.

Ấm áp nghĩa tình đồng đội

Trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa ngày 14-3-1988, 64 sĩ quan, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh, trong đó có 9 chiến sĩ quê Đà Nẵng. Các anh ra đi, đồng đội và cả những lớp chiến sĩ trẻ của trung đoàn thường xuyên thăm hỏi, động viên cha mẹ, gia đình các anh, để những mái đầu bạc đỡ cảm thấy quạnh vắng khi những đứa con ra đi mãi mãi không về.

23 năm rồi, nhưng nhắc đến ngày nghe tin con hy sinh, mẹ Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn vẫn cảm thấy như mới hôm qua. Những ngày đó mẹ và 8 gia đình còn lại bỏ hết mọi việc, chạy tới chạy lui giữa các nhà mong nhận được tin tức từ đảo xa với bao nhiêu hy vọng. Phải mấy hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc tên từng chiến sĩ hy sinh, mẹ mới thực sự tin con mình không còn trên cõi đời. Con trai mẹ hồi đó chưa qua tuổi 20, người thương cũng chưa, học xong phổ thông anh đi làm công nhân phụ giúp gia đình.
 
Nhà có hai chị em nhưng anh vẫn xung phong đi bộ đội, về huấn luyện ở Hội An, rồi chuyển ra Sơn Trà đóng quân, mẹ Kế vẫn tưởng rằng con trai mẹ sau thời gian phục vụ quân ngũ sẽ về với mẹ, rồi lấy vợ, sinh con… Ngày anh lên đường đi Cam Ranh, mẹ đang bán hàng rau ở chợ, ba bốc vác gạo ở cảng Đà Nẵng, hàng xóm kể anh về nhà không có ai nên tự hâm thức ăn ăn với cơm nguội, nhờ nhắn với ba mẹ anh sẽ đi xa. Anh đóng quân ở Trường Sa, mẹ Kế cũng chỉ một lần nhận được lá thư con trai, trong thư anh dặn ba mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe…
 
Gần 5 năm nay ông Nguyễn Điện, cha liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn bị tai biến, nằm liệt một chỗ, mẹ Kế đã bước qua tuổi 80, cũng may còn chút sức khỏe để chăm sóc ông. Trong ngôi nhà mái tôn thấp nóng, bà mẹ tóc bạc trắng ngồi lặng lẽ. Bà kể mới đây đoàn quân nhân, bác sĩ của Trung đoàn 83 Công binh Hải quân đến thăm, khám bệnh và kê mấy loại thuốc bổ cho mẹ uống. Những ngày lễ, Tết, Ngày Thương binh-Liệt sĩ, các anh đều đến thăm, động viên mẹ. “Chỉ chừng đó thôi cũng cảm thấy ấm lòng, con ạ. Trước ngày con trai đi bộ đội, mẹ động viên anh làm cho tốt, đừng trốn tránh, nếu có hy sinh cũng trong danh dự. Giờ mẹ mất một đứa con, nhưng con hy sinh vì đất nước thì mẹ cũng thấy đỡ đau buồn”, mẹ Kế nói giọng nghẹn ngào.

Những bà mẹ như mẹ Kế không biết đã đổ bao nhiêu nước mắt khóc thương con, nhưng ai cũng gắng gượng đứng dậy sau những mất mát không gì bù đắp nổi. Ông Lã Ngọc Tuân, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 83 Công binh Hải quân cho rằng, công tác đền ơn đáp nghĩa mà đơn vị thực hiện chỉ diễn ra trong những dịp lễ, Tết, và chủ yếu ở những nơi mà đơn vị đóng quân, nên không thể thực hiện đầy đủ theo đúng nghĩa tình đồng đội. Nên thay vì chọn cách thăm hỏi, tặng quà cho đủ 278 trường hợp liệt sĩ và hàng trăm thương binh từ thời chống Mỹ đến nay, chúng tôi chọn trọng điểm để giúp đỡ cụ thể.
 
Trong số 9 liệt sĩ Đà Nẵng hy sinh năm 1988, đơn vị đã làm nhà tình nghĩa cho 2 gia đình liệt sĩ và sắp tới sẽ đề nghị để tiến hành giúp đỡ làm nhà tình nghĩa cho 1-2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm của chúng tôi chưa thể gọi là nhiều, công tác đền ơn đáp nghĩa vẫn dựa vào các địa phương là chính, nhưng mong rằng với những gì đã làm được là tấm lòng, là nghĩa tình đồng đội mà những người còn sống tri ân các chiến sĩ đã hy sinh thân mình bảo vệ Tổ quốc.

Đầu tháng 6 vừa qua, Trung đoàn 83 Công binh Hải quân tổ chức đi thăm, tặng quà 9 gia đình liệt sĩ hy sinh năm 1988 ở đảo Gạc Ma với số tiền 27 triệu đồng. Quỹ đền ơn đáp nghĩa của đơn vị năm 2010 vận động được 568 người tham gia, ủng hộ được trên 40 triệu đồng. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho Bà mẹ VNAH, thương binh và gia đình liệt sĩ trên 26 triệu đồng.
Hiền Lương
;
.
.
.
.
.