Chỉ một ánh mắt “nhìn đểu”, một cái dẫm chân trong lúc nhảy tại vũ trường hoặc tiếng nẹt-pô trong lúc đi xe máy là có thể xảy ra án mạng. Đó là kiểu hành xử của không ít đối tượng có máu côn đồ thời gian qua. Vậy, làm thế nào để hạn chế được thực trạng này?
Công an quận Hải Châu đọc quyết định bắt tạm giam đối tượng giết người. |
Những kẻ “máu lạnh”...
1 giờ ngày 17-4-2011, tại cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Nạn nhân là anh Kiều Minh Thọ (SN 1982), trú thôn 1, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - thuyền viên của tàu ĐN90439TS bị đồng nghiệp của mình đâm chết. Hung thủ là Nguyễn Thành Trung (SN 1985), trú thôn An Thạch, xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bị bắt ngay sau đó. Qua điều tra được biết, chiều ngày 16-4, tàu cập cảng cá Thọ Quang để chuyển cá bán cho thương lái. Lúc này Trung bị chủ tàu la rầy vì để mất neo khi tàu đánh bắt cá ngoài khơi. Trung bực tức và nghi ngờ anh Thọ là người báo cho chủ tàu biết việc mình làm mất neo. Đến 1 giờ ngày 17-4, khi thấy anh Thọ đang bốc cá trên thuyền xuống để bán cho các thương lái thì Trung liền đến gây sự. Hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến đánh nhau. Trung đã dùng dao nhọn đâm một nhát vào cổ anh Thọ khiến nạn nhân gục xuống chết ngay tại chỗ.
Trước đó, vào tối ngày 24-3-2011, Lê Cao Hải (SN 1990), trú phường Bình Thuận, quận Hải Châu cùng bạn đang đi trên đường thì gặp một nhóm thanh niên khác điều khiển xe đi cùng đường. Trong nhóm thanh niên có anh Nguyễn Bảo L. (SN 1990), trú phường Chính Gián, Thanh Khê đã nhìn vào mặt Hải. Thấy vậy, Hải bực tức nên đã rút dao bấm thủ sẵn trong người ra hù dọa, sau đó rượt đuổi nhóm của anh L. Hoảng sợ, những thanh niên này bỏ chạy tán loạn, anh L. chạy đến cửa khoa cấp cứu thì bị trượt chân ngã, Hải xông vào đâm nhiều nhát khiến anh L. bị thương tích rất nặng. Sau khi gây án, Hải bị Công an quận Hải Châu bắt giữ và khởi tố về hành vi “giết người”...
Đặc biệt, vào cuối tháng 4-2011, TAND thành phố đã tuyên án tử hình 2 đối tượng cầm đầu hai băng nhóm. Nguyên nhân của vụ án chỉ bắt nguồn từ cái dẫm chân nhau khi nhảy tại quán Bar No1 vào giữa năm 2007. Sau đó, hai băng nhóm đã thanh toán nhau một cách dã man khiến 1 người chết tại chỗ, 1 người bị thương tích 78%...
Giải pháp nào để ngăn chặn?
Nguồn tin từ Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra gần 10 vụ giết người do những nguyên nhân xã hội. Đây là một con số nhức nhối đáng báo động . Theo luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ án mạng như sự nóng nảy không kiềm chế được bản thân, hoặc máu “anh hùng” không muốn thua người khác... Một nguyên nhân quan trọng khác chính là do lối sống ích kỷ, tự do thái quá, ảnh hưởng phim ảnh bạo lực tràn lan… đã làm nảy sinh lối sống coi rẻ tính mạng người khác của các đối tượng. Chính vì những ảnh hưởng này mà không ít thanh-thiếu niên hiện nay hễ bước ra đường là lận theo dao, mã tấu, tuýp sắt... để sẵn sàng “giao chiến”.
Để ngăn chặn thực trạng này, theo luật sư Đỗ Pháp thì các cấp, các ngành và toàn xã hội phải vào cuộc một cách quyết liệt. Trước hết, nhà trường cần phải đặt vấn đề đạo đức học sinh lên hàng đầu, phải “tiên học lễ, hậu học văn”. Bởi theo ông, hiện nay trên cả nước, vấn đề đạo đức ở trường học dường như bị thả nổi. Đến nỗi một em học sinh tiểu học có thể ngang nhiên đánh bạn, ngang nhiên cãi lại thầy cô giáo; một em học sinh cấp 2, cấp 3 bực tức bạn có thể dùng dao, kéo đâm bạn thương vong. Đối với gia đình, cần phải gần gũi con cái, phải nắm được diễn biến tâm lý của con mình để có biện pháp ngăn chặn trước khi gây ra hậu quả. Đối với các cấp, các ngành và toàn xã hội, phải đẩy mạnh việc bảo vệ đạo đức xã hội, đạo đức con người…
Bên cạnh đó, theo Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng: Lực lượng Công an phải tập trung đồng bộ các biện pháp làm tốt công tác phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ, chủ động hạn chế, xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm. Tập trung điều tra, truy xét kịp thời các loại tội phạm này nhằm xử lý nghiêm minh trước pháp luật để có tính răn đe, phòng ngừa…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