“Từ hồi công trình chỉ có mấy viên gạch đầu tiên, bọn trẻ đã xách cặp ra đứng đợi tới ngày đi học. Giờ thì các em được thỏa ước mơ, dù chúng tôi chưa hoàn tất thủ tục để khánh thành”, chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) thành phố Đà Nẵng nói về một cơ sở “mới rợi” vừa mọc lên trên đất Hòa Vang, nhằm phục vụ cho các trẻ em bị nghi nhiễm dioxin tại đây.
Nhiều đoàn công tác xã hội đã đến thăm và chia sẻ với các nạn nhân chất độc da cam của cơ sở 3. |
Những ngày tháng 6, trẻ em là NNCĐDC trên địa bàn huyện Hòa Vang có một niềm vui mới đó là được đi học.
Nụ cười trên những nỗi đau
Nắng và cằn khô là những gì dễ cảm nhận tại nơi có công trình vừa được xây dựng dành cho trẻ em nạn nhân CĐDC. Nhưng chỉ cần bước qua cánh cổng của cơ sở này là ùa vào trước mắt chúng tôi 130 cây đu đủ, 140 cây chuối, rồi từng hàng mận và những khóm hoa hồng rung rinh bất chấp mọi sự khắt nghiệt. Từ phòng học, tiếng 60 đứa trẻ hát ca, nô đùa...
Chưa đầy một tháng đi học, có bạn... 26 tuổi mới đến lớp lần đầu, nhưng sự hòa nhập đã diễn ra rất nhanh. Không một đứa trẻ nào tỏ ra e thẹn, nhút nhát. Các em tranh nhau thể hiện tài năng, dù người chứng kiến là quen hay lạ. Khác với vài ngày trước đây, nhiều em không biết tự cầm muổng ăn cơm vì quen được gia đình chăm sóc như một người bệnh chưa thể tự lập. Nhiều em khác có tính cách “bất trị” do không được dạy dỗ thường xuyên. Nhưng hôm nay, các em đã tự làm một số điều thú vị và hăng say học tập. Dĩ nhiên, đó là những bài học rất riêng dành cho trẻ kém may mắn.
Không một đồng học phí, không một sự đóng góp của phụ huynh, đã thế, mỗi sáng các em ở xa đều được Trung tâm đưa đón bằng ô-tô có gắn máy lạnh mát rượi. Chiều đến, lũ trẻ lại lên xe để quay về gia đình. Riêng 5 em ở tận xã Hòa Bắc được ăn ngủ tại trường suốt tuần. Các học sinh đặc biệt có độ tuổi khá chênh lệch, nhỏ nhất là 9 tuổi và lớn nhất đã sắp xỉ 30! Nhưng nếu hỏi tuổi, em nào cũng sẽ tự xưng mình chỉ vừa lên... 4. Ngây ngô là vậy, nhưng dường như các em đã cảm nhận được sự “đổi đời” của chính mình nên nụ cười và thái độ vâng lời luôn thường trực.
Ngoài học cầm viết, đọc chữ cái, các em còn được đào tạo nghề như may, tin học, kết cườm, làm hoa. Không riêng con chữ, những thiết bị, máy móc dành cho việc học thật sự quá xa lạ đối với các em. Tất cả với đám trẻ bất hạnh này là một chân trời đầy sự khám phá.
Nặng lòng người thầy
Cơ sở 3 thuộc Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC thành phố được khởi công xây dựng từ đầu tháng 4-2010, tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Toàn bộ kinh phí của công trình là 330 nghìn USD do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tài trợ thông qua đóng góp của Quỹ Lanza (Mỹ). Ngoài ra, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc còn hỗ trợ mua một ô-tô 15 chỗ ngồi để đưa đón các cháu; các đơn vị và nhà hảo tâm tặng đồ dùng, trang thiết bị dạy và học... Với tổng diện tích 11.000 mét vuông, cơ sở mới có sức chứa 150-200 em. Toàn bộ nguồn kinh phí vận hành cơ sở do Trung tâm kêu gọi tài trợ. |
Là người trực tiếp gần gũi các em ngay từ ngày đầu, thầy giáo Lê Văn Nam (24 tuổi) cảm nhận rất rõ sự tiến bộ của học trò qua từng ngày. Tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Huế, thầy Nam về cơ sở này và bắt đầu với muôn vàn bỡ ngỡ. Cuộc sống tại một vùng thuần nông hẳn sẽ nhiều khác biệt so với phố thị, và những đứa trẻ quanh mình thật khác trẻ con bình thường, thế nên không riêng thầy Nam mà tập thể cán bộ gồm 5 người đều cố gắng không mệt mỏi. Ở cơ sở 3, cùng với người trẻ như thầy Nam, còn có một ông lão đã bao năm dành trọn đời mình cho nạn nhân da cam. Đó là ông Lê Văn Tá, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Hòa Vang, người vừa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc cơ sở 3. Cái chức nghe oai, nhưng với ông Tá, tất cả đều là sự nặng lòng. Nếu không, làm sao một ông già 81 tuổi có thể đạp xe vượt hàng chục cây số để đến nơi làm việc (nhà ông Tá ở xã Hòa Châu).
Anh Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố cho hay, trong tương lai, khi tay nghề các em bảo đảm ở một mức độ nào đó, Hội sẽ nhận gia công hàng để có nguồn thu và tạo cơ hội cho các em được làm việc thực sự. Cũng theo anh Lành, hiện chỉ có 3 phòng chức năng là học, đào tạo nghề và ăn đang hoạt động. Phòng ngủ và phục hồi chức năng dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Rời ngôi trường trên mảnh đất cằn khô nhưng căng đầy sự sống, chúng tôi đầy ắp niềm tin vào sự phát triển của nơi này khi cứ nghe vang lời ông “Phó Giám đốc” 81 tuổi: “Hồi mô chỗ ni có rau ăn, đu đủ ra trái, chuối trĩu buồng, tui mới yên tâm... về vườn”.
Bài và ảnh: THU HOA