“Điện thoại không được, đến nhà không xong, tìm các cháu thanh-thiếu niên hư cứ như chơi trò trốn tìm. Nếu không kiên trì, thuyết phục thì khó lắm...”, một cựu chiến binh ở phường Xuân Hà bộc bạch.
Lê Văn Khôi thăm và trò chuyện với cựu chiến binh Huỳnh Ngọc Kim (ngồi cạnh), người đã giúp đỡ, cảm hóa em.
|
Trước hết hãy là người bạn...
Lê Văn Khôi (19 tuổi, ở tổ 46, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) với nhiều “thành tích” bất hảo, khiến hàng xóm ai cũng dè chừng. Hoàn cảnh Khôi cũng tội nghiệp: Mẹ chết khi em mới một tuổi, ba em một mình nuôi 7 anh em Khôi khôn lớn. Rồi ba đi bước nữa, Khôi lại có thêm hai người em cùng cha khác mẹ, gánh nặng gia đình càng thêm chồng chất lên đôi vai của ba. Ngày ngày, ba em tất bật chạy xe thồ kiếm cơm nuôi đàn con và người vợ trẻ, anh em Khôi lớn lên như cỏ dại. Thiếu sự định hướng, nghe bạn xấu rủ rê khiến Khôi bỏ học từ lớp 7, đi chơi bời, tụ tập bạn bè đánh nhau… Khi được giao nhiệm vụ giúp đỡ Khôi, không ít người còn rụt rè thì cựu chiến binh Huỳnh Ngọc Kim (tổ 46) đã mạnh dạn: “Cứ để đó cho tôi”.
Vì hiểu và thương hoàn cảnh của Khôi, ông Kim đã nhận nhưng vẫn có chút lo lắng trong lòng. Để ý thấy Khôi hay tụ tập với đám bạn giang hồ ở một quán cà-phê trên đường Trần Cao Vân, ông Kim đến ngồi xuống cùng trò chuyện, cùng ăn với chúng trong sự ngạc nhiên của chủ quán. Sau khi đã quen thân, ông mới dùng lý lẽ để thuyết phục. Sau đó, ông lại thường xuyên điện thoại hỏi han xem chúng đang làm gì, có khó khăn gì, cần gì… như những người bạn thực sự, lúc lại cho vài chục ngàn mua thuốc cho ba, mua kẹo cho em. Bọn trẻ ngạc nhiên quá đỗi bởi lần đầu tiên có một người “lạ hoắc” cho chúng tiền, quan tâm đến chúng còn hơn cả ba mẹ. Rồi chúng trở thành “tay chân” mật báo với ông Kim rằng đứa này ăn cắp, đứa kia đánh nhau, chưa ngoan… Lê Văn Khôi giờ đã thành một chàng thợ hồ rắn rỏi và đã lấy vợ, sinh con. Gặp tôi, Khôi khoe: “Giờ em nghe lời bác Kim, đã bỏ đi chơi rông để đi làm, một tháng được 3 triệu đó, đủ nuôi vợ con”.
Còn Nguyễn Sơn (ở tổ 45, phường Xuân Hà) cũng là một đối tượng có bề dày “thành tích” về quậy phá, đánh nhau. Lúc đầu, các bác cựu chiến binh cũng phải rất vất vả bởi cứ đến nhà là Sơn tỏ ra hung hăng, nói những lời lẽ thô tục. Đến giờ, Sơn cũng đã chăm chỉ làm ăn, không còn gây sự như trước nữa. Lại phải kể thêm một trường hợp là Nguyễn Hùng Chung (17 tuổi, ở phường Xuân Hà). Nhà có hai chị em, ba mất sớm, một mình mẹ bị tàn tật nhưng phải làm đủ nghề: Giữ trẻ, bán rau để kiếm tiền nuôi con. Quậy phá, nghỉ học từ năm lớp 9, Chung gia nhập vào “đội quân” lấy đường là nhà. Đến giờ, gặp tôi, Chung bảo em đã xin được công việc bốc vác ở Công ty TNHH Lê Thịnh với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng để đỡ dần cho mẹ. Hỏi có còn theo đám bạn xấu nữa không, Chung lắc đầu quầy quậy: “Xưa rồi chị, giờ em chỉ lo làm ăn thôi, nhờ các bác cựu chiến binh, em đã hiểu ra rồi, phải biết lo cho tương lai của mình”.
Phải từ tình thương
Trò chuyện với tôi, cựu chiến binh Huỳnh Ngọc Kim bộc bạch: “Muốn thuyết phục được bọn trẻ, trước hết mình phải thương, đồng cảm với hoàn cảnh của chúng. Cựu chiến binh chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền họp giáo dục đối tượng, quan trọng nhất là phải kêu gọi được sự chung tay của gia đình các em, chính nơi mà các em bị bỏ mặc, thì hiệu quả mới cao”. Vốn là bộ đội đặc công thuộc đơn vị K36 khu đông Hòa Vang, nguyên Trưởng đồn Công an phường Xuân Hà, và giờ tham gia vào công tác giáo dục thanh-thiếu niên hư của phường, ông Kim có khá nhiều kinh nghiệm. Các cựu chiến binh gọi việc làm này là vì thế hệ trẻ, mặc cho có người dè bỉu: “Đúng là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Với mức hỗ trợ hơn 200 ngàn đồng mỗi tháng (gần đây mới có khoản trợ cấp này-P.V), chỉ đủ tiền đổ xăng và... mua kẹo đãi các cháu, nhưng các bác cựu chiến binh phường Xuân Hà vẫn dốc hết sức với nhiệm vụ của mình.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Xuân Hà Nguyễn Đăng Điền cho biết: Chỉ tính riêng mấy năm gần đây, đã có hàng chục cháu được cảm hóa và tiến bộ, có cháu đi học lại, có cháu tìm được việc làm có ích cho xã hội. Vừa qua, Hội đã xin cho em Trần Minh (tổ 23) một chiếc xe đạp trị giá 1,2 triệu đồng để em có phương tiện đi lại.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