Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Xuân Đích - Máy trưởng Đoàn tàu không số. Và càng có ý nghĩa hơn, khi ông Đích lại được gặp Bác trong lúc làm nhiệm vụ và được nghe Bác dạy bảo để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong những chuyến hành trình trên biển đầy khó khăn, gian khổ giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Ông Nguyễn Xuân Đích bồi hồi nhớ lại những năm tháng vinh dự được phục vụ Bác khi chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh ông chụp chung với Bác. |
Tham gia cách mạng tháng 3-1949 và sau đó tập kết ra Bắc vào năm 1954, ông Nguyễn Xuân Đích được điều về Quân chủng Hải quân học khóa thứ 3 ngành cơ điện hai năm rưỡi và trở thành máy trưởng tàu Hải Lâm, Hải quân. Tháng 1-1960, trong những đợt đi tuần phòng bờ biển, ông vinh dự được lệnh Quân chủng Hải quân điều đi nhận tàu của Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Mao Trạch Đông tặng Hồ Chủ tịch. “Đây là vinh dự và trách nhiệm lớn đối với cuộc đời tôi bởi vì lúc đó có rất nhiều kỹ sư giỏi nhưng tôi lại được chọn giao phó cho trách nhiệm lớn lao này. Từ đó, tôi cũng được vinh dự phục vụ Bác và đưa đón Bác đi nhiều chuyến. Trong đó có 4 chuyến đón Bác ra mắt nhân dân Hải Phòng” - ông Đích xúc động kể.
Trong hai ngày 21 và 22-1-1962, ông Đích đã được vinh dự đưa đón Bác Hồ cùng Anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp về thăm Vịnh Hạ Long trên chiếc tàu Hải quân, qua các hòn đảo, hang động trong Vịnh. Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời ông là lần được đưa Bác ra tắm ở vịnh Hạ Long, ông Đích được đơn vị phân công phục vụ khi Bác nghỉ ngơi và ông đã có dịp được Bác hỏi thăm. Ông Đích kể: Tôi đang đứng bật quạt, mở cửa thông gió thì Bác hỏi:
Quê chú ở đâu?
Dạ, quê cháu ở Quảng Nam.
Chú bao nhiêu tuổi?
Dạ, cháu 24 tuổi.
Chú học lái tàu lâu chưa?
Dạ, thưa Bác, cháu học 2 năm rưỡi.
Chú còn trẻ, học Quân chủng phục vụ lâu dài.
“Tuy câu chuyện ngắn ngủi, nhưng câu nói của Bác rất thiêng liêng và trở thành lời dạy bổ ích đối với tôi trong công việc và cuộc sống. Từ đó, tôi luôn cố gắng vượt qua khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Trong 3 năm phục vụ trên chiếc tàu Hải quân, tôi còn có dịp đưa đón bà Đặng Dĩnh Siêu, vợ của Thủ tướng nước CHND Trung Hoa Chu Ân Lai lúc đó sang thăm Việt Nam do Bác tiếp; và đưa 12 đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960...”, ông Đích cho biết.
Được phục vụ Bác trong nhiều chuyến đi, ông Đích vinh dự nghe lời Bác dạy và sau này tiếp tục phục vụ chiến đấu trong “Đoàn tàu không số”. Với nhiệm vụ là máy trưởng trong những lần thực hiện nhiệm vụ của mình, “Đoàn tàu không số” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chở vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, điển hình là chuyến hành trình chở 100 tấn vũ khí vào Trà Vinh.
“Đây là chuyến nguy hiểm nhất trong những chuyến mà tôi tham gia. Chỉ có 23 anh em trong đoàn, khi tàu vào gần đến thị xã Trà Vinh thì bị mắc cạn do thủy triều xuống nhanh quá. Trong khi đó, máy bay địch vờn qua vờn lại trên đầu, nhớ lại lời dạy của Người, chúng tôi như vững tin hơn và quyết đấu trí với quân thù. Đến 6 giờ 30 thì tàu vào đến thị xã Trà Vinh và đến 15 giờ thì người dân bốc hết số lượng vũ khí trên tàu chuyển vào đất liền an toàn”. Năm 1969, ông Nguyễn Xuân Đích lại được điều về Cục Tình báo Trung ương. Đây cũng là một nhiệm vụ mới đầy khó khăn gian khổ, nhưng ông Đích đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình như lời Bác đã dạy. “Trong tôi, Bác là ông Tiên. Do đó, khi Bác mất là một cú sốc lớn đối với tôi và cả gia đình tôi. Những lúc gian khó, ngại hy sinh nhưng nhớ tới lời dặn của Bác là tôi đều vượt qua hết. Những lúc công việc hay gia đình gặp khó khăn, trong thâm tâm tôi tự hứa với Bác để vượt qua”.
Khi nghỉ hưu, ông Đích tiếp tục tham gia Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi của phường Tam Thuận, quận Thanh Khê... và thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan viếng Lăng Bác vào dịp 19-5. Ông Đích còn tham gia giao lưu với các em học sinh ở Trường THCS Hoàng Diệu, Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh..., kể những câu chuyện về Bác mà ông có dịp chứng kiến để cho các em học sinh học tập. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông Đích luôn là một Bí thư gương mẫu của Chi bộ 2 phường Tam Thuận. Ông còn đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 10 năm và năm nay là năm thứ 8 ông đã thực hiện được điều này. Ngoài ra, ông còn là địa chỉ tin cậy của những gia đình có thanh thiếu niên hư ở địa phương. Những thanh niên phạm tội sau khi được giao ông phụ trách giáo dục đều trở thành người có ích và không tái phạm. Dẫu vậy, ông Đích vẫn khiêm tốn nói với tôi rằng: “Tôi cũng như những người quân nhân cách mạng khác. Chỉ có điều là tôi được vinh dự gặp Bác trong những dịp may mắn nên được tiếp thu lời Bác dạy và cố gắng học tập Bác để trở thành người có ích cho xã hội”.
Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG