Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng tháng 6, tháng 7, Đoàn Thanh niên tình nguyện Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố lại lên đường, tìm đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… để bằng nhiều việc làm cụ thể, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con.
Ấm áp tình quân dân
Anh Hà Văn Thoong, Trợ lý Thanh niên (TN), BĐBP thành phố, người đã hai lần trực tiếp dẫn đoàn tình nguyện nhớ lại: “Có lần Đoàn tình nguyện tổ chức biểu diễn văn nghệ cho bà con ở một thôn nọ (xin không nêu địa danh cụ thể), hợp đồng biểu diễn đã chuẩn bị đâu vào đấy, đúng 7 giờ tối là bắt đầu “chạy” chương trình, thế nhưng giờ “hẹn” đã đến mà chờ mãi vẫn không thấy bóng ai. Thế là cả đoàn phải tất tả vận động loa, đài, cử người xuống tận một số nhà dân gần đó tìm hiểu xem sao. Thì ra chỉ đơn giản là bà con đi làm đồng về muộn, “nhà nông đầu tắt mặt tối, cứ quần quật làm việc có mấy khi nhìn đồng hồ đâu chú” - một người dân phân trần. Rút cục hôm đó, đến 8 giờ rưỡi tối, chúng tôi mới được phục vụ bà con, tội nhất là có mấy anh chị sợ ăn no, khó biểu diễn, hát không thanh giọng nên ráng đợi, thế là biểu diễn xong lả luôn, nhưng xong đó lại vui cười ngay”. Anh Thoong xúc động nói tiếp: “Cũng không trách gì bà con, chỉ vì điều kiện, thói quen, nếp sống lâu nay như vậy rồi, nhìn họ hồn nhiên như vậy, thấy thương lắm, làm được gì đó cho bà con vui là chúng tôi vui rồi”.
Còn đối với chiến sĩ trẻ Trần Văn Tuynh, đợt đi tình nguyện ở thôn Hội Phước, xã Hòa Phú, Hòa Vang vừa rồi (giữa tháng 6-2011) là lần đầu tiên: “Mặc dù thời tiết nắng nóng, điều kiện ăn ở (chung) với bà con lại nhiều cái không quen, nhưng em rất vui, nhất là những bữa nấu ăn chung, các chị phụ nữ ở xã, thôn giúp đỡ bọn em rất nhiệt tình. Cùng ăn, ở, làm đồng, đào mương, làm đường, sửa nhà, ca hát… với bà con, chúng em thấy như được trở về nhà ấy”.
Được rèn luyện mình
“Tình nguyện hè là một dịp tốt để các chiến sĩ trẻ rèn luyện mình. Nội dung chương trình tình nguyện rất phong phú, gồm cả văn hóa, giáo dục, môi trường, an ninh trật tự… Nói đơn giản là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, phải thích nghi với mọi điều kiện sống. Và nhất là không biết từ bao giờ, trong tâm trí người dân “các chú BĐBP thì cái gì cũng biết, có gì cứ hỏi mấy chú” nên không thể chối từ điều gì”. Anh Thoong cười, tiếp: “Mỗi chiến sĩ Biên phòng ai cũng là ca sĩ, là giáo viên, ai cũng là thợ nề, khuân vác, làm vệ sinh… cứ vừa làm vừa học, người chưa biết hỏi người đã biết, người biết ít hỏi người biết nhiều, rồi cũng làm được cả”.
Còn đối với những chiến sĩ mới lần đầu “ra quân” như Trần Văn Tuynh, nhưng khi tâm sự với chúng tôi cũng tỏ ra rất đĩnh đạc “Làm việc gì cũng không được quên mình là BĐBP, phải giữ hình ảnh đẹp trong dân, để dân yêu, dân quý, dân tin, mình nói dân mới nghe được chị à”.
Cứ thế, mỗi năm đến hè, hình ảnh những người chiến sĩ mang quân hàm xanh lại trở thành niềm mong nhớ, chờ đợi và lưu luyến của những người dân nơi các vùng quê nghèo, các bản làng, hay nơi biển đảo xa xôi…
Bài và ảnh: Thanh Tân