Nhiều câu lạc bộ từ thiện được thành lập, có vài ba hoạt động rồi... chìm nghỉm, các thành viên đường ai nấy đi. Có những câu lạc bộ hoạt động khá hiệu quả nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa thể lớn mạnh. Đó là thực trạng của các câu lạc bộ từ thiện hiện nay ở Đà Nẵng...
Đầu tiên... tiền đâu
Chương trình “Xuân yêu thương” tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Đại Lộc, Quảng Nam năm 2010 do CLB Búp Sen Hồng tổ chức. |
Búp Sen Hồng là một trong những câu lạc bộ từ thiện của sinh viên. Dù chỉ mới thành lập được hơn 3 năm nhưng đã ghi “dấu ấn” bằng những hoạt động như bữa cơm ấm lòng tại Bệnh viện Hòa Vang dành cho những bệnh nhân nghèo, chương trình “Mùa đông ấm áp” được tổ chức tại làng Hy Vọng... Hay như đêm nhạc “Gọi ước mơ xanh” vào 21-8-2010 biểu diễn nhạc bao gồm các tác phẩm nhạc cổ điển và hiện đại như độc tấu, song tấu... violin, guitar, piano, sáo, đàn tranh..., triển lãm một số tranh ảnh, sản phẩm mỹ nghệ của các doanh nghiệp liên quan đến lao động khuyết tật. Từ những nguồn tiền tài trợ, câu lạc bộ đã trao 50 suất học bổng trị giá gần 30 triệu đồng cho 50 học sinh, sinh viên mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố. Câu lạc bộ đã nhận được Giấy khen của Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Đà Nẵng, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam...
Bạn Hoàng Gia Thể, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Búp Sen Hồng, bày tỏ: “Để có tiền tổ chức các hoạt động, bọn em đều phải đi vận động các nhà tài trợ, nhà hảo tâm và giữ xe tại một số điểm để gây quỹ. Tuy nhiên, tất cả các nhà hảo tâm đều là... người quen của các thành viên câu lạc bộ. Đi vận động tài trợ thực sự là khâu khó nhất bởi bọn em chưa có con dấu riêng”. Hầu hết các câu lạc bộ dạng này đều mong được cấp giấy phép hoạt động nhưng họ còn ngại bởi thủ tục hành chính còn rườm rà. Thế nên, hầu hết là chọn giải pháp xin trực thuộc một cơ quan hay tổ chức đã được cấp phép nào đó.
Chẳng hạn như câu lạc bộ từ thiện khá “quen mặt”: “Vì cuộc sống sẻ chia” xin trực thuộc Hội Từ thiện thành phố. Dù chỉ mới thành lập hơn 2 năm nhưng đã tổ chức được nhiều hoạt động như trao quà cho các địa chỉ đỏ do doanh nghiệp Karty tài trợ, vui Tết Trung thu với 50 em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, chuyển 800 thùng hàng gồm mì gói, nước suối, sữa, bánh mì đến tận tay người nghèo... Tuy nhiên, theo bạn Ngô Bảo Thiên, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết: “Việc trực thuộc có thuận lợi là dễ xin tài trợ và có mã số thuế nên bán vé cho các chương trình ca nhạc từ thiện khá dễ dàng. Nhưng cũng có nhiều hạn chế là không chủ động và phải thường xuyên báo cáo, hoạt động trong một phạm vi nhất định...”.
Cần chuyên nghiệp hơn
Để hoạt động từ thiện của các câu lạc bộ thực sự đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả cao, đóng góp cho cộng đồng cần có sự chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động. Bạn Ngô Bảo Thiên cho biết: “Các thành viên trong câu lạc bộ đang có dự định sẽ phát triển câu lạc bộ, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, đứng độc lập để thuận tiện hơn trong hoạt động”. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức, hoạt động cũng cần chuyên nghiệp hóa. Lâu nay hầu hết các câu lạc bộ đều tổ chức chương trình rồi mới xin tài trợ. Nên chăng có thể kêu gọi tài trợ trước rồi mới tổ chức chương trình sẽ chủ động được tài chính. Một số người chuyên hoạt động trong lĩnh vực từ thiện cho rằng: Để tạo được lòng tin cho doanh nghiệp nhằm kêu gọi tài trợ, các câu lạc bộ cần có tài liệu giới thiệu về mình, về những hoạt động đã làm được, có trang thông tin điện tử riêng, cập nhập liên tục các hoạt động của mình. Muốn nhận được tài trợ, các đơn vị phải làm cho doanh nghiệp thấy được ý nghĩa, hiệu quả mà chương trình, hoạt động này mang lại...
Như vậy, để hoạt động từ thiện không phải làm cho vui, mang tính bột phát mà cần phải chuyên nghiệp, các câu lạc bộ phải có các thành viên nhiệt tình và thay đổi cách thức hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Bài và ảnh: KIM NGÂN