.

Một nghề khó

Thấy tôi cầm thẻ tác nghiệp các đêm thi bắn pháo hoa quốc tế, mấy đứa bé trầm trồ và thầm mơ sau này cũng trở thành nhà báo để được… vào chơi không tốn tiền vé trong những hoạt động văn hóa lớn. Tôi nhớ có một lần thầy giáo hỏi lý do sinh viên chọn ngành báo chí, phần lớn lớp tôi cũng thể hiện ước mong như các em, là vì tương lai sẽ được đi nhiều, tiếp xúc nhiều con người, sự kiện. Mấy đứa bé hồn nhiên không biết rằng, chỉ sau đêm khai mạc pháo hoa, cô đồng nghiệp trẻ của tôi đã nhắn tin: “Em kiệt sức rồi. Đêm cuối cùng chắc không làm nổi nữa”.

Hồi trả lời thầy, chúng tôi không nghĩ đến một điều, làm báo đâu chỉ đi những nơi mình thích, gặp những con người mình mến, chẳng phải lúc nào phía cuối điểm đến cũng là niềm hân hoan đón chào. Những “nhà báo” choai choai như chúng tôi chỉ qua vài năm “thử lửa”, đã sụt cân, giảm ký, bởi đi, đi và đi. Bạn đi bất kể thời tiết, có khi trời càng xấu càng… hay. Ngày ấm đầu cảm sốt hay bầu bì khó ở, chẳng ai cấm bạn ở nhà, nhưng muốn sống phải… đi. Đã làm cái nghề “xin ông cho biết”, “xin bà cho hay”, thì luôn phải gặp gỡ bất kể ai và nói cho đến hồi nào ra thông tin mới thôi, đó là tất cả những gì cần làm cho một bài báo.

Một bậc đàn anh trong nghề đã từng tâm sự: Làm báo là tham gia cuộc đua đường trường. Chẳng thể nói trước ta sẽ đuối lúc nào hay tăng tốc lúc nào, nên đừng vội nản chí mà cũng đừng tự mãn. Người mới làm báo như tôi, chưa đủ sự trải nghiệm để đúc kết được điều này. Tôi chỉ thấy với mỗi ngày mới, mỗi đề tài mới là một thử thách thực sự. Không có trọng tài, không tiếng hú còi mà mình phải chạy cật lực. Bắt đầu cho từng bài viết bao giờ cũng là con số 0, để rồi chỉ có sự bỏ công tìm tòi mới mang về… nhuận bút. Viết về vấn đề lạ, càng phải đi lại từ đầu trong tất cả các khâu khai thác thông tin. Viết cái càng quen, càng khó, nếu không muốn làm nhà báo thuộc báo cáo ngành như nắm lý lịch bản thân.

Nhà báo không cao siêu hơn bất kỳ “nhà” nào để vỗ ngực khen mình phải học nhiều hơn kẻ khác. Nhưng do đặc thù của báo chí lấy cuộc sống làm chất liệu, nên sự học luôn diễn ra từng khoảnh khắc. Trong các bài học, cái tôi cảm thấy khó khăn nhất là biết cân bằng cảm xúc. Một bài báo có sự thổn thức của người viết sẽ lay động độc giả. Cái gì xuất phát chân thành từ trái tim sẽ chạm được đến trái tim. Thiếu “cái tình”, khó có những bài báo hay. Nhưng mục đích cuối cùng của báo chí là cung cấp thông tin thật, nên có khi chính cảm xúc lại là tấm màn che mờ lý trí.
 
Cách đây vài năm, tôi gặp một nhân vật bị dị tật đặc biệt. Người này đã sống triền miên gần 60 năm trong “chuồng”. Gia đình tỏ ra rất bức xúc vì cho rằng người thân của họ là nạn nhân chất độc da cam, nhưng không nhận được các hỗ trợ thích đáng. Thật khó cầm lòng trước một số phận bất hạnh, tôi lập tức triển khai bài viết như thể đòi công lý cho nạn nhân này. Đến khi gặp người của cơ quan chức năng, tôi được phân tích thời điểm nhân vật ra đời, Mỹ chưa rải chất độc hóa học tại Việt Nam thì làm sao có sự liên quan giữa căn bệnh bẩm sinh và hậu quả hóa chất! Đúng là trước những hoàn cảnh đáng thương, con người hay để tình cảm chi phối hơn là phản biện để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan.

Viết báo thật khó. Xong một bài, thở phào. Tiếp bài khác, lại... khó thở. Nhưng thú thực tôi cảm ơn nghề đã cho mình sự trải nghiệm tuyệt vời. Đôi lúc tôi thầm nghĩ, nếu mình làm một công việc khác nào đó như… bán báo chẳng hạn, liệu có được sống trong những cung bậc “nghẹt thở thú vị” này không? Vì điều này mà chúng tôi vẫn đang tiếp tục bước trên con đường chưa bao giờ dễ dàng mở lối.

THU HOA
;
.
.
.
.
.