.

CLB Người khiếm thính Đà Nẵng: Niềm vui và trăn trở

.
Sau bao mong đợi, cuối cùng câu lạc bộ (CLB) Người Khiếm thính (NKT) thành phố Đà Nẵng đã được thành lập. Các bạn trẻ câm điếc đã có tổ chức để sinh hoạt, học hỏi những điều hay mà trước đây họ hiếm có cơ hội tiếp cận. Tuy nhiên, còn nhiều trăn trở cho một CLB đặc biệt như thế này.

Mô tả ảnh.
Các bạn khiếm thính đã có cơ hội sinh hoạt định kỳ để giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Muộn còn hơn không

75 NKT không phân biệt tuổi tác, trình độ, nghề nghiệp hằng tháng sẽ gặp nhau dưới một mái nhà chung là CLB NKT thành phố. Trong số họ có người biết chữ, có người không, có bạn dạn dĩ, ngược lại có những bạn chẳng mấy khi giao tiếp với bên ngoài. Nhưng tất cả đều thể hiện nhiệt tình, khát khao được mở rộng sự giao lưu và khẳng định bản thân như bao người bình thường khác. Sau hai lần dự định thành lập CLB bị thất bại do khó khăn về kinh phí, địa điểm, thiếu thông tin liên lạc với tổ chức hỗ trợ, đặc biệt các thành viên không thể nghe nói nên hạn chế về mặt nắm bắt thông tin xã hội; đến nay, những trở ngại bước đầu đã được vượt qua bằng sự ra mắt một CLB quy mô và bài bản.

Chị Hồ Thị Tần, có con bị khiếm thính cho biết: “Lẽ ra, CLB phải được thành lập sớm hơn. Từ trước đến nay, các em câm điếc không có tổ chức để sinh hoạt. Ngoài gia đình, hầu như NKT không còn biết chia sẻ với bất kỳ ai. CLB được coi như một “Tổ chức Đoàn”, nơi các em được trau dồi vốn sống, hình thành nhân cách và chọn lọc những điều hay lẽ phải để học hỏi lẫn nhau”. Sự kỳ vọng của các bậc cha mẹ có con bị khiếm thính như chị Tần, cũng là những mục tiêu hoạt động của CLB. Theo đó, hằng tháng, các bạn sẽ tập trung để tuyên truyền về kiến thức pháp luật, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, học nghề, giới thiệu việc làm cho nhau…

Trăn trở...

Sinh hoạt ở vỉa hè
Hiện nay, địa điểm của CLB là... vỉa hè đường Bạch Đằng, đối diện số nhà 42. Chủ nhiệm CLB cho hay, vì chưa tìm ra nơi ổn định để sinh hoạt nên trước mắt vỉa hè này được coi là chỗ lý tưởng nhất. Tuy nhiên, không biết những ngày mưa gió, “ngôi nhà” của các bạn sẽ đi về đâu?
Đến nay, vấn đề làm thế nào để CLB “sống” được vẫn là điều trăn trở của nhiều người. Anh Tôn Thất Phước, cố vấn của CLB cho biết: “Một trong những nội dung của phương hướng hoạt động thời gian đến là tạo công ăn việc làm cho các bạn khiếm thính. Không khó khăn khi giúp các em có cái nghề trong tay, nếu CLB nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cơ sở dạy nghề, tuy nhiên thực hiện được điều này không dễ. Theo anh Phước, CLB đang tính đến việc mở điểm buôn bán, kinh doanh để giải quyết việc làm cho lao động khiếm thính. Dù vậy, đây vẫn mới chỉ là... dự định.

Trong khi đó, với nhiều năm điều hành hoạt động CLB NKT thành phố Hồ Chí Minh, chị Dương Phương Hạnh chia sẻ kinh nghiệm: “Có 3 nội dung các bạn có thể “khai thác” chính mình và đem lại lợi ích rõ ràng trước mắt. Thứ nhất, dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người bình thường. Công việc này không chỉ đem lại thu nhập mà còn tạo cơ hội cho xã hội bắt nhịp với các bạn dễ dàng hơn. Thứ hai, NKT nên nhờ tình nguyện viên dạy môn tiếng Việt để trau dồi kỹ năng nói và viết. Đó chính là chìa khóa cho các bạn tiếp cận các kiến thức sâu rộng hơn. Và cuối cùng, dịp sinh hoạt là lúc NKT hãy “nói” ra những khó khăn thường ngày mình gặp phải. Mỗi người cùng sẻ chia và tìm cách giải quyết vấn đề, qua đó học hỏi và rút ra những bài học bổ ích cho bản thân”.

Bài và ảnh: THU HOA
;
.
.
.
.
.