.

Niềm vui nhỏ của tôi

Trong cuộc đời làm báo của mỗi người chắc hẳn có những kỷ niệm, niềm vui và nguồn hạnh phúc riêng mà khó có thể nào quên được. Đó cũng là sự cảm hứng, lòng đam mê và nhuệ khí giúp người viết hoàn thành tốt nhiệm vụ để có những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống đến với bạn đọc xa gần. Trong đời làm báo của mình, tôi cũng có những niềm vui và nguồn hạnh phúc nhỏ khó quên.

Tôi vẫn còn nhớ, vào một sáng chủ nhật, có một người đàn ông khoảng gần 40 tuổi, nhỏ con, ăn mặc giản dị, đi chiếc xe đạp cà tàng đến nhà tôi. Anh ngập ngừng, giọng nói run run và tự giới thiệu mình tên là Đào Văn Cất, ngư dân ở phường Mân Thái, được ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Thủy sản huyện Hòa Vang (là người quen của tôi) giới thiệu đến nhờ giúp anh một việc. Nghe trình bày của anh, thấy anh là người hiền lành, “thấp cổ, bé họng” và gặp điều oan ức lắm.
 
Anh kể, anh là chủ thuyền đánh bắt hải sản bị một đối tượng lấy cắp ngư lưới cụ nhưng đối tượng lấy cắp không những không bị bắt giữ mà lại còn vu khống, đổ tội cho anh nên buộc Tòa án quận H. đưa ra xét xử. Oái oăm thay, phiên tòa sơ thẩm của Tòa án quận H. lại tuyên chính anh là người thua kiện và kẻ ăn cắp kia là người thắng kiện. Cầm quyết định tuyên án, anh buồn cả tuần lễ và không giấu nỗi oan ức của mình. Anh bảo, mình buồn không chỉ vì bị oan ức, bị thua kiện mà nỗi buồn lớn nhất là dưới con mắt của bà con địa phương, anh là người vi phạm pháp luật, là kẻ trộm cắp đáng khinh ghét.

Nghe lời kể của anh, tôi cảm thông và cũng chưa tin lắm về bản án tuyên không khách quan mà tòa án cấp sơ thẩm đã xử. Qua tiếp xúc với người dân địa phương, tìm hiểu thông tin từ nhiều phía, được biết sự việc theo trình bày của anh Đào Văn Cất là hoàn toàn đúng sự thật. Thế nhưng tôi rất khó xử lý bởi lẽ, qua người quen, tôi mới biết vị Thẩm phán của TAND quận H. là con của một cán bộ ở cùng quê với tôi và ít nhiều cũng là người giúp đỡ cho tôi tá túc ở cơ quan làm việc của bà trong những ngày tôi còn học phổ thông. Tôi rơi vào hoàn cảnh khó xử bởi một bên là người quen, một bên là chân lý và lương tâm của người làm báo. Và chính lương tâm của người làm báo đã thôi thúc tôi viết lên sự thật, dẫu sự thật đó đã làm cho tôi qua những đêm mất ngủ…

Trong mục “Sổ tay phóng viên” của Báo Quảng Nam-Đà Nẵng đăng ở trang đầu, bài của tôi phản ánh về phiên tòa sơ thẩm xét xử sai, gây nỗi oan ức cho người dân của TAND quận H. đã được bạn đọc rất quan tâm. Sau khi báo đăng, tôi đã tìm đến Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ (vốn là bạn học thời phổ thông của tôi) để trình bày và cung cấp thêm các diễn biến và chi tiết của vụ án mà tòa cấp sơ thẩm đã xét xử thiếu khách quan. Không lâu sau, Tòa án Nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng đã mở phiên xét xử phúc thẩm  vụ án này và chính người thua kiện trở thành người thắng kiện, anh Đào Văn Cất đã được tòa cấp trên minh oan…

Sau khi Tòa phúc thẩm tuyên án, anh Cất mừng đến rơi nước mắt. Tôi cũng không giấu nỗi vui mừng và hạnh phúc. Anh tìm đến nhà tôi, nói trong nước mắt: “Nhà báo đã cứu gia đình tôi, giải oan cho tôi” rồi kể lại sự việc. Sau khi Tòa phúc thẩm giải oan cho anh, gia đình và bà con xung quanh xóm xem anh như người hùng, bởi lẽ anh là người xưa nay vốn hiền như cục đất, ăn nói không ra hồn, không quen ai ngoài những người dân làm nghề biển trong xóm nghèo ở phường Mân Thái, ấy vậy mà lại thắng kiện tòa án cấp dưới, lại được lên mặt báo, và sau sự kiện ấy ai cũng nể anh ra mặt. Thế nhưng, ngược lại niềm vui của anh Cất, chính tôi là người gặp “rắc rối” bởi những bạn đọc quá nhiệt tình.
 
Không hiểu anh Cất tuyên truyền như thế nào mà sau đó nhiều người dân ở phường Mân Thái mỗi khi gặp “sự cố” gì đều tìm đến nhà gặp tôi để phản ánh. Bản thân anh Cất cũng vậy, mỗi khi có vấn đề từ chuyện chính quyền, chuyện làng, chuyện nhà, chuyện đất, chuyện vợ chồng trong xóm đánh nhau, anh em bất hòa, nhà ở trong phường không số, điện, nước mất thường xuyên, v.v… là tìm đến nhà tôi để nhờ nhà báo can thiệp. Dưới mắt của anh Cất và những ngư dân chân chất thật thà, hình như nhà báo cái gì cũng biết, cũng giải quyết được. Tôi thật “khổ” với những vị khách không mời cứ tìm đến nhà, nhưng trong lòng thật sự hạnh phúc trước niềm tin yêu của bạn đọc dành cho mình…
 
Và trong đời làm báo của mình, tôi nghiệm ra một điều, chính bạn đọc và những người dân là một kênh thông tin quan trọng để giúp cho nhà báo hình thành nên những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống nếu nhà báo biết gần gũi với bạn đọc, đến với bạn đọc, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của bạn đọc. Nhà báo thật sự hạnh phúc nếu có được nhiều bạn đọc, xem bạn đọc là chỗ dựa vững chắc trong sự nghiệp của mình…

LÊ VĂN HOA
;
.
.
.
.
.