.

Người đi tìm hình của nước

.

Sau 100 năm kể từ lúc Bác Hồ ra đi tìm hình của nước, hôm nay đất nước đã có độc lập, tự do. Dưới ánh sáng Đại hội XI của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang sôi nổi đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Một trăm năm sau cuộc ra đi tìm đường cứu nước độc nhất vô nhị, trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay, chúng ta học được gì từ Hồ Chí Minh?

100 năm trước, “đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi”. Đó là cuộc ra đi với ý chí cách mạng và tinh thần khoa học để cho Tổ quốc và dân tộc hồi sinh.

 

Mô tả ảnh.
Bến cảng Sài Gòn  - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh tư liệu)

 

Tổ quốc bị xâm lăng, nước mất độc lập, dân nô lệ lầm than, nhân dân Việt Nam mang nhiều tâm trạng khác nhau trước một kẻ thù mới là chủ nghĩa đế quốc có tàu đồng súng lớn. Không loại trừ tư duy “bế quan tỏa cảng” hay một bộ phận sợ Pháp, sợ nền văn minh phương Tây, có một bộ phận quyết tổ chức lực lượng, thủ hiểm vùng rừng núi hiểm trở, chờ quân xâm lược đến để tiêu diệt chúng. Đó là một tư duy còn nặng cốt cách phong kiến. Còn lại - như Hồ Chí Minh tổng kết - “đại bộ phận nhân dân Việt Nam, trong đó có cả ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ” . Trước tình hình đó, Người thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ; muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, sẽ trở về giúp đồng bào.

Hành động của Hồ Chí Minh cho ta một bài học quý về tư duy cách mạng, tức là đủ trí tuệ và bản lĩnh thay cũ đổi mới, thay xấu đổi tốt. Người không chấp nhận tầm nhìn hạn hẹp theo tư duy cũ, cách làm cũ của những người đi trước thuộc thế hệ bậc cha chú. Người khâm phục và tán thành mục tiêu giành độc lập dân tộc của họ, nhưng không chấp nhận đi theo con đường mòn. Trước khi trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp, Nguyễn Ái Quốc đã có tư duy của một nhà khoa học. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân thất bại của những người đi trước và các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người hiểu rõ rằng các phong trào đó không giành được thắng lợi vì khi thế giới đã thay đổi, kẻ thù hơn hẳn chúng ta một phương thức sản xuất, nhưng thủ lĩnh của các phong trào đó vẫn khư khư sử dụng “vũ khí” cũ đã lỗi thời và bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử là tư tưởng tư sản và phong kiến; vẫn hành động theo cách cũ là cầu viện, dựa vào Pháp, thực tế hơn như Hoàng Hoa Thám thì cũng chỉ đào hào đắp lũy chờ giặc đến.

Chất lượng cách mạng trong tư duy Hồ Chí Minh là khi tình hình đã thay đổi, chỉ có lòng yêu nước, căm thù xâm lược và khát vọng độc lập không thôi thì vẫn chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Phải có những vũ khí mới mang chất lượng khoa học phù hợp với diễn biến của thời đại. Muốn vậy, không thể ngồi một chỗ, ở trong nước, mà phải đi ra nước ngoài khám phá, tìm hiểu, học tập các nước họ làm thế nào rồi mới tìm ra cách thức, con đường riêng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc.

Bài học về trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh là “một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì”(Trả lời phỏng vấn báo Frères D’armes). Không sợ văn minh phương Tây, ngược lại Người quyết định “vào hang cọp để bắt cọp”, học chữ Pháp để đánh Pháp. Người đến tận hang ổ của kẻ thù, khai thác văn minh của nước có bọn thực dân đang áp bức, bóc lột nhân dân mình, biến văn minh đó thành vũ khí để chống lại quân xâm lược. Trần Dân Tiên kể lại rằng Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều cuộc đi du lịch, nhưng đó là đi để học, tìm hiểu muốn biết các nước ấy tổ chức và cai trị như thế nào. Và Người đã bắt đầu học tổ chức từ phương Tây. Người phương Tây nhận xét “ông Hồ đã dùng tới nền văn hóa và tâm hồn của kẻ thù của ông”.

