.

Nhớ mãi hai tiếng “Nhà báo”

Thời chống Mỹ, trong hoàn cảnh chiến trường Khu 5 và Quảng Đà nói riêng vô cùng gian khổ, ác liệt, đội quân Làng Tuyên đông đảo và đủ các binh chủng. Huấn học và trường Đảng lo công tác tư tưởng trong Đảng và đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Tuyên truyền lo phát động quần chúng. Và không thiếu các bộ phận đúng bài bản của guồng máy công tác trong lĩnh vực này. Thông tấn xã, báo chí, văn nghệ (chủ yếu là lực lượng sáng tác) và văn công, điện ảnh (có khi chỉ hoạt động chiếu bóng) rồi các đơn vị phục vụ như nhà in, điện đài, văn phòng…

Cách mạng miền Nam ai làm nấy biết, mọi cán bộ Tuyên huấn đều được gọi chung là cán bộ. Riêng những người trong các bộ phận Thông tấn xã, báo chí, văn nghệ có tên gọi riêng các nhà báo.

Mặc dù chúng tôi luôn giữ nguyên tắc bí mật không bao giờ nói cơ quan mình là tòa soạn báo nhưng khi đi công tác làm việc với các cấp ủy, các đơn vị thường vẫn được giới thiệu là nhà báo.

Cán bộ gọi như thế. Dân ai biết được cũng gọi theo như thế. Anh chị em cơ sở ở thành phố ra cũng gọi như thế. Mà nhiều người trong họ nào có biết tờ báo hình thù như thế nào.

Trong con mắt của anh em cán bộ và những người dân lúc ấy nhà báo cũng là những cán bộ chan hòa trong nhân dân. Khác chăng là mấy anh chị này hay hỏi đủ thứ chuyện, lắng nghe và hý hoáy ghi chép, gặp một dũng sĩ diệt Mỹ, một chiến sĩ đấu tranh chính trị, một sinh viên đang hoạt động ở nội thành mấy nhà báo mừng hơn bắt được vàng và tìm mọi cách tận lực khai thác. Rủ ra bên một bụi tre gần công sự mật trong lúc chờ địch càn, ngồi tâm sự ở bên bờ suối khi gặp nhau ở căn cứ.

Các anh chị nhà báo là người nhiều chữ nghĩa có thể đặt nhanh mấy câu ca dao, kiểu như:

Đói lòng ăn mấy trái sung
Còn hơn ở trại tập trung An Hòa,
Ta về ta ở vườn ta
Ôm cây cột cháy cũng là thơm danh
Hay viết nhanh bài rao loa cho đội công tác binh vận.

Các anh chị nhà báo vì vậy thường được nhờ cậy khi cần viết lách, cần phát biểu có bài bản.
Trong những ngày cuối của cuộc đời chiến đấu vô cùng đẹp đẽ của mình, ở Xuyên Phú, Chu Cẩm Phong tự giới thiệu (có giấy hẳn hoi) là nhà báo ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 và cán bộ, du kích, người dân nơi ấy đều biết anh là nhà báo.

Ngày 19-4-1971, khi nghe chị Năm Hử, Phó Bí thư xã báo, đêm qua địch cho lính bôi mặt giả quân Nam Hàn, giả nói tiếng Mỹ lơ lớ để dọa dân. Chiều nay chúng gom dân ở khu tập trung An Hòa làm mít-tinh, chúng phao tin lính Nam Hàn đóng dày ở gần đây sẽ giết hết dân vùng giải phóng, bắt dân vào sâu hơn trong vùng nó. Chu Cẩm Phong bàn phải viết bài rao loa giải thích cho dân và trấn áp bọn tâm lý chiến. Bí thư xã cũng có tên là Phong tán thành ngay và không rào đón, khách sáo, anh nói với Chu Cẩm Phong: “Anh viết dùm ngay bây giờ cho kịp đưa đội loa đi công tác”. Thế là Phong giở sổ viết liền trên bờ ruộng.

Khi một người cùng bị khui hầm, truy diệt với Phong chạy thoát, tìm về gặp ông già Hường, ông già đã thức nói chuyện với Phong đêm trước và lui cui ra vườn hái mấy lá thuốc thiệt ngon cho Phong, ông hỏi liền: Thế ông nhà báo? Khi nghe nói chết rồi, ông buông mấy tiếng tội nghiệp ngắn ngủi, đau đớn. Chính ông đã nuốt nước mắt lượm xác anh và các đồng đội, dù đã trương sình, sửa soạn sắp xếp tay chân đâu vào đó, miệng cũng bỏ mấy hạt gạo và lạy anh nhà báo ba lạy.

Ở Đại hội các dân tộc Tây Nguyên 1966, chị Y Một lúc đó đang là cán bộ Phụ nữ tỉnh Kon Tum được phân công phát biểu tham luận về phụ nữ các dân tộc Tây Nguyên trong chống Mỹ và xây dựng cuộc sống. Người phụ nữ rất mạnh dạn và thông minh, có nhiều kinh nghiệm công tác quần chúng ấy rất lo lắng. Chị nhờ anh Y Tlam, một trí thức Êđê vừa bảo vệ luận án tiến sĩ ở Bungari về, sửa chữa bổ sung bài phát biểu mà vẫn không yên tâm. Chị lại nhờ cánh nhà báo. Chúng tôi biết là không thể nói hay hơn được, chỉ thêm bớt đôi chỗ cho cụ thể hơn, trôi chảy hơn. Thế rồi trên diễn đàn Đại hội chị nói vo, không đọc bài viết sẵn, rất tự tin và đầy sức thuyết phục. Đúng là tiếng nói đích thực từ cuộc sống, cuộc chiến đấu của những mẹ, những chị Tây Nguyên.

