Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Qua 10 năm triển khai thực hiện, thành phố Đà Nẵng đã và đang làm được những gì? Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH MINH NHƠN (ảnh), Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố xung quanh vấn đề này.
* P.V: Thưa ông, sau 10 năm triển khai thực hiện Ngày Gia đình Việt Nam, thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả như thế nào về xây dựng gia đình văn hóa trong cộng đồng dân cư?
- Ông Huỳnh Minh Nhơn: Qua 10 năm triển khai thực hiện, thành phố đã xây dựng được mô hình xây dựng Gia đình văn hóa, hằng năm đã phát động đăng ký thi đua và cuối năm tổ chức quy trình bình xét từ khu dân cư, thôn, tổ dân phố theo nguyên tắc công khai, dân chủ, bình đẳng. Qua phong trào, đã tạo cho người dân ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, đoàn kết xóm giềng… góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp. Thành phố đã tập trung hỗ trợ các gia đình bằng các chương trình, dự án nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, nhân rộng các mô hình kinh tế hộ tiên tiến, thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; quan tâm tới các hộ gia đình nghèo, các hộ khó khăn do chuyển đổi chỗ ở, ngành nghề lao động, sản xuất trong quá trình chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng và các hộ trong vùng quy hoạch mới; triển khai và mở rộng các loại hình an sinh xã hội để nâng cao năng lực tự chủ của mỗi gia đình, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm - ma túy, bước đầu đã kiềm chế được sự phát sinh tệ nạn mại dâm, ma túy tại cộng đồng dân cư. Các hội, đoàn thể đã tổ chức nhiều phong trào thiết thực như: “Gia đình hội viên phụ nữ không có người vi phạm an toàn giao thông”, “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”; duy trì và phát triển đội hình thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội… đã góp phần tăng tỷ lệ gia đình không bị các tệ nạn xã hội xâm nhập.
* P.V: Với tư cách là cơ quan tham mưu, hướng dẫn xây dựng các giá trị tích cực Gia đình tại thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã có những hoạt động gì để đưa ra những giải pháp bền vững trong việc xây dựng Gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
- Ông Huỳnh Minh Nhơn: Trong những năm qua, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo chính quyền thành phố tổ chức các hội thảo về gia đình với nội dung: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”, “Xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH”, “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam”; Hội nghị biểu dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất - năm 2007... Các cuộc hội thảo, hội nghị đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp cho hệ thống giải pháp đẩy mạnh công tác gia đình trong thời gian sắp tới, đồng thời định hướng xã hội và nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về gia đình. Tổ chức các Hội thi với chủ đề: “Gia đình văn hóa”, “Gia đình thành đạt”, “Gia đình thể thao”, “Gia đình điểm 10”, “Cán bộ nữ công giỏi”, “Nấu ăn ngày chủ nhật”... thu hút hàng ngàn người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của gia đình, làm cho các thành viên trong gia đình gắn kết, quan tâm, giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Một gia đình tham gia Hội thi Gia đình văn hóa ở quận Hải Châu. |
Toàn thành phố đã tổ chức được 2.462 buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, diễn đàn giao lưu cho hơn 200 ngàn lượt người tham dự về các nội dung: Dân số-KHHGĐ; chăm sóc sức khỏe sinh sản; các biện pháp tránh thai; chống bạo lực gia đình; chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội, tội phạm trong gia đình; giáo dục, nuôi dạy con; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc... Tại cơ sở đã tổ chức được 2.277 tổ hòa giải với 8.075 hòa giải viên, đã hòa giải, ngăn chặn và xử lý các mâu thuẫn vợ chồng; các vấn đề liên quan đến hôn nhân; các vấn đề mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình...
Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình trên địa bàn thành phố đã được nâng lên; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa ngày càng cao: Năm 2001 là 61,7%; năm 2005 là 82%; năm 2009 là 88,1%. Năm 2010, toàn thành phố có 182.864 hộ gia đình, trong đó số hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh chiếm 91%. Trong mỗi gia đình, người già và trẻ em đã được chăm sóc tốt hơn. Các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được các ngành, các địa phương quan tâm chăm sóc; nhất là đối tượng trẻ em bị khuyết tật, hằng năm đã được khám sức khỏe, tư vấn cách chăm sóc, phục hồi chức năng và phẫu thuật.
* P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng Gia đình Văn hóa ở thành phố Đà Nẵng còn những vấn đề gì cần giải quyết trong thời gian đến, thưa ông?
- Ông Huỳnh Minh Nhơn: Sự phân hóa giàu nghèo đang có chiều hướng ngày một gia tăng; tình trạng chung sống như vợ chồng, quan hệ tình dục, nạo phá thai trước hôn nhân, tình trạng ly hôn, ly thân đang là vấn đề xã hội cần quan tâm. Mặc dù tỷ lệ ly hôn, ly thân của thành phố thấp hơn so với toàn quốc, song xu hướng ly hôn gia tăng là rõ ràng và số lượng các vụ ly hôn cũng tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì có nhiều, nhưng chủ yếu là mâu thuẫn gia đình. Ly hôn gia tăng đã đe dọa đến sự bền vững vốn có của gia đình và ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên, nhất là trẻ em.
Việc chăm sóc người cao tuổi ngày một đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Số hộ gia đình có người già từ 60 tuổi trở lên năm 2009 là 46.551 hộ, năm 2010 là 47.857 hộ. Sự khác biệt giữa các thế hệ về lối sống, cách suy nghĩ dẫn đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi trong các gia đình đang đặt ra nhiều thách thức mới.
Ở nhiều nơi, bạo lực, bạo hành trong gia đình vẫn xảy ra. Quá trình CNH, HĐH, đô thị hóa và hội nhập tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức.
Xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế-xã hội, trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền để tiếp tục thực hiện tốt công tác gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; nhằm từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình “Ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” trên địa bàn thành phố. Nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến; thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với gia đình đối tượng chính sách, gia đình dân tộc ít người, gia đình neo đơn... Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác gia đình các cấp. Tăng cường ngân sách Nhà nước các cấp và các nguồn khác, bảo đảm đủ kinh phí thực hiện công tác gia đình.
* P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
VĂN NỞ (Thực hiện)