Hai năm sau khi triển khai Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong việc giảm nghèo, tạo việc làm, giảm học sinh bỏ học, thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nét nổi bật nhất mà Hòa Quý làm được đó là hỗ trợ xây dựng hàng trăm nhà tránh bão cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo.
Kỷ lục nhà tránh bão
Người dân Hòa Quý yên tâm hơn khi ở trong những ngôi nhà tránh bão, tránh lũ được xây dựng kiên cố. |
Giữa trưa hè nắng nóng, chúng tôi vào sâu trong các ngõ hẻm của các khối phố An Lưu, Khái Tây, Mân Quang, Khuê Đông... để tìm hiểu về mô hình nhà tránh bão mà người dân được hưởng lợi. Bà Lê Thị Tám, tổ dân phố số 1, khối phố Khuê Đông hồ hởi cho biết, nhà bà được xây dựng từ cuối năm 2009, với kinh phí hơn 30 triệu đồng, được thiết kế với 6 trụ bê-tông cốt thép nên nhà khá kiên cố, có thể trú ẩn trong điều kiện bão lớn. “Ở trong ngôi nhà này, hai mẹ con tôi yên tâm không sợ bị sập. Những vật dụng cần thiết như gạo, ti-vi, xe đạp được tôi chuyển lên gác cất trước khi nghe tin sắp có lũ dữ ập đến”. Ở tổ dân phố số 1 của bà Tám còn có nhà bà Hồ Thị Huệ, ông Trần Phước Tri cũng thuộc hộ nghèo được UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với doanh nghiệp xây dựng nhà chống bão để chống chọi với những cơn bão lớn kèm theo lũ bất ngờ dâng cao.
Đầu năm 2010, phường Hòa Quý có 1.045 hộ nghèo với 3.643 nhân khẩu, trong đó 173 hộ đặc biệt nghèo không còn khả năng lao động, 135 hộ đặc biệt nghèo còn khả năng lao động. Nhờ tập trung thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ dân, đến cuối năm 2010, phường giảm 395 hộ nghèo với 1.571 khẩu. Hiện tại, 650 hộ nghèo của phường Hòa Quý đang được tập trung đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều nguồn khác nhau để nhanh chóng thoát nghèo bền vững trong khoảng hai năm đến. |
Không như những ngôi nhà trú ẩn đa năng có quy mô xây dựng từ 400 đến 600 triệu đồng/nhà, có thể chứa từ 50 đến 70 người trong mưa lũ, nhà tránh bão cho người nghèo có diện tích xây dựng dưới 30 mét vuông, chi phí đầu tư xây dựng từ 20 triệu đến 40 triệu đồng/căn. Tuy vậy, với kết cấu 6 trụ bê-tông, có gác được thiết kế nhằm tránh được bão lớn, nước dâng, nhà tránh bão cho người nghèo đang tỏ rõ tính ưu việt so với những công trình dân sinh khác trong mùa mưa lũ.
Ông Huỳnh Kim, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, trên cơ sở thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015, UBND phường Hòa Quý xây dựng phương án thực hiện cụ thể theo từng năm. Trong đó, ngoài việc hỗ trợ kinh phí cho các hộ đặc biệt nghèo hằng tháng, địa phương quyết tâm xây dựng nhà tránh bão kiên cố để người dân ổn định nơi ở, từ đó ổn định kinh tế, tiến đến thoát nghèo. Cho đến nay, bằng nhiều nguồn lực, Hòa Quý đã xây dựng được 124 căn nhà tránh bão cho người dân vùng trũng, thấp lụt.
Nuôi vịt lồng thoát nghèo
Từ năm 2009, ở phường Hòa Quý, có một mô hình kinh tế mới được người dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là nuôi ếch và nuôi ba ba. Tuy vậy, từ tháng 2-2011, Hội Cựu chiến binh phường ứng dụng lần đầu nuôi vịt trong lồng, thay vì nuôi thả đồng theo kiểu truyền thống. Theo ông Hồ Sĩ Lượng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường thì mô hình này có thể giúp cho nhiều gia đình khó khăn cải thiện đời sống, bởi chi phí đầu tư đóng mới lồng vịt và mua vịt con chưa tới 1 triệu đồng/lồng. Sau 30 ngày nuôi nhốt lồng, một lồng vịt có thể thu lời thêm 1,5 triệu đồng cho người dân. Có thể nuôi gối đầu 1 tháng/vụ xuất chuồng. Hiện tại, mô hình nuôi vịt lồng được nhiều người dân Hòa Quý áp dụng, do vừa ít tốn công chăm sóc, đồng thời phù hợp với việc quy hoạch thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Hiện tại, Dự án Khu đô thị Hòa Quý đang triển khai nên phần lớn người dân phải thu hẹp hoặc mất đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với nỗ lực của chính quyền địa phương, một mặt vận động người dân chấp hành chủ trương di dời để triển khai các dự án, một mặt tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn làm kinh tế. Lo cho người dân thuộc diện đền bù, giải tỏa, chính quyền địa phương cũng tuyên truyền để bà con giảm thói quen tiêu pha phung phí, biết cách sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, tăng hiệu quả để thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh: DIỆU MINH