Trong quãng đời bôn ba ở hải ngoại tìm kiếm chân lý để cứu nguy cho đất nước, bên cạnh việc tiếp thu học thuyết Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc còn có một thành công hết sức quan trọng là biến báo chí thành một lợi khí hàng đầu trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu giải phóng dân tộc.
Tranh châm biếm do Nguyễn Ái Quốc vẽ đăng trên Báo Người cùng khổ tố cáo chế độ thực dân và cuộc sống khổ cực của nhân dân Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
Ngay từ tháng 6-1919, trong Yêu sách 8 điểm gửi đến Hội nghị Versailles cùng Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và đoàn đại biểu các nước tham dự Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, mà trước hết là tự do báo chí, tự do ngôn luận. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc luôn sử dụng báo chí như một vũ khí tuyên truyền cách mạng, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, vạch trần sự áp bức, bóc lột và đàn áp dã man của chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa.
Lấy báo chí làm công cụ đấu tranh, người viết báo ngay từ đầu phải chấp nhận đương đầu với nguy cơ mất tự do của bản thân. Đó là điều Nguyễn Ái Quốc nhận thức rất rõ. Thế nhưng, những phản ứng mạnh mẽ của các thế lực thực dân cùng sự kiểm tra gắt gao nhiều lần của Bộ Thuộc địa Pháp vẫn không hề khiến Nguyễn Ái Quốc run sợ; và Người lần lượt thản nhiên vượt qua mọi sự thẩm vấn của thực dân Pháp cũng như các cuộc diện kiến với đích thân Bộ trưởng A. Sarraut hay P. Pasquier.
Ngay trên lãnh thổ của Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã dùng báo chí để làm cho nước Pháp, nhân dân Pháp biết rõ những việc tồi tệ xảy ra ở các thuộc địa; giúp cho người Pháp chân chính hiểu rõ bè lũ thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây tội ác và trục lợi cho mình. Các bài báo của Nguyễn Ái Quốc luôn giàu chất liệu sống thực tế và chứng cứ xã hội, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về Đông Dương và các xứ thuộc địa, lên án nạn phân biệt chủng tộc, sự “khai hóa giết người”, tâm địa xấu xa và những tội ác tày trời của thực dân cũng như tình cảnh thê thảm của người dân Việt Nam.
Bên cạnh việc phơi bày thực tế xã hội, Nguyễn Ái Quốc còn dùng báo chí nhằm tuyên truyền những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười, bảo vệ Quốc tế Cộng sản trước sự xuyên tạc và phá hoại của thế lực thù địch. Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc cũng góp phần giúp nước Pháp và nhân loại hiểu biết rõ hơn bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp và nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam cùng các thuộc địa; từ đó, đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc, nhất là tờ Le Paria (Người cùng khổ) luôn làm chính quyền Pháp lo ngại, nên hoạt động báo chí của Người thường xuyên bị chính quyền thực dân đặt trong tình trạng kiểm soát kỹ lưỡng, theo dõi sát sao. Thậm chí, theo lệnh của chính quyền Pháp, báo chí tay sai ở thuộc địa còn mở một chiến dịch tấn công Báo Le Paria hòng hạ thấp uy tín của Nguyễn Ái Quốc.
Tất cả những chướng ngại trên đều không ngăn cản được quyết tâm dấn thân của nhà báo cách mạng, và các bài viết của Nguyễn Ái Quốc vẫn cứ lần lượt xuất hiện trên các báo công khai. Trong khoảng thời gian hoạt động từ 1919-1924, số lượng các bài báo của Nguyễn Ái Quốc phân bố cụ thể như sau: 1919: 4 bài, 1920: 2 bài, 1921: 11 bài, 1922: 27 bài, 1923: 35 bài, 1924: 60 bài (Hà Minh Đức, Sự nghiệp báo chí và văn học của Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr. 39-40).
Ngày 21-6-1925, tại Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã khai sinh tờ báo mang tên Thanh Niên, là cơ quan ngôn luận của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chính thức xác lập sự hiện diện của báo chí cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo học thuyết Mác-Lênin và tư duy của Nguyễn Ái Quốc.
Từ việc sử dụng báo chí công khai tại xứ người để tố cáo tội ác của thực dân và đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nhân dân mình, đến việc lập nên tờ báo của cách mạng để phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là một khoảng thời gian không dài. Song với 5 năm thể hiện chính kiến cách mạng của mình qua các bài báo công khai, thường xuyên đối phó với sự trấn áp, đe dọa, kiểm soát và cả sự bôi nhọ thanh danh từ phía chính quyền thực dân; ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc vẫn tỏ ra không hề run rẩy, sợ hãi, chùn bước trước những hiểm họa luôn sẵn sàng giáng xuống, hay tỏ ra mềm yếu trước những vuốt ve mua chuộc của nhà cầm quyền.
Cách thể hiện của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian sống trên đất Pháp cho thấy cái “dũng” của một nhà báo dám dấn thân vào cuộc đấu tranh vì mưu cầu lợi ích cho dân tộc. Chính quyết định dấn thân đến cùng cho sự nghiệp cứu nguy dân tộc đã giúp Nguyễn Ái Quốc có đủ dũng khí để vượt qua mọi kiềm tỏa, răn đe của đối phương.
Nhà báo và sự dấn thân là một khái niệm đồng nhất, mà Nguyễn Ái Quốc là một tấm gương thực tế. Sự đồng nhất đó đã giúp Người trở thành cây bút khiến kẻ thù luôn hãi sợ, được lẽ phải và công lý tin yêu và mến mộ, đồng thời là minh chứng hùng hồn về sự đóng góp thiết thực của báo chí cho sự nghiệp tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN