cần có thời gian để chuyển biến nhận thức của người dân. Khó khăn hiện nay đối với các địa phương là số người nghèo vẫn còn khá đông nên họ bất chấp những quy định của pháp luật để chiếm dụng lòng đường, vỉa hè buôn bán. Đặc biệt, đa số những trường hợp này đều có trình độ học vấn thấp, ý thức kém. Vì vậy, trước hết cần thực hiện tốt việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức về văn hóa, văn minh đô thị, ý thức chấp hành pháp luật trong nhà trường và các khu dân cư, tiến đến việc chấp hành pháp luật về trật tự đô thị-môi trường trở thành một nét văn hóa trong đời sống xã hội.
Bài và ảnh: GIA HUY