Tham dự Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà bên bờ sông A Vương năm 1971, chị Võ Thị Tâm, Đặc khu ủy viên, Hội trưởng Phụ nữ, cứ quắn quíu bám mấy nhà báo nhờ góp ý sửa chữa cho tham luận của mình “làm thì khó mấy chúng em cũng làm được nhưng viết thì chúng em chịu”, chúng tôi chia sẻ với chị, dù biết rằng những góp ý và cả sự biên tập của mình cũng không thể nào sống động, có hồn như tiếng nói của người lăn lộn trong cuộc chiến đấu. Đại hội nồng nhiệt hoan nghênh tham luận của chị, chị cứ nghĩ rằng đó là nhờ sự gia công của chúng tôi và cám ơn hoài. Có bao nhiêu của quý đem từ thành thị lên như đường, sữa, cà-phê… chị dành hết cho chúng tôi. Đau đớn thay sau Đại hội chị mới xuống núi ra khỏi ranh thì đã hy sinh.

Các anh nhà văn hình như có một đẳng cấp khác, những người thành danh với các tác phẩm thành công của mình mới được gọi là nhà văn như anh Nguyên Ngọc, nhà thơ như anh Thu Bồn.

Tuy thế các anh ấy vẫn thường được gọi là nhà báo. Chính các anh đã chung sức với anh em báo chí để chiến trường có các tờ báo, nhất là các tạp chí văn nghệ. Bởi chính sự hiện diện của các tờ báo luôn là một dấu hiệu của thế thắng, của sự phát triển cách mạng.

Những ngày trước Tết Mậu Thân ở Gò Nổi để chuẩn bị ra gấp các số báo Xuân của Đà Nẵng và Quảng Đà, chúng tôi mau chóng thống nhất: anh Nguyên Ngọc sẽ viết một cái… một Đường chúng ta đi đầu năm 1968. Thế là ngay trong căn hầm kèo ở thôn Bảo An giữa tiếng gầm rít của đủ loại máy bay và những tiếng nổ chát chúa của bom tọa độ, anh Nguyên Ngọc đã viết và nộp bài “Ra trận mùa xuân này” đúng yêu cầu về thời gian. Đây là bài đinh của tờ Báo Giải phóng Đà Nẵng. Còn tôi thì góp mặt với một tùy bút-xã luận “Hãy nổi bão táp lên đi, ơi Đà Nẵng”.

Nhiều nhà báo thời chống Mỹ còn được tin cậy giao nhiệm vụ giúp các đồng chí lãnh đạo viết thư thảo hịch. Ngày ấy những người lãnh đạo với danh nghĩa Đảng hay Mặt trận Dân tộc giải phóng có bao điều muốn tâm tình, cần kêu gọi, có bao thông điệp phải gửi đến nhân dân, cán bộ, chiến sĩ và cả những người ở trong hàng ngũ địch, mà phương tiện truyền thông thật hạn chế. Người giao liên hay đồng chí cơ sở làm việc trực tiếp đưa thư cũng là hy hữu. Tất cả trông chờ báo và nhất là các đội loa, những tờ truyền đơn rồi từ đó có thể qua làn sóng phát thanh.

Phải chăng những nhà báo là những người cầm bút luôn ở phía trước gần gũi các nhà lãnh đạo nên phải chia sẻ công việc quan trọng ấy.

Một cơ sở cật ruột của anh Hoàng Văn Lai, Thường vụ Đặc khu ủy phụ trách an ninh, không thể trụ bám ở vùng giải phóng Đông Duy Xuyên, đã vào sống trong vùng địch. Anh Lai rất muốn nhắn gửi một điều gì lay động lòng người, trao đổi với anh nhà báo tôi nhớ là anh Triều Phương, hai người đều tâm đắc với mấy câu thơ của Trần Nhật Duật:

Ở với lửa hương cho vẹn kiếp
Thử xem sắt đá có bền gan

Thế là thần thái của bài Bán than cách đây 700 năm đã ra trận đúng như thơ Tố Hữu 40 thế kỷ cùng ta đánh.
Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, anh Hồ Nghinh, một người “Nho cốt cách, Mác tinh thần” cũng đã trao đổi với các anh nhà báo những suy tư của mình về làm sao để người dân chống trả thắng lợi các ngón đòn tâm lý chiến hiểm độc của quân thù. Chính đồng chí đã viết bức tâm thư gửi các bậc phụ lão Duy Hòa với hai câu chữ Hán “lung kê hữu thực oa thang cận, dã hạc vô lương thiên địa khoang”, kích thích ý chí độc lập tự do, thà làm một con hạc tung bay giữa bầu trời rộng rãi chứ nhất định không làm một con gà bị nhốt trong lồng no đầy nhưng nồi nước sôi (cái chết) gần kề.

Bức thư đã đi vào lòng những người đang đau đớn tủi nhục trong kèm kẹp, khơi dậy quyết tâm tháo cũi sổ lồng, vùng lên tự giải phóng.

*

Những ngày ấy ở chiến trường, những người làm báo chúng tôi sẵn sàng làm mọi việc, làm những việc không hề có trong lý luận nghiệp vụ báo chí và người dân, đồng chí, đồng đội thương yêu tin cậy chúng tôi chính là vì chúng tôi sống và chiến đấu như họ, khác chăng là chúng tôi có cây bút và ít nhiều chữ nghĩa, điều mà họ tin có thể giúp họ có thêm sức mạnh để chiến thắng.

Nguyễn Đình An
;
.
.
.
.
.