Vừa trở về sau một chuyến đi biển, chưa kịp nghỉ ngơi, những ngư dân làng cá Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà lại tiếp tục chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi mới.
“Bắt cóc” hai ngư dân Lê Văn Thuận (52 tuổi, tổ 8, phường Nại Hiên Đông) và Đặng Văn Ca (40 tuổi, tổ 14, Nại Hiên Đông) tại Trạm kiểm soát biên phòng sông Hàn khi họ vừa đến thăm trạm để chuẩn bị chuyến biển mới, chúng tôi được nghe kể khá nhiều chuyện về đời, về nghề. Theo nghề, mê nghề từ thuở lọt lòng mẹ, lão ngư Lê Văn Thuận đã hơn nửa đời người gắn bó với biển cả. Ông thuộc từng con nước, có thể nhìn trời đoán phương hướng. Lúc đầu mới chỉ đi bạn (làm thuê) cho thuyền khác, sau ông tự dành dụm đóng tàu ĐNa-90149 với công suất 165CV, tạo việc làm cho 9 lao động trong xóm.
Mỗi năm tàu ông đánh bắt khoảng hơn 50 tấn cá, thu về hàng tỷ đồng. “Ra khơi bám biển, chú có ngại, có lo lắng về sự an toàn cho tàu mình không?” - tôi hỏi. “Biển cả cũng là quê hương mình mà, việc gì phải ngại. Đánh bắt hải sản không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của “Tổ quốc”, ông Thuận khẳng định chắc nịch. Chỉ sang anh Linh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng sông Hàn, ông nói tiếp: “Với lại các anh Bộ đội Biên phòng như luôn có mặt bên chúng tôi qua máy Icom, có sự cố gì là được ứng cứu ngay”. Tất cả thông tin liên lạc của các tàu cá được truyền về đất liền 24/24 giờ, khiến biển và bờ như nối liền. Anh Ca, chủ tàu ĐNa-90377, công suất 120CV nói, nhờ thông tin liên lạc hiện đại nên ngư dân dù đi biển dài ngày cũng nguôi ngoai nỗi nhớ đất liền, vợ con, yên tâm bám biển. “Chỉ buồn một nỗi vì phải qua tổng đài nên những “chuyện khó nói” muốn kể cùng bà xã đành phải nén lại chờ ngày trở về”, anh Ca đùa.
Thiếu tá Hoàng Duy Linh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng sông Hàn cho biết: “Hiện toàn phường Nại Hiên Đông có 62 tổ tàu thuyền an toàn trên biển, mỗi tổ từ 3 - 5 tàu, đánh bắt cùng nhau và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra”.
Kim Ngân