Nằm ở địa bàn xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 (gọi tắt Trung tâm 05-06) là nơi cai nghiện ma túy, điều trị bệnh cho gái mại dâm, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người tốt cho xã hội.
Học viên cai nghiện ma túy học làm tim đèn. |
Hầu hết những học viên cai nghiện ma túy được đưa về đây là “dân anh chị”, những tay ăn chơi khét tiếng ngoài đời. Không khó khi bắt gặp trên người họ xăm trổ đầy những hình ảnh rồng, phụng, đao kiếm...
Năm nay mới 28 tuổi, nhưng Ng.Đ.V, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã có thâm niên chơi heroin cách đây 10 năm. Và đây là lần thứ 2 V. cai nghiện ma túy tại Trung tâm 05-06. Kể về con đường dính với ma túy của mình, V. cho biết: Năm 18 tuổi, V. làm nghề đồ họa vi tính ở quê. Thi thoảng có tiền, V. ra Đà Nẵng chơi bời với bạn bè. Tuổi trẻ nông nổi, bồng bột muốn khám phá, V. theo đám bạn hư hỏng dấn thân vào heroin từ năm 2001. Số tiền hằng ngày lao động vất vả có được V. nướng sạch vào ma túy.
Năm 2006, trong một lần chơi heroin, V. đã bị Công an quận Thanh Khê bắt giữ đưa vào Trung tâm 05-06 cai nghiện. Sau khi cai nghiện tại đây xong, V. vào thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục làm nghề đồ họa vi tính kiếm sống. Môi trường sống phức tạp, hằng ngày hay gặp gỡ những người chơi heroin nên nỗi nhớ ma túy trong V. lại trỗi dậy và anh đã không ngần ngại chơi ma túy trở lại. Tết năm 2011, V. về lại Đà Nẵng. Lúc này, V. đã trở thành con nghiện khá nặng, mỗi ngày đốt vào heroin cả triệu đồng. Và cũng trong một lần chơi heroin với đám bạn, V. đã bị Công an bắt giữ và đưa vào Trung tâm cai nghiện 05-06 cho đến nay.
Còn trường hợp học viên Ph.Ng.A.T (35 tuổi), quê ở thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) cũng chơi heroin từ năm 1999. T. cho biết mình làm nghề phụ xe tuyến Nam Định-Đà Nẵng. Những lúc rảnh rỗi, T. đàn đúm với bạn bè để chơi ma túy. Tiền lương hằng tháng chẳng giúp được người thân trong gia đình mà đem đốt sạch vào ma túy. Đây cũng là lần thứ 2 T. bị lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng bắt về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đưa vào cai nghiện tại Trung tâm 05-06.
Ở Trung tâm 05-06, ngoài những học viên đến cai nghiện ma túy lần đầu, cũng có khá nhiều trường hợp vào cai nghiện ma túy từ 2 lần trở lên. Thậm chí, có không ít trường hợp học viên vào cai nghiện ma túy lần thứ 4, thứ 5 và hầu hết cán bộ của trung tâm đã nhẵn mặt với những học viên này.
Chăm lo học viên như người thân
Hiện Trung tâm 05-06 quản lý 149 học viên cai nghiện may túy, trong đó có 3 trường hợp bị nhiễm HIV. Nghe kể về quá trình cai nghiện ma túy ở đây, mới thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả, cũng như tấm lòng của các cán bộ làm công tác quản lý, cai nghiện ma túy ở trung tâm này.
Y sĩ Lưu Văn Dũng, cán bộ phụ trách công tác điều trị học viên cai nghiện ma túy của Trung tâm 05-06 cho biết, từ năm 2008 đến nay, anh đã điều trị cho hàng trăm lượt học viên cai nghiện ma túy. Trong quá trình cắt cơn nghiện, học viên luôn lên cơn vật vã, có hành vi chống đối. Không ít lần anh bị học viên dọa đánh, chửi bới đủ điều. Những lúc như thế, anh chỉ nhẹ nhàng động viên, trấn an tinh thần để họ chịu uống thuốc. Suốt 7 ngày đầu thực hiện việc cắt cơn cho học viên, như một người thân trong gia đình, lúc nào y sĩ Dũng cũng túc trực bên họ chăm lo từng li từng tí về sức khỏe và ngay cả công việc giúp đỡ họ đi vệ sinh cá nhân... Sau thời gian cắt cơn, thấy học viên hồi phục sức khỏe, không còn cảm giác thèm ma túy và bắt đầu tập vật lý trị liệu, anh và những cán bộ làm công tác cai nghiện ở trung tâm vui mừng khôn xiết.
“Học viên cai nghiện ma túy ở đây được xem như người bệnh. Trong quá trình cai nghiện, chúng tôi luôn đối xử với họ như một bệnh nhân, không hề cưỡng ép hay dùng vũ lực đối với họ trong quá trình cai nghiện. Chúng tôi quan niệm rằng, chỉ có lấy tình thương yêu, sự quan tâm, động viên, gần gũi thì mới cảm hóa tốt những con người một thời lầm đường, lạc lối này”, Y sĩ Dũng tâm sự.
Ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm 05-06 cho biết thêm, ngoài việc điều trị, cai nghiện ma túy, học viên còn được dạy nghề để sau này tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, đã có 1.220 lượt học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm 05-06 tái hòa nhập cộng đồng, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”. Lý giải về hiện tượng học viên sau khi cai nghiện tại Trung tâm 05-06 nhưng vẫn tái nghiện, ông Tạo cho rằng, hầu hết học viên sau khi hết thời gian cai nghiện ma túy tại Trung tâm 05-06 thì hoàn toàn khỏe mạnh, không còn cảm giác nhớ đến ma túy. Tuy nhiên, sau khi hòa nhập cộng đồng, do các yếu tố môi trường xã hội, gia đình, công tác quản lý của chính quyền địa phương, ý chí vươn lên của bản thân còn nhiều hạn chế… nên tình trạng học viên tái nghiện ngoài cộng đồng vẫn còn tăng cao.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN