Ngày 2-6, Cục Giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp thành phố tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý xây dựng Đề án thí điểm đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm (GDBĐ) tại duy nhất một cơ quan đăng ký, bao gồm: Giao dịch bằng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu biển và các động sản khác.
Mục tiêu lợi ích của Đề án là: Người yêu cầu đăng ký chỉ phải đến một cơ quan duy nhất để thực hiện các GDBĐ bằng động sản, bất động sản; đa dạng hóa các phương thức đăng ký, qua đó người yêu cầu đăng ký sớm xác định được thời điểm đăng ký làm cơ sở thứ tự ưu tiên thanh toán; hoạt động đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được tách bạch với hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, qua đó phù hợp với bản chất của giao dịch dân sự; trình tự, thủ tục đăng ký bước đầu được đồng bộ, không còn sự khác biệt lớn giữa đăng ký GDBĐ bằng động sản với bất động sản; không ảnh hưởng và không gây xáo trộn đến hệ thống hồ sơ địa chính của địa phương; hạn chế sự nhũng nhiễu từ phía các cơ quan có thẩm quyền khi người dân tổ chức thực hiện đăng ký GDBĐ qua mạng Internet.
Nhiều ý kiến của đại diện ngành Tài nguyên-Môi trường, tổ chức công chứng, tổ chức tín dụng tham gia tọa đàm; trong đó hầu hết các ý kiến đồng tình với mục tiêu lợi ích của Đề án là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời bảo đảm cho công tác quản lý Nhà nước. Đề án thí điểm thành công sẽ thống nhất quản lý thông tin về GDBĐ trên toàn quốc, góp phần khắc phục tình trạng thông tin về GDBĐ đang bị xé lẻ, bị giữ tại nhiều cơ quan. Để triển khai đồng bộ, cần phải hoàn thiện các thể chế pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực GDBĐ.
S.T