“Hãy đặt hạnh phúc của cả nhà lên trên hết. Cha mẹ bớt một chút cái Tôi vì tương lai của các con”, chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chia sẻ.
Nếu bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra giữa hai vợ chồng, không riêng người phụ nữ trở thành nạn nhân trực tiếp, mà những đứa trẻ cũng sẽ bị “ghim” vào tâm trí hình ảnh không tốt về cuộc sống gia đình. Hành trang vào đời của các em đôi khi cũng chỉ là bạo lực.
“Ba mẹ ly dị trớt cho rồi!”
Kể từ khi cha mẹ đường ai nấy đi, hai chị em V. và H. cảm thấy… vui vẻ, bởi đã không còn phải chứng kiến cha hành hạ mẹ bằng những lời chửi bới, hay thường xuyên tìm cách “phá” công việc làm ăn của mẹ. Bây giờ, mọi chuyện từ nặng tới nhẹ đều do mẹ con V., H. tự lo liệu. Cuộc sống có phần chông chênh, nhưng các em cho biết thà vậy còn dễ chịu hơn có ba mà chỉ thêm buồn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh, Chi hội trưởng Phụ nữ liên tổ 21-23, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho hay, tham gia hòa giải bạo lực, chị từng chứng kiến những đứa con đã khôn lớn vẫn muốn “ba mẹ ly dị trớt cho rồi”, vì không thể chịu nổi không khí gia đình u ám trong tiếng cãi vã. “Gặp những em muốn tâm sự, chúng tôi còn biết cách chia sẻ. Với những trẻ trầm lắng, mình chẳng biết tháo gỡ bằng cách nào”, chị Hồng Thanh nói.
Thực ra, chẳng đứa trẻ nào lại muốn sống trong mái nhà “khiếm khuyết”. Tất cả các em đều cần đôi bàn tay của mẹ và bờ vai của cha. Sự “hớn hở” ban đầu khi cha mẹ ly hôn, chỉ là tấm bình phong cho nỗi mất mát thẳm sâu từ đáy lòng những đứa con vô tội.
Theo những người làm công tác phòng, chống BLGĐ, việc con cái chứng kiến cha mẹ bạo hành sẽ để lại hậu quả cực kỳ xấu trong nhân cách các em. Với trẻ trưởng thành, chúng mặc cảm với bố mẹ. Cha mẹ luôn là thần tượng của con cái họ. Một ngày nào đó, “thần tượng” không còn đẹp nữa, mọi tình cảm nơi các em sẽ thực sự sụp đổ. Không còn niềm tin vào gia đình, trẻ khó có niềm tin với xã hội. Chúng chẳng biết bám víu vào đâu. Đây được coi như điểm khởi đầu cho vết trượt khó kiểm soát trong cuộc đời những đứa trẻ này. Phần lớn trẻ vi phạm pháp luật đều xuất thân từ những gia đình không hòa thuận là vì vậy. Với các bé còn thơ dại, chúng rất cần sự ôm ấp của cả cha lẫn mẹ. Nếu vợ chồng cứ mãi cãi nhau, còn đâu nữa thời gian và sự quan tâm dành cho con cái.
Các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp, cha mẹ nên giấu chuyện lục đục trước mặt con. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế, không thể áp dụng lâu dài.
Giấu hay nói thẳng?
Chị Lê Thị Mỹ Hạnh cho rằng, giấu giếm sự bất hòa của vợ chồng trước mặt các con là điều nên làm. Cứ thấy ba mẹ đánh nhau, trong tương lai, bé trai có thể trở thành vũ phu. Bé gái khó có thể thành người phụ nữ dịu dàng. Tuy nhiên, vì các thành viên sống chung dưới một mái nhà nên che giấu không được coi là giải pháp hữu hiệu. Trong khi đó, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Vân Lan khuyên các bậc phụ huynh nên tìm thời điểm thích hợp để tâm sự cho con hiểu mọi chuyện. “Chờ lúc cơn giận nguôi ngoai, hãy ngồi lại với các con và cho chúng biết “ba mẹ rất yêu con”, sau đó giải thích vì sao chúng ta lại hành động như vậy. Điều cuối cùng là người lớn muốn lắng nghe ý kiến của trẻ để cùng giải quyết vấn đề khó khăn trong gia đình”.
Tuy nhiên, theo cả chị Hạnh và bà Vân Lan, việc xử sự bằng bạo lực là điều đáng tiếc. Người lớn hãy là tấm gương soi cho trẻ em noi theo. Cha mẹ cần biết kiềm chế bản năng để không thể muốn “hơn, thua” lúc nào cũng được. Hành xử một cách có văn hóa là bài học lớn dạy con nên người. Bà Lan tâm sự, mỗi lần đi nói chuyện hòa giải, bà thường đọc bài thơ “Hai chị em” (tác giả Vương Trọng) khiến nhiều người rơi nước mắt. Có lẽ, người lớn đã nhận ra điều gì đó chăng?
“Nín đi em bố mẹ bận ra tòa
Chị lên 7 dỗ em trai 3 tuổi
Thằng bé khóc vì chưa quen chịu đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm...
...Hỡi bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình”.
Bài và ảnh: TOÀN VÂN