 

Mô tả ảnh.
Bìa sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, viết bằng tiếng Pháp từ năm 1921, xuất bản lần đầu tiên ở Pháp năm 1925. (Ảnh tư liệu)

Trên cái nền quốc học vững chắc với các kiến thức về sử học, văn học, triết học, Nguyễn Ái Quốc tự tôi luyện những lý tưởng cách mạng, tiến bộ, tự do, dân chủ ở phương Tây; tự đào luyện và trưởng thành ở châu Âu, nhất là những năm tháng ở Pháp với tinh thần thực học, thực nghiệp. Người thâm nhập phương Tây, nơi lấy lý tính và khoa học làm tiêu chuẩn chân lý, một cách dễ dàng, tự nhiên mà không mất gốc. Thật kỳ lạ, Hồ Chí Minh là con người hiện thân cho cuộc đấu tranh một mất một còn chống thực dân phương Tây xâm lược, lại rất gần văn hóa phương Tây.

 

Tấm gương Hồ Chí Minh ra đi 100 năm trước cho ta một nhận thức sáng giá về văn hóa. Văn hóa không bao giờ là bất biến mà là sự tiếp biến. Văn hóa là cái bình thông nhau. Nói tới văn hóa là nói tới  sự khác nhau với ý nghĩa là đặc trưng, bản sắc, là cái thẻ căn cước, không bao giờ là sự hơn kém. Văn hóa không thể và không bao giờ “Đông là Đông, Tây là Tây, không bao giờ gặp nhau” như lời tiên tri thấm nhuần chất huyền thoại của một trí thức người Anh là Ki-plinh. Ngược lại, như Hồ Chí Minh nhận xét “văn hóa Việt Nam là văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại”. Khổng giáo đã đưa lại cho Nguyễn Ái Quốc một số yếu tố sau này phù hợp với sự lựa chọn mácxít như chủ nghĩa duy lý, niềm tin vào giáo dục cải tạo con người, sự đề cao đạo đức xã hội và thực tiễn… Khi viết về Đông Dương, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhận xét rằng “châu Á thời đại Khổng Tử với chế độ tỉnh điền, chế độ lao động bắt buộc, thuyết đại đồng và sự bình đẳng về tài sản… sẽ cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng hơn là ở châu Âu”.

100 năm trước, với dân tộc Việt Nam, chỉ một mình Hồ Chí Minh làm được điều huyền thoại là hội nhập vào thế giới tư bản, tiếp biến văn hóa và tìm được hình của nước. Ngày nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Bài học quý giá của Hồ Chí Minh giúp ta hành động có chất lượng khoa học và cách mạng, tức là có cái gì tốt của Đông phương và Tây phương thì ta phải học lấy để làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Theo tinh thần của Lênin và tấm gương Hồ Chí Minh, chúng ta phải biết sử dụng chủ nghĩa tư bản làm lợi cho chủ nghĩa xã hội, khai thác văn minh nhân loại, mà trước hết và hàng đầu là khoa học công nghệ để tiếp sức cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, phục vụ cho công cuộc đổi mới.

100 năm trước, Bác Hồ mang theo chủ nghĩa yêu nước là yếu tố có trọng lượng nhất trong hành trang ra đi tìm đường cứu nước để thực hiện mục đích giải phóng dân tộc, xóa nỗi nhục nô lệ. Ngày nay chúng ta phải nâng cao chủ nghĩa yêu nước thành chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa để xóa nỗi nhục nghèo nàn lạc hậu. Lúc ra đi, Bác căm thù bọn đế quốc xâm lược và quyết tâm chiến đấu để quét sạch nó đi. Ngày nay, mỗi người Việt Nam phải có thái độ cách mạng chống lại các thế lực thù địch và các lực cản trên con đường phát triển của dân tộc. 100 năm trước, Bác mang theo khát vọng cháy bỏng là giành độc lập dân tộc. Ngày nay, chúng ta phải luôn luôn nung nấu mục tiêu xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.           

THẾ QUÂN

;
.
.
.
.
.